Đa dạng sinh kế để giảm nghèo
Theo lãnh đạo UBND huyện Thuận Châu, những năm qua, Thuận Châu đã chỉ đạo rà soát, thống kê số hộ nghèo, cận nghèo, phân tích, đánh giá, làm rõ nguyên nhân nghèo đối với từng hộ, từng bản, từng xã để xây dựng phương án thoát nghèo cụ thể với từng trường hợp.
Cùng với đó, huyện đã sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… để đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nhân dân, đặc biệt là tại các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn.
Tập trung khai thác, phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế từng vùng, chuyển từ canh tác nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô lớn, sản xuất hàng hóa. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế cây trồng giá trị thấp bằng cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao như chè, cà phê, chanh leo, thanh long, bơ, xoài, nhãn… Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp xanh. Tích cực kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường các nước.
Nhờ đó, từ một huyện thuần nông nghèo, quy mô nhỏ, tăng trưởng thấp, sản xuất còn mang đậm tính tự cung, tự cấp, Thuận Châu đã dần vươn lên thành nền kinh tế phát triển năng động, có quy mô tương đối lớn, tăng trưởng cao. Kết cấu hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư, 100% xã trên địa bàn có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa, trên 71% thôn, bản, tiểu khu có đường giao thông đến trung tâm được cứng hóa, trên 98% số hộ được sử dụng điện lưới Quốc gia. 100% dân số đô thị được sử dụng nước sạch, 90% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo được quan tâm triển khai, đảm bảo các hộ đều có nhà ở an toàn, ổn định, mục tiêu đến cuối năm 2025 hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 1.707 hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở.
Qua rà soát sơ bộ, năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Thuận Châu là 32,24%, hộ cận nghèo là 16,65%. Xác định mục tiêu đưa Thuận Châu thoát nghèo là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã thảo luận, thống nhất ban hành Nghị quyết số 18 ngày 5/7/2022 về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mục tiêu đưa Thuận Châu thoát nghèo vào năm 2025. Đưa mục tiêu giảm nghèo vào tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu ở cơ sở. Phấn đấu trung bình hàng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo từ 8-9%. Đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 17%, hộ cận nghèo còn 5%.
Phát triển bền vững vùng nguyên liệu cà phê gắn với BVMT
Là 1 trong những cây trồng chủ lực giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, Thuận Châu có hơn 5.500 ha diện tích trồng cà phê, tập trung tại các xã Nậm Lầu, Bon Phặng, Muổi Nọi, Tông Cọ, Chiềng Pha, Chiềng Bôm… Dự kiến sản lượng cà phê nhân niên vụ 2022-2023 đạt gần 5.000 tấn.
Tuy nhiên, đi kèm với đó là áp lực về ô nhiễm môi trường từ các cơ sở sơ chế, chế biến cà phê. Với quan điểm không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, UBND huyện Thuận Châu đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn hướng dẫn, tuyên truyền, ký cam kết với các cơ sở sơ chế, chế biến cà phê về chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường. Thành lập Tổ kiểm tra thực hiện phòng ngừa, phát hiện ngăn chặn và xử lý ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở chế biến cà phê, lực lượng nòng cốt là Công an huyện và phòng TN&MT.
Tổ công tác của huyện, UBND các xã, thị trấn đã tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở hoạt động sơ chế, kiên quyết không để phát sinh các cơ sở chế biến nông sản tự phát không có hệ thống xử lý nước thải, chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận giấy phép về môi trường hoạt động. Qua đó, 3 năm trở lại đây, ý thức tuân thủ pháp luật trong hoạt động sơ chế, chế biến cà phê của các tổ chức, cá nhân từng bước được nâng cao.
Ông Tạ Đăng Hải, Trưởng phòng TN&MT huyện Thuận Châu cho biết: Niên vụ 2022-2023, Thuận Châu có 9 cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến cà phê hoạt động, trong đó, 3 cơ sở nằm trong hành lang bảo vệ nguồn nước Nhà máy cấp nước số 1 Thành phố Sơn La, 6 cơ sở nằm ngoài hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt. Qua kiểm tra, giám sát, về cơ bản các cơ sở đã nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đã có bể thu gom nước thải sản xuất cà phê được lót bạt HDPE chống thấm, lắp đặt camera giám sát theo dõi, thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung Kế hoạch bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, đảm bảo không có hiện tượng rò rỉ nước thải ra ngoài môi trường.
Riêng với 3 cơ sở nằm trong hành lang bảo vệ nguồn nước, đã đầu tư nhà xưởng và hệ thống xử lý nước thải, chất thải trước thời điểm UBND tỉnh phê duyệt hành lang bảo vệ nguồn nước. Theo quy định thì các cơ sở này phải có đầy đủ hồ sơ, thủ tục và các điều kiện đảm bảo về môi trường trong hoạt động sơ chế, chế biến nông sản, tuy nhiên các hộ sơ chế quy mô hộ gia đình chưa được cấp Giấy xác nhận bảo vệ môi trường nên chưa đủ điều kiện hoạt động. Việc dừng hoạt động các cơ sở phần nào cũng làm ảnh hưởng đến giá cà phê tươi và thu nhập của người dân trồng cà phê.
Thời gian tới, để phát triển cây cà phê hiệu quả, bền vững gắn với bảo vệ môi trường, Thuận Châu đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp thông minh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Triển khai xây dựng các mô hình về canh tác cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu, đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển và năng suất của một số giống cà phê mới, xây dựng chuỗi liên kết phát triển sản xuất sản phẩm cà phê gắn với tiêu thụ sản phẩm…
Song song đó, tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ sơ chế nhỏ lẻ chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường. Tăng cường kiểm tra, giám sát với các cơ sở, đảm bảo không phát sinh hiện tượng ô nhiễm môi trường, nguồn nước do hoạt động sơ chế cà phê.