Giảm hàng trăm tỉ giá mua thuốc - chất lượng có giảm?

06/01/2018 14:29

Đấu thầu tập trung quốc gia giúp giá một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc biệt dược đã giảm mạnh so với các loại hình đấu thầu đơn lẻ tại các bệnh viện hoặc tập...

Đấu thầu tập trung quốc gia giúp giá một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc biệt dược đã giảm mạnh so với các loại hình đấu thầu đơn lẻ tại các bệnh viện hoặc tập trung tại các sở y tế. Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH VN), giá thuốc đấu thầu năm 2018 đã giảm trung bình 21,15%, tương ứng với số tiền tiết kiệm được là 251,13 tỉ đồng. Tuy nhiên, dư luận lo ngại chất lượng thuốc có giảm cùng giá thành theo kiểu “tiền nào của ấy” hay không?
TNMT Giảm hàng trăm tỉ giá mua thuốc chất lượng có giảm1
Việc đấu thầu thuốc là cần thiết, tuy nhiên người dân cũng mong muốn được sử dụng thuốc chất lượng. Ảnh: Hải Nguyên
Giá thuốc giảm kỷ lục

Ông Dương Tuấn Đức - Giám đốc Trung tâm Giám định và Thanh toán đa tuyến bảo hiểm y tế (BHYT) khu vực phía Bắc - cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 7.7.2016 của Chính phủ giao BHXH VN tổ chức thí điểm đấu thầu tập trung quốc gia đối với một số thuốc sử dụng trong lĩnh vực BHYT.

Sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Y tế về danh mục thuốc đấu thầu tập trung quốc gia, trên cơ sở nhu cầu sử dụng thuốc của các cơ sở khám-chữa bệnh, trong quý IV năm 2017, BHXH Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc năm 2018 đối với 5 hoạt chất với tổng giá trị trên 1.000 tỉ đồng. Trong đó, giá kế hoạch được phê duyệt đã giảm từ 5-15% so với các mặt hàng đã trúng thầu tại các tỉnh, thành phố trong 12 tháng trước đó.

Tuy nhiên, kết quả đấu thầu đã gây bất ngờ. Tổng giá trị của 20 mặt hàng trúng thầu đã công bố là 935,99 tỉ đồng. Trong khi nếu đấu thầu đơn lẻ theo tỉnh/bệnh viện thì phải trả 1.187,12 tỉ đồng. Như vậy, so với giá thuốc trúng thầu bình quân năm 2017 trên cả nước đã giảm 21,15%, tương ứng số tiền tiết kiệm được là 251,13 tỉ đồng.

Đáng chú ý, kết quả đấu thầu biệt dược gốc có 5 mặt hàng trúng thầu, giá trung bình giảm 13,82%. Khi xây dựng giá kế hoạch đã giảm thấp nhất là 8,8% và cao nhất là 14,8% so với giá thuốc đấu thầu đơn lẻ tại các bệnh viện và đấu thầu tập trung tại các sở y tế. Kết quả đấu thầu còn cho thấy bức tranh khả quan hơn nữa nhiều thuốc biệt dược gốc đã phá vỡ quan niệm trước đây là thuốc biệt dược gốc là thuốc độc quyền và không giảm giá. Thậm chí không chỉ giảm giá mà còn giảm giá rất sâu. Hai loại thuốc giảm 15% là Meropenem 500mg và 1gr; thuốc Ceftriaxon 1gr giảm 14,6%; thuốc Levofloxacin 500mg giảm 11,2%, thuốc Cefoperazon + Sulbactam giảm 9,8%.

Thuốc Generic mức độ giảm còn cao hơn nữa, đặc biệt là thuốc nhóm 1 vừa hết bản quyền, bình quân giảm tới 33,81%. Thuốc nhóm 1 giảm 27,3%, cao nhất là 42,8%. Có 1 thuốc ở nhóm 3 giảm 54,7% do có tỉ lệ sản xuất cao và hưởng ưu đãi sản xuất trong nước. Đó là ưu tiên thực hiện chương trình ưu tiên thuốc sản xuất trong nước, người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.
TNMT-Giảm hàng trăm tỉ giá mua thuốc-chất lượng có giảm2
Giá thuốc trúng thầu bình quân năm 2018 giảm 21,15%, tương ứng số tiền là 251,13 tỉ đồng so với năm 2017. Ảnh: P.V

Không có chuyện “tiền nào của đấy”

Đây là khẳng định của Phó Tổng Giám đốc BHXH VN Phạm Lương Sơn. Theo ông Sơn, BHXH không chỉ mong đến giảm giá thôi mặc dù giảm giá là mục tiêu. Bởi nếu chỉ đặt mục tiêu giảm giá thôi thì sẽ dễ dẫn đến không công tâm, khách quan trong kế hoạch đấu thầu, bởi vì thuốc là một mặt hàng đặc biệt.

Trước lo ngại với thuốc giá thành khác nhau thì thuốc giá thấp được chọn, giá cao bị loại, đại diện BHXH VN cho biết: Theo quy định của Thông tư 11 đã chia các thuốc cùng một hoạt chất thành từng nhóm khác nhau. Trong lần đấu thầu này, BHXH VN cũng đưa ra 5 nhóm tương ứng chất lượng với nhau. Mỗi nhóm có những tiêu chuẩn khác nhau, vì vậy cũng sẽ có những tiêu chuẩn tương đồng để tránh việc thuốc có chất lượng nội nhưng giá ngoại hay chất lượng ngoại nhưng giá nội.

Đại diện Ban Dược và Vật tư y tế, BHXH cũng giải thích thêm: Bệnh nhân không cần lo ngại về thuốc giá rẻ thì chất lượng có giảm đi hay không bởi thực tế loại thuốc, chất lượng thuốc không giảm. Ví dụ, thuốc A năm trước đấu thầu với giá 2.000 đồng/vỉ, năm nay đấu thầu với giá 1.500 đồng/vỉ.

Việc đấu thầu tập trung quốc gia tiết kiệm không chỉ về giá thuốc mà còn tiết kiệm cả chi phí khi tham gia các gói thầu đơn lẻ như chi phí mua hồ sơ mời thầu, chuẩn bị hồ sơ thầu... và công sức con người tham gia hội đồng thầu. Đặc biệt, sẽ khắc phục được tình trạng mỗi nơi một giá bởi tránh tình trạng duy ý chí.

Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH VN - nêu ví dụ: “Thuỷ tinh thể loại mềm có dải giá từ 2.300.000 đồng cho đến 19.000 đồng. Thông tư 35 đưa ra mức trần cho giá của thuỷ tinh thể nhân tạo là 3.300.000 đồng. Khi tính mức 3.300.000 đồng; Hội đồng tư vấn bao gồm các chuyên gia đầu ngành về mắt đưa ra những tiêu chí kỹ thuật thì mức giá ấy đã đảm bảo đủ yêu cầu. Vì thế, nếu đấu thầu tập trung sẽ chỉ có 1 loại giá, không để tình trạng chênh lệch lớn, tiền bất hợp lý bỏ ra nhiều”.

Tiến tới đấu thầu tập trung nhóm vật tư y tế

Theo nhận định của Phó Tổng Giám đốc BHXH VN, việc đấu thầu quốc gia không chỉ riêng cho cơ quan BHXH mà còn cho người dân và cả cơ sở khám-chữa bệnh. Vì thế, không có lý do gì không tiếp tục triển khai. Đây là ý chí, là chỉ đạo của Chính phủ và qua kết quả thành công này thì nó sẽ trở thành ý chí, nguyện vọng của người dân.

Kế hoạch 2018, BHXH VN chủ động đề xuất với Bộ Y tế danh mục 9 hợp chất và 20 thuốc để tiếp tục đấu thầu tập trung năm 2018 để áp dụng kết quả đấu thầu cho năm 2019, 2020. Trong đó có 16 thuốc kháng sinh, 2 thuốc tiểu đường và 2 thuốc tiêu hoá và còn tiếp tục mở rộng. Bên cạnh đó, BHXH cũng tiếp tục xây dựng kế hoạch đấu thầu tập trung nhóm vật tư y tế có mức chênh lệch lớn như thuỷ tinh thể nhân tạo, ổ khớp nhân tạo và các vật tư thay thế trong can thiệp tim mạch.

Thực tế cho thấy, vật dụng kim luồn mỗi năm chi khoảng 150 tỉ đồng. Giá của các nhóm vật tư này khá phong phú, từ 3.500 đồng tới 16.000 đồng, thậm chí hơn 20.000 đồng/chiếc. Mục đích cũng chỉ để luồn vào giữ mạch để truyền dịch nhưng lại phải chi mức giá khác nhau. Hay cũng một loại stent mạch vành của Ấn Độ nhưng tỉnh Thanh Hoá mua giá 57 triệu đồng trong khi giá chung cả nước là 37 triệu đồng. Cùng 1 loại khớp háng nhưng ở tỉnh này là 150 triệu đồng, tỉnh khác chỉ có 58 triệu đồng. Việc đấu thầu tập trung sẽ giải quyết được những bất cập trên.

Lãnh đạo BHXH VN cũng cho biết trong trường hợp bệnh nhân muốn sử dụng loại dịch vụ cao hơn mà vượt quá quy định chi trả thì vẫn được sử dụng bình thường và sẽ phải tự trả phần chi phí ngoài quy định.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm hàng trăm tỉ giá mua thuốc - chất lượng có giảm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO