Giải quyết tro xỉ tồn đọng: Không thể nới lỏng tiêu chuẩn môi trường!

19/09/2017 00:00

(TN&MT) - Để giải quyết vấn đề tro, xỉ tồn đọng từ các nhà máy nhiệt điện than, một số ý kiến cho rằng, nên nới lỏng hoặc hạ chuẩn môi trường để gỡ khó cho các nhà máy. Tuy vậy, một số ý kiến cho rằng, nếu điều chỉnh các tiêu chuẩn môi trường chẳng khác nào gọt “chân cho vừa giày”.

Sắp không có chỗ chứa

Mặc dù, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về một số giải pháp thực hiện xử lý tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng. Theo đó, các nhà máy nhiệt điện đang hoạt động hoặc đã có quyết định đầu tư phải có phương án xử lý tro, xỉ, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và đưa vào vận hành trước năm 2020. Mục tiêu là tiết kiệm diện tích đất dùng làm bãi chứa chất thải, góp phần tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên làm vật liệu xây dựng, bảo đảm phát triển bền vững.

Tuy vậy, đến nay, tổng lượng tro xỉ, thạch cao chỉ tiêu thụ mới được hơn 30% (tương đương 5 triệu tấn) trên tổng lượng thải ra hằng năm. Dự kiến, nếu các nhà máy nhiệt điện được đầu tư theo quy hoạch và lượng tro xỉ thải ra không được xử lý, đến năm 2018, lượng tro xỉ sẽ đạt 61 triệu tấn, đến năm 2020 là 109 triệu tấn, đến năm 2025 là 248 triệu tấn và đến năm 2030 sẽ là 422 triệu tấn, tạo ra những thách thức cho đất nước phải sử dụng diện tích đất khổng lồ để làm bãi chứa và nhiều áp lực môi trường khác, nguy cơ các nhà máy phải dừng sản xuất do không có đủ bãi chứa là một thực tế.

Tro, xỉ rất nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ô nhiễm môi trường. Ảnh: MH
Tro, xỉ rất nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ô nhiễm môi trường. Ảnh: MH

Đơn cử, Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1 đang đứng trước nguy cơ đóng cửa do chưa tìm được nguồn xử lý tro xỉ. Theo ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc nhà máy Mông Dương 1, dù đã tìm mọi biện pháp để tái sử dụng tro xỉ, nhưng nhà máy mới tiêu thụ được 400.000 tấn xỉ đáy, còn 600.000 tấn tro bay chưa có đơn vị nào sử dụng. Bãi xỉ của Nhà máy này có dung tích là 2,25 triệu m3, nay đã sử dụng khoảng 1,8 triệu m3. Chỉ khoảng 8 tháng nữa, nhà máy có thể phải đóng cửa vì hết chỗ chứa tro xỉ.

Nới lỏng tiêu chuẩn môi trường?

Một số ý kiến cho rằng, nên nới lỏng hay hạ chuẩn môi trường để gỡ khó cho các nhà máy này. Tại Hội thảo “Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường” gần đây, ông Trần Văn Lượng, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường liên tục thay đổi cũng ảnh hưởng đến nhiều nhà máy nhiệt điện đã và chuẩn bị đi vào vận hành. Do đó, ông Lượng kiến nghị sửa đổi Nghị định 38/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu theo hướng loại bỏ “Giấy xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường” và sửa đổi Quy chuẩn 22/2009/BTNMT phù hợp với thực tế hoạt động của các nhà máy và đảm bảo lộ trình áp dụng Quy chuẩn phù hợp với các nhà máy nhiệt điện than. Sửa đổi các quy định liên quan đến việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, quy định về xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường tại Nghị định số 18/2015 của Chính phủ.

Trước đó, khi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp nhiệt điện (QCVN 22/2009/BTNMT) áp dụng cho các nhà máy nhiệt điện được Bộ TN&MT ban hành,  ông Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt VN, đề xuất những nhà máy nhiệt điện được phê duyệt trước khi ban hành quy chuẩn này được tiếp tục áp dụng các chỉ tiêu phát thải đã phê duyệt trong thời gian vận hành còn lại của nhà máy. Bởi nếu áp dụng các chỉ tiêu phát thải mới cho các nhà máy cũ sẽ làm tăng chi phí đầu tư thêm hàng nghìn tỷ đồng cho mỗi nhà máy, làm giá thành sản xuất điện tăng thêm 70 - 80 đồng/kWh; đồng thời, phải dừng sản xuất điện để cải tạo nâng cấp, việc dừng này làm giảm doanh số khoảng 3.000 tỷ đồng cho mỗi nhà máy nhiệt điện có công suất phổ biến 1.200 MW hiện nay.

Theo đại diện Bộ TN&MT, trong năm qua, đơn vị này đã thanh tra, kiểm tra 9 nhà máy nhiệt điện than. Có tới 6/9 nhà máy vi phạm các vấn đề liên quan đến môi trường, trong đó, 3 nhà máy vi phạm về thủ tục môi trường và 3 nhà máy vi phạm trong xả thải vượt quy định. Không chỉ nan giải về vấn đề xử lý tro xỉ, do các quy định liên quan chưa được ban hành, mà công nghệ đốt lò hiện ở các nhà máy đang bộc lộ nhiều bất cập.

Trước những đề xuất trên, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu giải quyết vấn đề tro xỉ bằng việc điều chỉnh các tiêu chuẩn môi trường chẳng khác nào “gọt chân cho vừa giày”.

Ngoài ra, TS. Tô Văn Trường, cho rằng, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 1696 (2014) và Quyết định 452 (2017) nhằm tạo áp lực cho các nhà máy nhiệt điện phải đẩy mạnh nghiên cứu, xử lý và tận dụng tro, xỉ để đáp ứng chủ trương phát triển không đánh đổi môi trường. Nhiều chủ đầu tư biết là không thể đáp ứng được điều kiện này, nhưng tất cả đều có tâm thế là Nhà nước thế nào cũng phải tháo gỡ nên ỷ lại vào việc giải quyết của Nhà nước.

Vấn đề tro, xỉ rất nguy hiểm và tiềm ẩm nhiều nguy cơ về ô nhiễm môi trường không khí. Do đó, việc đưa ra các quy chuẩn mới để các nhà máy nhiệt điện than điều chỉnh là việc bắt buộc phải làm. “Không thể nới lỏng quy chuẩn mới cho nhà máy cũ. Các doanh nghiệp phải thấy những vấn đề chưa làm được và coi là đó là lỗi cần phải sửa chữa” -  GS. Lê Huy Bá nhấn mạnh.

Thảo Linh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết tro xỉ tồn đọng: Không thể nới lỏng tiêu chuẩn môi trường!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO