Quyết định chưa thỏa đáng?
Ngày 18/12/2001, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 7853/QĐ-UB về giao bổ sung 466.144m2 đất 2 bên bờ sông Tô Lịch, Lừ, Sét cho Ban Quản lý Dự án Công trình giao thông công chính thuộc Sở Giao thông Công chính (nay là Sở Giao thông Vận tải) để xây dựng cải tạo bờ sông, làm đường quản lý thực hiện gói thầu CP 7A thuộc Dự án Thoát nước Hà Nội - giai đoạn I.
Trong đó, diện tích đất thu hồi sông Lừ là: “72.294,9 m2 thuộc địa phận các phường Nam Đồng, Trung Tự, Quang Trung, Kim Liên, Phương Mai, Khương Thượng, (quận Đống Đa); Khương Mai, Phương Liệt, (quận Thanh Xuân); các xã Định Công, Đại Kim (huyện Thanh Trì), (nay là các phường Định Công, Đại Kim, quận Hoàng Mai)”.
Căn cứ vào Quyết định trên, ngày 7/11/2013, UBND quận Đống Đa ra Quyết định số 9413/QĐ-UBND về phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư hộ gia đình bà Đào Thùy Dương, địa chỉ giải phóng mặt bằng (GPMB) là khu đất ven sông Lừ, ngõ 167 phố Phương Mai, để thực hiện dự án đầu tư công trình thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội.
Cụ thể, theo xác nhận nguồn gốc sử dụng đất (SDĐ) của UBND phường Phương Mai, tổng diện tích hộ bà Đào Thùy Dương đang sử dụng là 44,2 m2. Trong đó, diện tích 25,1 m2 (phần còn lại sau GPMB) sử dụng sau ngày 15/10/1993 và trước 18/12/2001 (trước ngày có Quyết định 7853/QĐ-UB); cùng diện tích 19,1m2 (phần GPMB) sử dụng sau ngày 18/12/2001. Dựa trên xác nhận này, UBND quận Đống Đa đã phê duyệt phương án hỗ trợ 19,1m2 cho hộ bà Đào Thùy Dương tương ứng với số tiền 14.778.590 đồng.
Gia đình bà Đoàn Thị Bốn mong mỏi đựoc xem xét lại nguồn gốc sử dụng đất. |
Nhận thấy Quyết định 9413/QĐ-UBND của UBND quận chưa thỏa đáng với thực tế nguồn gốc SDĐ. Bà Đoàn Thị Bốn - mẹ chị Đào Thùy Dương đã nhiều lần gõ cửa các cơ quan của Trung ương và TP. Hà Nội, với mong mỏi các cơ quan chức năng công tâm vào cuộc xem xét, chứng thực thời điểm SDĐ của gia đình.
Trao đổi với Báo Tài nguyên và Môi trường, bà Bốn cho biết: Quyết định 9413/QĐ-UBND chưa thỏa đáng, bởi phần đất 19,1m2 gia đình đã cải tạo và sử dụng trước ngày 18/12/2001. Tuy vậy, Quyết định của UBND quận Đống Đa lại kết luận là sau ngày 18/12/2001. Do đó, toàn bộ phần diện tích 19,1m2 không được đền bù. Số tiền 14.778.590 đồng chỉ là mức hỗ trợ một phần nhỏ cho căn nhà 2 tầng và các tài sản kèm theo.
Đưa dẫn chứng việc sử dụng đất trước ngày 18/12/2001, bà Bốn cho hay: Năm 1999, gia đình mua lại mảnh đất diện tích 18,8 m2 nằm trong khu tập thể Viện Cơ điện và Chế biến nông sản của bà Nguyễn Thị Toán. Đến tháng 1/2000 gia đình xây dựng một căn nhà cấp 4 để ở. Do hoàn cảnh khó khăn nên phải đến ngày 3/3/2000 mới trả hết số tiền mua đất và được bà Toán viết giấy biên nhận, kèm theo hồ sơ kỹ thuật thửa đất và các hóa đơn nộp thuế SDĐ.
Đầu năm 2001, gia đình trổ cửa ra bãi đất trống để làm cửa thoát hiểm nếu không may có hỏa hoạn, mặt khác, ngăn chặn tình trạng đổ rác ra sông Lừ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình và khu dân cư xung quanh.
Kể từ đó, để sử dụng thêm diện tích khoảng đất trống sau nhà, gia đình đã xếp gạch quây xung quanh để thuận tiện hơn cho việc sinh hoạt. Đến năm 2008, gia đình mới đủ điều kiện cải tạo ngôi nhà với tầng 1 đổ mái bằng và tầng 2 lợp tôn, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt vì hai con đã lớn cần không gian riêng.
Như vậy, gia đình đã cải tạo khoảng đất trống sau nhà từ 1 bãi rác lớn và sử dụng để sinh hoạt từ năm 2000, tức là trước 1 năm Quyết định 7853/QĐ-UB, ngày 18/12/2001 của UBND TP. Hà Nội có hiệu lực. Ngoài ra, gia đình cũng không hiểu vì lý do gì dù đã làm các thủ tục đầy đủ liên quan đến việc làm số đỏ các năm 2004; 2013 nhưng cho đến nay vẫn chưa được cấp sổ.
Cần làm rõ thời điểm SDĐ
Bà Lê Thị Ánh Tuyết – Cán bộ địa chính UBND phường Phương Mai cho biết: UBND phường căn cứ vào các công văn, giấy tờ gồm mảnh bản đồ năm 1994, không có mảnh đất của hộ bà Đoàn Thị Bốn, một số biên bản vi phạm về trật tự xây dựng của gia đình... Để xác định thời gian SDĐ trước, sau ngày 18/12/2001. Đối với việc cấp sổ đỏ cho hộ bà Bốn, quan điểm của phường là khi nào gia đình bàn giao mặt bằng, khi đó, UBND phường mới làm thủ tục cấp sổ.
Tuy vậy, Bà Tuyết khẳng định thời gian tới, gia đình cung cấp được các tài liệu chứng minh nguồn gốc SDĐ trước 18/12/2001, UBND phường, quận sẽ xem xét lại mức đền bù thỏa đáng cho người dân.
Sự việc hộ bà Bốn khiếu kiện lên các cơ quan chức năng về đền bù GPMB đã kéo dài 4 năm, đến nay, vẫn chưa được giải quyết. Trong khi cả gia đình 4 người đang phải khổ sở sống tạm bợ trong căn nhà lụp xụp, chắp vá. Do đó, để sớm hoàn thành công tác GPMB, đẩy nhanh tiến độ Dự án thoát nước cải tạo môi trường Hà Nội và tránh việc khiếu kiện kéo dài thêm. Các cơ quan chức năng cần sớm làm sáng tỏ thời điểm SDĐ, từ đó, có chính sách đền bù thỏa đáng cho người dân.
Bài và ảnh: Huy An