Xã hội

Giảm nghèo trên vùng cao Làng Sáng

Nguyễn Nga 01/04/2024 - 11:29

(TN&MT) - Không điện thắp sáng, không sóng điện thoại, không đường giao thông – 3 không ấy đã từng khắc họa rất chân thực cuộc sống nghèo đói, lạc hậu trước đây của bà con Làng Sáng, bản làng đặc biệt ở tận cùng, nằm giáp ranh giữa 2 tỉnh Sơn La – Yên Bái, thuộc xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.

Vùng đất tận cùng

Trước năm 2019, để từ trung tâm huyện Bắc Yên lên tới Làng Sáng, chỉ qua lời kể có lẽ cũng khiến nhiều người “chùn chân, nản ý”.

Thời điểm ấy, để đến với Làng Sáng phải mất gần 1 ngày đi đường, qua 3 lần di chuyển, ấy là, hơn 30km đường đèo quanh co từ trung tâm huyện Bắc Yên lên tới xã Háng Đồng; hơn 7km từ trung tâm xã đến bìa rừng; và chặng đường gian nan nhất để vào được trung tâm bản Làng Sáng: 23km đi bộ xuyên rừng.

Nay, mọi sự đã khác. Làng Sáng đã có đường ô tô vào đến tận bản, dù rằng, chặng đường để tìm về bản làng vùng cao này vẫn là đèo dốc khúc khuỷu, sẵn sàng thách thức những tay lái “yếu tim”.

a1(1).jpg
Lãnh đạo xã Háng Đồng trao đổi tình hình phát triển KT-XH với cán bộ bản Làng Sáng.

Xuất phát từ trung tâm huyện lúc 6h sáng, gần trưa, chúng tôi mới đặt chân đến Làng Sáng. Ban ngày, thường người lớn trong làng đều đi làm nương hoặc xuống trung tâm xã, chỉ có trẻ em, người già ở lại bản làng đón tiếp những vị khách phương xa.

Nay, đã hẹn trước, đón chúng tôi ở đầu làng, là anh Mùa A Thông, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản.

Ấn tượng đầu tiên khi đến với Làng Sáng đó là vùng đất tuyệt đẹp với khí hậu quanh năm mát mẻ, mây trắng bồng bềnh bao phủ, nơi vẫn lưu giữ vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng nguyên sinh và núi non hùng vỹ.

Bỏ lại sau lưng phố thị ồn ào, ai đã đặt chân đến đây chắc hẳn sẽ ngỡ ngàng trước sự dịu dàng, yên ả, với những giây phút nghỉ ngơi tĩnh lặng giữa thiên nhiên hùng vỹ, một bên là rừng già bao phủ, một bên là biển mây trắng bồng bềnh và những cánh đồng ruộng bậc thang trải dài mênh mang.

- Tại sao bà con lại định cư nơi đây và cái tên Làng Sáng có ý nghĩa gì không anh? – Tôi hỏi.

Khẽ bật cười, Trưởng bản Mùa A Thông kể: Nằm ở vùng lõi của rừng đặc dụng Tà Xùa, Làng Sáng được thành lập năm 1988, với đa phần là người H'Mông gốc ở xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu (tỉnh Yên Bái) và người H'Mông từ xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên di chuyển về định cư.

Khi di chuyển đến đây, bà con tìm đường xuống vùng thấp hơn để định cư, nhưng cả hai phía đầu bản đều có con suối lớn, dòng nước chảy xiết, nên không thể lội suối qua được. Việc tiếp tục di cư hay ở lại định cư đã được bàn bạc trong mấy ngày, nhưng không đi đến thống nhất.

a2(3).jpg
Người dân Làng Sáng chăm sóc cây thảo quả.

Thế rồi, vì không tìm được cách vượt qua dòng suối chảy xiết, các gia đình thống nhất ở lại định cư tại khoảnh đất giữa hai con suối. Cái tên Làng Sáng có từ đây, theo tiếng Mông có nghĩa là “khó nghĩ”.

Lúc bấy giờ, giao thông khó khăn, Làng Sáng dường như biệt lập với các bản khác trong xã Háng Đồng, chỉ khi nào thực sự có việc cần thiết, bà con mới xuống núi.

Cũng bởi thế, bà con không có điều kiện tiếp cận với những kiến thức kỹ thuật sản xuất mới, chủ yếu sinh sống dựa vào sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp, phương thức lạc hậu. Hàng ngày vào rừng hái măng, hái rau rừng về phục vụ sinh hoạt của gia đình. Cái đói, cái nghèo bởi vậy cứ đeo bám dai dẳng bao đời.

Bừng lên ngày mới

Qua những tháng ngày đói khổ, khi những chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Đảng và Nhà nước được đưa về với bà con, người dân nơi đây mừng lắm. Gia đình anh Hạng A Páo chính là một trong những hộ gia đình đã thoát nghèo nhờ những dòng vốn chính sách ấy.

Dáng người đậm, nước da hơi ngăm ngăm, bên chén chè còn đang tỏa hương, anh Páo kể: Trước đây, gia đình mình nghèo lắm, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Năm 2016, gia đình được nhà nước hỗ trợ 3 con dê, 1 con bò.

Cũng lo lắng, băn khoăn, vì quanh năm chỉ biết cây ngô, cây sắn, giờ được hỗ trợ nhưng phải làm gì thì mình cũng không biết. Nhưng được cán bộ quan tâm, chỉ dạy từng chút, mình cũng bảo nhau phải chăm chỉ làm ăn mới thoát được đói, giờ đã phát triển đàn được trên 50 con dê, 15 con bò. Không những đủ ăn mà còn dư giả rồi.

a3(1).jpg
Người dân Làng Sáng thu hoạch và chăm sóc chè.

Được biết, Làng Sáng hiện có 108 hộ dân, trên 700 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc H'Mông. Tiếp câu chuyện về sự đổi thay của bản làng, người Bí thư Chi bộ bản tâm sự: Những năm vừa qua, bản đã được nhà nước quan tâm, hỗ trợ một số giống cây trồng, vật nuôi như chè, thảo quả, táo, bò cái sinh sản cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Công cụ giảm nghèo đã có, nhưng làm thế nào để sử dụng hiệu quả và thoát được cái nghèo? Trăn trở với câu hỏi ấy, ban quản lý bản đã cùng nhau họp bàn, thống nhất phải là tấm gương tích cực đi đầu làm kinh tế cho bà con.

Từ đó, từng bước tuyên truyền, vận động bà con mạnh dạn, chủ động, tích cực chăm sóc các loại cây trồng vật nuôi đã được hỗ trợ. Tuyên truyền để bà con hiểu, tích cực làm ăn, hiểu được hiệu quả cây trồng cũng như sự cố gắng trong việc phát triển kinh tế sẽ thật sự đem lại cuộc sống ấm no.

Rồi dần dần, Làng Sáng đã có điện thắp sáng, có điểm trường… Nhưng sức bật tạo sự đổi thay cho Làng Sáng, có lẽ bắt đầu từ năm 2019. Khi ấy, tuyến đường giao thông từ trung tâm xã vào bản được đầu tư, cũng là lối mở giúp bà con nơi đây thoát nghèo hiệu quả.

Còn nhớ như in ngày đầu tiên được đi trên con đường bê tông, anh Sồng A Lồng, người dân trong bản xúc động: Ngày xưa, chỉ đi được mùa nắng thôi. Giờ thì, nắng mưa đi thoải mái. Cảm giác cuộc sống ở đây, không khác gì ngoài xã, ngoài huyện. Có điện, có đường, bà con chúng tôi bảo nhau phải cùng tiến bộ, thi đua xóa đói giảm nghèo, tích cực trồng lúa nước, trồng cây có thu nhập như chè, thảo quả.

a4.jpg
Nụ cười đã hiện hữu trên gương mặt người phụ nữ H'Mông trên bản làng vùng cao.

Đứng trên đỉnh đồi cao, phóng tầm mắt ra những đồi chè, ruộng lúa, anh Mùa A Thông "khoe": Hiện nay, Làng Sáng đã có 44,9ha ruộng bậc thang, 75ha lúa nương, 30ha chè, 30ha thảo quả, 13ha ngô và dong riềng. Tổng đàn gia súc gia cầm trên 1.400 con, có 22 hộ chăn nuôi trâu bò, dê đã áp dụng cách làm chuồng trại để chăn nuôi gia súc.

Sản phẩm thóc không chỉ phục vụ sinh hoạt của gia đình, bà con còn dành một phần để bán, trang trải những nhu cầu thiết yếu khác. Bà con còn bảo nhau cùng mở rộng diện tích trồng mới cây chè, chăm sóc tốt 30ha chè hiện có; học cách hái chè, sao chè để nâng cao giá trị cây chè. Đồng thời, tận dụng những sản phẩm có sẵn trong rừng, như măng để chế biến món ăn truyền thống, sản phẩm từ măng muối ớt đã trở thành hàng hóa như ở một số nơi khác.

Có thể thấy, không chỉ dừng ở việc xóa đói, giảm nghèo, mà cốt lõi, là làm sao để bà con hiểu và hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững – chủ trương này đã thật sự được tỉnh Sơn La, huyện Bắc Yên lan tỏa tới người dân nơi đây.

Vẫn biết chặng đường phía trước còn nhiều gian nan, song, mây mù che phủ đã lùi lại, tin rằng, với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, với tinh thần hăng say thi đua lao động sản xuất, “vùng đất tận cùng” Làng Sáng ngày nào sẽ ngày càng thay da đổi thịt, để niềm vui, sự phấn khởi đã và sẽ rạng rỡ hơn nữa trên mỗi nét mặt người dân.

Và chắc chắn rằng, chúng tôi sẽ còn quay lại mảnh đất tươi đẹp này, để chắp thêm một nét bút, một câu chuyện chi tiết hơn, khắc họa hình ảnh những đồng bào dân tộc H’Mông chân chất, cần cù, chịu thương, chịu khó đã vượt lên cái đói, cái nghèo, để tự viết lên sự đổi thay cho cuộc đời mình và cho bản làng.

Hẹn gặp lại Làng Sáng vào một ngày không xa!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm nghèo trên vùng cao Làng Sáng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO