Giảm ngập nước - nỗi lo của chính quyền và người dân TPHCM

09/11/2015 00:00

  Ngày 8/11, HĐND TPHCM và Đài Truyền hình TPHCM tổ chức chương trình lắng nghe và trao đổi tháng 11/2015 với chủ đề "Giảm ngập nước - Mục tiêu và giải...

 

Ngày 8/11, HĐND TPHCM và Đài Truyền hình TPHCM tổ chức chương trình lắng nghe và trao đổi tháng 11/2015 với chủ đề “Giảm ngập nước - Mục tiêu và giải pháp”. Đến dự có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm.

Điều hành chương trình, Ủy viên Thường trực HĐND TPHCM Huỳnh Công Hùng cho biết, giảm ngập nước là mục tiêu mà TP đặt ra trong quá trình xây dựng và phát triển TP trở thành một TP văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, đây vẫn là nỗi lo của chính quyền và người dân TP khi tình trạng ngập nước vẫn còn diễn biến phức tạp…

Ngập nặng, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn

Cử tri Đoàn Thanh Xuân, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn cho biết, tại Hóc Môn các tuyến đường như đường Song Hành, Nguyễn Ảnh Thủ, Tô Ký... mực nước sau khi mưa ngập từ 40cm – 50cm, thời gian rút cạn kéo dài từ 3-4 giờ, tràn cả vào nhà gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Trong khi đó, hệ thống thoát nước tại các tuyến đường này đã xuống cấp, hư hỏng nhiều; việc nạo vét chưa đảm bảo nên gây ngập nước trong mùa mưa.

Cùng tâm trạng bức xúc, cử tri Đoàn Quốc Trị, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân cũng cho biết, tại quận Bình Tân ngập có nhiều điểm ngập, trong đó có đường Chiến Lược đã ngập nước trong 10 năm qua, năm nay ngập hơn năm trước 30cm và làm 70% nhà dân bị ngập từ 20cm-70cm khiến mọi sinh hoạt, đi lại, học hành, buôn bán của người dân gặp nhiều khó khăn. Đồ đạc hư hỏng, có gia đình đã phải chuyển đi nơi khác vì ngập…

Gọi điện đến chương trình, nhiều cử tri của quận Thủ Đức, Bình Thạnh cũng bày tỏ tâm trạng khi tình trạng ngập nước ảnh hưởng đến việc học hành đi lại của người dân. Cử tri Dương Văn Thanh, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức cho biết van xả của hệ thống van ngăn triều do tình trạng ùn ứ rác nên khi thuỷ triều lên không đóng tự động được, gây tràn nước vào nhà dân.

Giải thích về những nguyên nhân gây ngập trên địa bàn TP trong thời gian qua, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm điều hành chống ngập nước TP cho rằng, cao độ của TP đã dẫn đến nguyên nhân gây ngập nước. Ngoài ra, công tác nạo vét dòng chảy chưa đảm bảo cho việc thoát nước. Hơn nữa, hệ thống thoát nước hiện nay của TP chỉ đạt 40% so với nhu cầu quy hoạch, vì vậy nhiều tuyến đường cần được tiếp tục đầu tư cho hoàn chỉnh.

Giám đốc Sở Xây dựng TP Trần Trọng Tuấn cũng nhìn nhận: trên 5.000km tuyến kênh, rạch trên địa bàn TP chỉ có 1.077km kênh phục vụ cho thoát nước, còn lại phục vụ cho tưới tiêu và giao thông thủy. Trong khi đó, tình trạng lấn chiếm xây dựng nhà ở trên các kênh rạch làm thu hẹp dòng chảy, gây ngập úng trở nên nghiêm trọng hơn.

Một nguyên nhân gây ngập khác được ông Nguyễn Minh Giám, Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ đưa ra là hiện tượng biến đổi khí hậu gia tăng nhanh chóng. Trong năm 2015, ở nước ta xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra lũ lớn, siêu giông lốc, nắng nóng gay gắt tại một số địa phương trong cả nước. Đặc biệt, tại TPHCM ngày 15/9 vừa qua có đợt mưa lớn trên diện rộng làm cho hệ thống thoát nước TP không đáp ứng được dẫn đến hiện tượng ngập sâu…

Kêu gọi xã hội hóa trong chống ngập

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm điều hành chống ngập nước TP cho biết, giai đoạn 2015 -2020, TP sẽ xử lý hai vấn đề là ngập do mưa và ngập do triều. Về chống ngập do mưa, TP tiếp tục hoàn thiện hệ thống thoát nước các khu dân cư, các tuyến đường nội thị của TP. Trong đó, TP sẽ tiếp tục đầu tư 200km cống trong 5 năm tới để bổ sung đưa vào vận hành cùng với hệ thống thoát nước hiện có. Đối với ngập do triều, ông Dũng cho biết, trong năm 2016 -2020, TP sẽ đầu tư 9 cống kiểm soát triều lớn trên sông Sài Gòn, nằm ở các quận: Bình Thạnh, 4, 1, 7; các huyện: Bình Chánh, Nhà Bè,.. để xử lý kiểm soát triều. Với việc đầu tư nguồn vốn rất lớn cho công tác chống ngập, ngoài những công trình TP đã bố trí vốn, TP tiếp tục kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa, vốn vay ưu đãi cho các dự án chống ngập.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng TP Trần Trọng Tuấn, trước mắt giải pháp hiệu quả là vận động người dân không xả rác trên kênh rạch, đồng thời ngành xây dựng TP sẽ tăng cường công tác quản lý, năng lực về xây dựng, đặc biệt là không để tình trạng tái lấn chiếm sông, rạch, trong đó chú trọng quản lý các dự án nhà ở, phát triển đô thị có liên quan đến việc san lấp sông, kênh, rạch... Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Tám cho rằng cần thực hiện đồng bộ quy hoạch thủy lợi, giảm ngập úng của TPHCM; giải tỏa ngay các công trình lấn chiếm trên kênh rạch và đẩy nhanh việc điều chỉnh quy hoạch thoát nước của TPHCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2008.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Triệu Lệ Khánh cho rằng, công tác chống ngập phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, có sự đồng thuận của chính quyền, mặt trận, đoàn thể và đặc biệt là sự đồng thuận của nhân dân. Trong thời gian tới, hệ thống Mặt trận Tổ quốc TP tăng cường hơn nữa công tác vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, đặc biệt không xả rác xuống kênh rạch…

Chưa dự báo hết tình hình

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, TP tập trung nhiều nguồn lực, đầu tư nhiều công trình nhưng Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP lần thứ X nhận định các công trình chống ngập thiếu bền vững, hiệu quả chống ngập còn hạn chế, khả năng tái ngập cao… Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm thẳng thắn: "Trung tâm điều hành chống ngập nước TP chưa có giải pháp căn cơ cho vấn đề đó. Việc đầu tư 200km đường cống sắp thực hiện đã gắn với hình ảnh những năm trước người dân đã chịu đựng, chấp nhận, đồng thuận với TP xây dựng nhiều hệ thống thoát nước để sau đó, tình hình ngập sẽ giảm đi, nhưng đánh giá hiện nay có tương ứng không? Trung tâm chống ngập cần đưa ra giải pháp để người dân thấy rằng nó sẽ có hiệu quả hơn."

 

Theo Thanhuytphcm.vn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm ngập nước - nỗi lo của chính quyền và người dân TPHCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO