Theo Báo cáo tại phiên chất vấn ở kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 sáng 13/12, Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 132 Công ty dịch vụ tài chính với 142 cơ sở. Những công ty dịch vụ tài chính quy mô lớn, phức tạp, có nhiều cơ sở hoạt động trên địa bàn như: Công ty TNHH Trường Cửu – Đông Anh – Hà Nội, Công ty TNHH dịch vụ tài chính Đại Tín, Công ty TNHH Bảo Tín. Đặc biệt trên địa bàn huyện Hậu Lộc đã có Công ty cổ phần dịch vụ đòi nợ Hưng Thịnh Phát với khẩu hiệu hoạt động “Đã nợ là phải đòi – Đã đòi là phải trả”. Ngoài ra hàng loạt các cơ sở dịch vụ cầm đồ hoạt động khá phức tạp và nhạy cảm.
Trong năm 2018, đã tiến hành khởi tố 31 vụ, 88 bị can có liên quan đến hoạt động tín dụng trái pháp luật; tiến hành kiểm tra, lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính 97 trường hợp cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ và Cty dịch vụ tài chính, phạt tiền trên 100 triệu đồng. Đặc biệt, thời gian qua, Công an tỉnh Thanh Hoá đã chủ trì triệt phá băng tín dụng đen Nam Long lớn nhất nước với mức tín dụng lên đến trên 500 tỉ đồng.
Hình thức hoạt động tín dụng đen trái pháp luật là hành vi huy động vốn và cung cấp tín dụng không tuân theo quy định của pháp luật về vay và cho vay, không qua hệ thống ngân hàng, không đăng ký kinh doanh..., người vay thỏa thuận bằng việc viết tay, bằng miệng, không cần công chứng, chứng thực.
Hoạt động của tín dụng đen hết sức tinh vi, đăng ký dưới hình thức là Công ty dịch vụ tài chính, Giám đốc công ty là người có đủ điều kiện, tuy nhiên đứng sau là một số đối tượng hình sự đứng ra điều hành cho vay không thế chấp, hồ sơ mua bán tài sản, viết giấy nhận xin việc... nhưng thực ra là hoạt động tín dụng đen với lãi suất cao.
Hoạt động của tội phạm có liên quan đến các hình thức kinh doanh này thường rất tinh vi, nhiều thủ đoạn đối phó để tránh việc đấu tranh, xử lý của cơ quan chức năng. Các quy định về phát luật có liên quan đến hoạt động tính dụng chưa chặt chẽ, rõ ràng, chưa đủ mạnh để xử lý, ngăn chặn.
Tại phiên chất vấn ngày 13/12, nhiều đại biểu đặt câu hỏi về giải pháp trong thời gian tới để hạn chế tín dụng đen trên địa bàn tỉnh, có hay không việc cán bộ, chiến sỹ Công an đứng sau bảo kê tín dụng đen? Việc vỡ hụi có được xem là một hình thức tín dụng đen hay không hay tình trạng tín dụng đen có việc bảo kê đứng sau?
Trả lời chất vấn, Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung cho biết: “Hiện nay, vấn đề tín dụng đen không chỉ HĐND tỉnh quan tâm mà đây là vấn đề rất nóng ở nghị trường Quốc Hội đến tất cả các địa phương, cũng như Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an cũng chỉ đạo sát sao việc này.
Việc phát sinh loại hình tín dụng đen có trách nhiệm của ngành Công an là chưa thực sự quyết liệt, cũng như có nhiều nguyên nhân về mặt cơ chế, luật pháp. Hầu hết các vụ đều có các đối tượng tiền án, tiền sự tham gia.
Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: “Về việc có hay không việc công an bảo kê cho tín dụng đen, dư luận vẫn đặt ra câu hỏi, còn để chứng minh có hay không ở thời điểm này là đang khó khăn. Tuy nhiên, tôi kiến quyết, trong thời gian tới sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương trên tất cả các lĩnh vực nếu như phát hiện các cán bộ, chiến sỹ có dấu hiệu bảo kê sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định”.
Tại phiên chất vấn sáng ngày 13/12 Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến cũng đã có nhiều chỉ đạo, trong đó yêu cầu các đại biểu nếu phát hiện ra công an bảo kê thì báo cáo rõ chứ không nói theo dư luận; cơ quan ngân hàng cần lưu ý việc cho vay và cả hệ thống chính trị, nhân dân cần tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ với nạn tín dụng đen.