Thế giới

Giải quyết tình trạng khẩn cấp về thích ứng với khí hậu: Kỳ vọng về COP28

Mai Đan 06/11/2023 - 07:39

(TN&MT) - Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) vừa công bố báo cáo về khoảng cách thích ứng năm 2023 cho thấy, thay vì tăng cường ứng phó với thách thức về lượng khí thải gia tăng, tiến trình thích ứng với khí hậu đang chậm lại trên diện rộng.

Lỗ hổng tài chính

Báo cáo cho biết thế giới chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, chưa được đầu tư đầy đủ và thiếu kế hoạch cần thiết, khiến tất cả chúng ta đều có thể gặp rủi ro. UNEP cảnh báo rằng thay vì tăng tốc, tiến trình thích ứng với biến đổi khí hậu đang chậm lại. Sự chậm lại còn ảnh hưởng đến tài chính, lập kế hoạch và thực hiện, với những tác động to lớn về mất mát và thiệt hại, đặc biệt đối với những người dễ bị tổn thương nhất.

Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết, báo cáo cho thấy khoảng cách về kinh phí thích ứng là cao nhất từ trước đến nay. Thế giới phải hành động để thu hẹp khoảng cách thích ứng và mang lại công bằng về khí hậu.

Trong thập kỷ này, chi phí thích ứng cập nhật cho các nước đang phát triển vào khoảng 215 tỷ USD đến 387 tỷ USD hàng năm, cao hơn so với các nghiên cứu trước đây và chắc chắn sẽ tăng đáng kể vào năm 2050. Và nhu cầu của các nước đang phát triển cao gấp 10-18 lần dòng vốn tài chính công - cao hơn 50% so với phạm vi ước tính trước đó.

image1170x530cropped-11-.jpg
Khi biến đổi khí hậu diễn ra, việc thích ứng với hậu quả của biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu trên toàn cầu

Bất chấp những cam kết được đưa ra tại COP26 ở Glasgow nhằm tăng gấp đôi hỗ trợ tài chính thích ứng lên khoảng 40 tỷ USD mỗi năm vào năm 2025, dòng tài chính công thích ứng song phương và đa phương tới các nước đang phát triển đã giảm 15% xuống còn khoảng 21 tỷ USD vào năm 2021. Đồng thời, thiếu hụt tài chính thích ứng hiện nay khoảng 194-366 tỷ USD mỗi năm.

Báo cáo trích dẫn một nghiên cứu gần đây cho thấy chỉ riêng 55 nền kinh tế dễ bị ảnh hưởng bởi khí hậu nhất đã phải chịu tổn thất và thiệt hại lên đến hơn 500 tỷ USD trong hai thập kỷ qua. Nếu không có biện pháp giảm thiểu và thích ứng mạnh mẽ, chi phí có thể sẽ tăng mạnh trong những thập kỷ tới.

Quỹ tổn thất và thiệt hại mới sẽ là một công cụ quan trọng để huy động nguồn lực, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề vì quỹ sẽ cần hướng tới các cơ chế tài chính sáng tạo hơn để đạt được quy mô đầu tư cần thiết. Người đứng đầu Liên hợp quốc cho rằng một nguồn hỗ trợ có thể đến từ doanh thu thuế từ những nguồn phát thải và gây ô nhiễm lớn.

Ông Guterres cho biết các ông trùm nhiên liệu hóa thạch và những người hỗ trợ họ đã tạo ra tình trạng hỗn loạn này, do đó, họ phải hỗ trợ những người đang hứng chịu sự hỗn loạn do họ gây ra. Ông cũng kêu gọi các chính phủ đánh thuế “lợi nhuận lớn của ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch” và dành một phần số tiền đó cho các quốc gia bị mất mát và thiệt hại.

Tìm kiếm những giải pháp sáng tạo

Các tác giả của báo cáo ủng hộ một biện pháp thích ứng đầy tham vọng: có thể tăng cường khả năng phục hồi, điều này đặc biệt quan trọng đối với các nước thu nhập thấp và các nhóm thiệt thòi, bao gồm cả phụ nữ. Ví dụ, cứ 1 tỷ USD đầu tư vào hoạt động thích ứng với lũ lụt ven biển sẽ giúp giảm 14 tỷ USD thiệt hại kinh tế, trong khi 16 tỷ USD đầu tư mỗi năm vào nông nghiệp có thể giúp 78 triệu người tránh được nạn đói kéo dài do tác động của khí hậu.

Báo cáo của UNEP chỉ rõ các giải pháp để tăng nguồn tài chính, bao gồm thông qua chi tiêu trong nước, cũng như tài chính quốc tế và khu vực tư nhân.

Ngoài ra, còn có các giải pháp bổ sung bao gồm chuyển tiền, tăng cường và điều chỉnh tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuyển dòng tài chính theo hướng phát triển ít carbon và thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như cải cách cấu trúc tài chính toàn cầu.

Người đứng đầu Liên hợp quốc cho biết: “Các Ngân hàng Phát triển Đa phương nên phân bổ ít nhất 50% nguồn tài chính về khí hậu để thích ứng và thay đổi mô hình kinh doanh của họ nhằm huy động nhiều nguồn tài chính tư nhân hơn nữa để bảo vệ cộng đồng khỏi các hiện tượng khí hậu cực đoan”.

Ông Guterres nhấn mạnh: “Chúng ta cần hành động táo bạo để ứng phó với những mất mát và thiệt hại ngày càng gia tăng do các hiện tượng khí hậu cực đoan gây ra. Tất cả các bên phải vận hành Quỹ Tổn thất và Thiệt hại tại COP28 năm nay và cần những cam kết mới và sớm để tạo nền tảng vững chắc cho quỹ này”.

“Chúng ta đang trong tình trạng khẩn cấp về thích ứng với biến đổi khí hậu. Chúng ta phải hành động và hãy thực hiện các bước để thu hẹp khoảng cách thích ứng ngay bây giờ”, Tổng thư ký Liên hợp quốc khẳng định.

COP28 diễn ra vào thời điểm then chốt cho hành động toàn cầu về biến đổi khí hậu. Nhiệt độ tăng cao kỷ lục và tác động khủng khiếp của các hiện tượng thời tiết cực đoan như cháy rừng, lũ lụt, bão và hạn hán trên toàn thế giới đang khiến việc giải quyết các vấn đề khí hậu ngày càng cấp bách hơn. Theo các nhà khoa học, thế giới không còn nhiều thời gian hành động để giữ mức gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp theo Thỏa thuận Paris tại COP21 vào năm 2015. Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc cho rằng mục tiêu này rất quan trọng để tránh những hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu.

Theo Tổng hợp từ UN News
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết tình trạng khẩn cấp về thích ứng với khí hậu: Kỳ vọng về COP28
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO