Giám đốc Đài KTTV Tây Bắc: Người dân còn chủ quan trước thiên tai

21/07/2015 00:00

(TN&MT) - Mưa lũ do ảnh hưởng từ cơn bão số 1 cuối tháng 6 vừa qua trên địa bàn tỉnh Sơn La đã để lại những thiệt hại vô cùng nghiêm trọng. Để hạn chế thiệt hại, chủ động phòng, chống thiên tai thời gian tới, công tác dự báo, cảnh báo khí tượng, thủy văn càng trở nên cấp thiết. Xung quanh vấn đề này, PV Báo Tài nguyên & Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn (KTTV) khu vực Tây Bắc.

PV: Đài KTTV Tây Bắc đã đưa ra dự báo gì trước đợt mưa lũ do ảnh hưởng từ cơn bão số 1 vừa qua? Năm 2015 có xảy ra những đợt mưa lũ như thế nữa  không, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Toàn: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1, từ đêm ngày 23/6/2015, khu vực tỉnh Sơn La, Đông Nam tỉnh Lai Châu và phía Đông tỉnh Điện Biên đã có mưa nhiều nơi, rải rác mưa vừa đến mưa to. Từ ngày 24 đến 7giờ ngày 25/6, mưa vừa, mưa to tiếp tục xảy ra, lượng mưa tại TP. Sơn La đo được là 218mm, Mường Trai (Mường La) 221mm… Đây là một trong hai trận mưa có cường độ và lượng mưa lớn nhất trong chuỗi số liệu quan trắc trong vòng 54 năm.

Ngay từ chiều 23/6, bản tin dự báo thời tiết của phòng Dự báo và các Đài tỉnh đã đưa ra dự báo mưa vừa, mưa to các nơi trên khu vực, cảnh báo xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; đêm 24/6 và sáng 25/6, Đài đã ra 6 bản tin báo lũ. Từ 21 giờ đến 23 giờ ngày 24/6, gửi 3 tin nhắn và gọi điện thoại thông báo tình hình lũ trên lưu vực Nậm La đến Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.

Khi xảy ra mưa lũ, Đài khu vực và các Đài tỉnh luôn giữ thông tin liên hệ thường xuyên, cung cấp đầy đủ, kịp thời các tin dự báo, cảnh báo; thông tin số liệu KTTV cho Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh và lãnh đạo địa phương, phục vụ công tác chỉ đạo tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Đài KTTV Tây Bắc
Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Đài KTTV Tây Bắc

Trong năm nay, theo chuỗi số liệu đã quan trắc thì mưa lũ lớn trên Khu vực Tây Bắc nói chung, tỉnh Sơn La nói riêng thường tập trung từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 9, cộng thêm ảnh hưởng của BĐKH, những đợt mưa lớn như vậy vẫn có khả năng xảy ra.

 PV: Ông đánh giá ra sao về xu thế thời tiết tại Sơn La nói riêng và Tây Bắc nói chung những năm gần đây?

Ông Nguyễn Văn Toàn: Tôi có thể khẳng định, nội dung các bản tin dự báo đã tuân theo đúng quy định và chuẩn xác về nội dung. Một trong những nguyên nhân gây thiệt hại lớn về người và tài sản là do người dân không nghe đài, không xem truyền hình nên không nhận đầy đủ tin cảnh báo mưa lũ, nhiều người chủ quan cho rằng khu vực chưa xảy ra lũ quét nên không có sự chuẩn bị, đối phó trong khi mưa lũ xảy ra vào ban đêm.

Bên cạnh đó, hiện nay Đài mới đưa ra cảnh báo lũ quét cho từng vùng, còn từng khu vực cụ thể vẫn còn hạn chế do nhiều vùng không có số liệu để phục vụ công tác dự báo. Hiện tại mật độ trạm khí tượng cơ bản trên khu vực còn quá thưa (khoảng 1.700km2/trạm), nhiều huyện có diện tích tự nhiên lớn nhưng không có trạm khí tượng như: Thuận Châu, Sốp Cộp, Vân Hồ (Sơn La); Mường Nhé, Mường Chà… (Điện Biên); Tân Uyên (Lai Châu).

Về xu hướng thời tiết những năm gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã khiến thời tiết trên khu vực Tây Bắc có dấu hiệu khác với xu thế chung, các hiện tượng cực đoan về mưa lớn, rét hại, nắng nóng gay gắt có xu hướng xuất hiện nhiều hơn. Tại một số nơi như Yên Châu, Cò Nòi… (Sơn La), Kim Bôi, Mai Châu… (Hòa Bình) nhiệt độ tối cao cao hơn hoặc xấp xỉ bằng trị số lớn nhất trong chuỗi số liệu quan trắc trong vòng 40 - 50 năm. Tổng lượng mưa năm ở nhiều khu vực có xu hướng giảm, nhưng lượng mưa trong từng đợt có xu hướng tăng, tần suất mưa lớn xuất hiện nhiều hơn, tăng rủi ro về lũ quét, sạt lở đất ở nhiều nơi.

PV: Để ứng phó dông lốc, việc dự báo, cảnh báo cực ngắn các hiện tượng khí tượng là rất cần thiết. Tại đài KTTV Tây Bắc đã áp dụng cách làm này chưa, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Toàn: Ở miền núi do điều kiện địa hình phức tạp, dễ tạo điều kiện để các cơn dông hình thành và gây mưa lớn cục bộ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, tại Đài KTTV Tây Bắc mới đang thử nghiệm cảnh báo mưa dông tại một số vùng thuộc thành phố: Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình và Lai Châu. Song, chất lượng chưa cao do trên khu vực chưa có các thiết bị như rada thời tiết, quan trắc định vị sét… để theo dõi quá trình hình thành, phát triển và hướng di chuyển của các đám mây dông.

PV: Đài KTTV Tây Bắc sẽ làm gì để nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai? Đồng thời, Đài có đề xuất phương án gì để các bản tin dự báo có thể tới người dân một cách nhanh nhất?

Ông Nguyễn Văn Toàn: Để nâng cao chất lượng công tác dự báo, Đài đang từng bước nâng cao trình độ nguồn nhân lực như cử cán bộ viên chức học tại Trường Đại học TNMT Hà Nội, cử các dự báo viên về Trung tâm dự báo KTTV Trung ương học tập và tiếp thu các sản phẩm, mô hình dự báo số trị.

Để các bản tin dự báo tới với người dân, hiện nay vẫn thông qua các phương tiện truyền thông, truyền thanh cơ sở là chính. Tuy nhiên, tần suất nghe đài cơ sở của người dân còn thấp, do đó, Trung tâm KTTV quốc gia đã có kế hoạch đưa các bản tin dự báo, cảnh báo của các đơn vị thuộc Trung tâm cập nhật liên tục trên website của Trung tâm để người dân có đầy đủ thông tin từ các bản tin dự báo, cảnh báo tại các vùng cần quan tâm.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Nga (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giám đốc Đài KTTV Tây Bắc: Người dân còn chủ quan trước thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO