Giải quyết Khiếu nại, tố cáo về đất đai: Nguồn nhân lực còn yếu

21/07/2015 00:00

(TN&MT) - Theo Báo cáo của Bộ TN&MT, 6 tháng đầu năm 2015, có 98% đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi về Bộ là thuộc lĩnh vực đất đai. Vậy đâu là nguyên nhân?

Giảm 5% một năm

Theo Báo cáo của Bộ TN&MT, trong 6 tháng đầu năm toàn ngành đã tiếp nhận hơn 6.000 lượt đơn thư khiếu nại, tố cáo, đã giải quyết 922/1.820 vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm được giao, đạt 51%. Trong đó, Bộ nhận được là 1.719 lượt đơn, tương ứng với 732 vụ việc, trong đó có 1.683 đơn thuộc lĩnh vực đất đai, chiếm. Toàn ngành đã thực hiện tiếp 2.407 lượt với 3.233 người, có 95 lượt đoàn đông người.Trong đó, Bộ đã tiếp 232 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo (55 lượt đoàn đông người). Mặc dù số lượt đoàn đông người tăng nhưng chỉ tập trung vào những vụ việc cũ, chủ yếu liên quan đến khiếu nại việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ về đất; tranh chấp đất đai; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tố cáo, phản ánh, kiến nghị về đất đai, môi trường, khoáng sản.

Theo ông Lê Vũ Tuấn Anh, Phó Chánh thanh tra Bộ TN&MT, nguyên nhân khiếu kiện tại lĩnh vực đất đai cao do lĩnh vực này “nóng” nhưng chủ yếu là những vụ tồn đọng từ những năm trước, còn vụ việc mới phát sinh là không đáng kể. “Thực tế, con số 98% là so với tổng số đơn thư nhận được, còn tính riêng khiếu nại lĩnh vực đất đai vẫn giảm khoảng 5% hàng năm”.

Đơn cử như vụ việc kéo dài, đông người, phức tạp liên quan đến đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho người khác sử dụng ổn định của ông Đỗ Thiện Chiến và một số công dân ở thôn Tư Sản, xã Phú Túc (Phú Xuyên, Hà Nội). Nội dung khiếu nại và báo cáo quá trình giải quyết đơn thư cho thấy: Năm 1977, HTX Nông nghiệp Phú Túc mượn đất của 4 thôn trong xã để thành lập Đội sản xuất giống mạ lúa (gọi tắt là Đội giống) để cung cấp mạ cho 8 thôn trong xã. Năm 1988, Đội giống giải thể, Ban Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phú Túc đã trả đất nông nghiệp cho 3 thôn (Lưu Đông, Phú Túc và Lưu Thượng). Riêng 6,75 mẫu ruộng của thôn Tư Sản không trả mà tự cân đối giao cho Đội 7 thôn Lưu Thượng và cho đấu thầu sản phẩm.

6 tháng đầu năm 2015 có 1.683 đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực đất đai. Ảnh: Hoàng Minh
6 tháng đầu năm 2015 có 1.683 đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực đất đai. Ảnh: Hoàng Minh

Trong thời gian cuối năm 2011 và đầu năm 2012 có một số công dân thường trú tại thôn Tư Sản, xã Phú Túc đề nghị xin lại diện tích 6,75 mẫu tại cánh đồng Soi đất nông nghiệp đã giao theo Nghị định 64/NĐ-CP cho một số công dân thuộc thôn Lưu Thượng, xã Phú Túc.

Vụ việc này đã được giải quyết qua nhiều cấp: UBND xã Phú Túc, UBND huyện Phú Xuyên, UBND TP Hà Nội, Bộ TN&MT. Mặc dù UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 6967/QĐ-UBND về việc giải quyết đơn của ông Đỗ Thiện Chiến và một số công dân thôn Tư Sản, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên. Trong đó nêu rõ: “Việc ông Đỗ Thiện Chiến và một số công dân thôn Tư Sản có đơn đòi trả lại 6,75 mẫu ruộng thuộc cánh đồng Soi đã được nhà nước giao cho người khác quản lý, sử dụng trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đất đai qua các thời kỳ là không có cơ sở”. Bộ TN&MT có văn bản trả lời là khiếu nại không có căn cứ pháp luật để giải quyết. Tuy nhiên, các công dân không đồng ý, không chấp nhận các văn bản giải thích việc đòi lại đất cũ là không có căn cứ, tiếp tục đến Trụ sở tiếp công dân gửi đơn khiếu nại lên Thủ tướng Chính phủ và một số cơ quan chức năng.

Còn nhớ vào cuối năm 2014, tại phiên trả lời chất vấn của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang cho rằng, nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo của người dân trong lĩnh vực đất đai là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo về giải quyết khiếu nại, tố cáo một số nơi còn thiếu quyết liệt. Bên cạnh đó, nhận thức về pháp luật, trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của một bộ phận cán bộ còn yếu, tinh thần trách nhiệm thiếu, chưa quan tâm đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân, thậm chí có thể có động cơ không trong sáng nên giải quyết vụ việc chưa khách quan, chính xác, kịp thời. Theo báo cáo, nguồn nhân lực làm công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai vừa thiếu vừa yếu cũng là nguyên nhân  tình trạng này tồn tại ở cả cấp trung ương và địa phương.

Tăng sự giám sát của người dân

Để khắc phục bất cập trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, Luật Đất đai 2013 đã quy định theo hướng tăng cường hơn sự theo dõi, giám sát, đánh giá của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và nhân dân về việc quản lý và sử dụng đất đai, giám sát, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai. Đồng thời, quy định về giám sát của công dân đối với việc quản lý, sử dụng đất. Theo đó, công dân có quyền tự mình hoặc thông qua các tổ chức đại diện phản ánh các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai đến các cơ quan có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, luật cũng quy định về hệ thống theo dõi, đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất để đánh giá việc thi hành pháp luật đất đai, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, sự tác động của chính sách, pháp luật đất đai đến kinh tế, xã hội và môi trường trên phạm vi cả nước và các địa phương. Hiện, Bộ TN&MT đã xây dựng kênh tiếp nhận phản ánh của người dân về đất đai và công khai các vi phạm đất đai trên cổng thông tin của Bộ.

Ông Lê Vũ Tuấn Anh cho biết, đối với những vụ tồn đọng tố cáo kéo dài sẽ được áp dụng theo Kế hoạch 1130 của Thanh tra Chính phủ về kiểm tra, rà soát, giải quyết khiếu nại tố cáo phức tạp, tồn đọng kéo dài. Theo đó, những vụ việc khiếu kiện đã được giải quyết hết thẩm quyền, đúng quy định nhưng công dân vẫn khiếu nại thì xem xét những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn sẽ đề xuất giải pháp hỗ trợ công dân trên cơ sở vận động chính sách xã hội.

Trường Tuyết

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết Khiếu nại, tố cáo về đất đai: Nguồn nhân lực còn yếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO