Giải pháp phát triển Sâm Ngọc Linh

11/06/2017 00:00

(TN&MT) - Hôm nay (ngày 11/6), Báo Nhân Dân và UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển Sâm Ngọc Linh” nhằm đánh giá thực trạng về cây Sâm Ngọc Linh và đề xuất các chính sách đặc thù, giải pháp thiết thực phát triển Sâm Ngọc Linh thành cây kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, phát triển các sản phẩm từ cây Sâm Việt Nam thành hàng hóa có tính cạnh tranh đáp các ứng yêu cầu của sản phẩm quốc gia.

Sâm Ngọc Linh là cây dược liệu quý vào loại nhất Việt Nam và Thế giới
Sâm Ngọc Linh là cây dược liệu quý vào loại nhất Việt Nam và Thế giới

Tại Hội thảo toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam ngày 12/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ phải nhìn nhận lại vai trò của dược liệu trong phạm vi quốc gia, từng địa phương, từng ngành, lĩnh vực để chú trọng phát triển. Cây Sâm Ngọc Linh là cây thuốc đặc hữu của Việt Nam, được xếp vào 1 trong 4 loại sâm tốt nhất Thế giới và có nhiều công dụng quý đối với sức khoẻ cộng đồng và có giá trị kinh tế cao. Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã quan tâm, đầu tư cho cây sâm Ngọc Linh, đặc biệt, ngày 5/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 787/QĐ-TTg phê duyệt bổ sung Sâm Việt Nam vào danh mục sản phẩm quốc gia thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020. Tuy nhiên, hiện nay, việc việc bảo tồn và phát triển cây Sâm Ngọc Linh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh đặc hữu của vùng. Phát triển vùng trồng Sâm Ngọc Linh mang tính tự phát, nhỏ lẻ; việc nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất giống chưa được quan tâm đúng mức; kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc và chế biến sau thu hoạch chưa được tiêu chuẩn hóa, ít có sự tham gia của các nhà khoa học.

Sản phẩm Sâm Ngọc Linh tại Lễ hội Sâm núi Ngọc Linh
Sản phẩm Sâm Ngọc Linh tại Lễ hội Sâm núi Ngọc Linh

Vì vậy, Hội thảo “Giải pháp phát triển Sâm Ngọc Linh” lần này nhằm đánh giá thực trạng về cây Sâm Ngọc Linh và đề xuất các chính sách đặc thù, giải pháp thiết thực phát triển Sâm Ngọc Linh thành cây kinh tế mũi nhọn của Việt Nam; thông qua các tham luận: Tình hình phát triển Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; Chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phát triển Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Khoa học và công nghệ hỗ trợ và phát triển cây sâm đặc hữu của Việt Nam trở thành sản phẩm quốc gia; Chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ phát triển nuôi trồng cây Sâm Ngọc Linh; Kết quả nghiên cứu nhân giống và đề xuất phương án xây dựng mô hình sản xuất giống sâm Việt Nam kỹ thuật và chất lượng cao; Phát triển dược liệu hàng hóa sâm Việt Nam; Chiến lược của UBND huyện Nam Trà My quy hoạch và xây dựng vùng sâm nguyên liệu Ngọc Linh; Những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị để phát triển nuôi trồng và sản xuất sâm Ngọc Linh; Định hướng sản xuất sản phẩm từ cây sâm Ngọc Linh kết hợp các dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Vườn Sâm Ngọc Linh ra hoa
Vườn Sâm Ngọc Linh ra hoa

Theo TS. Nguyễn Bá Hoạt, Viện nghiên cứu và phát triển sản phẩm thiên nhiên, để phát triển nhanh dược liệu sâm hàng hoá thì: (1) Xây dựng ngay một doanh nghiệp khoa học công nghệ sản xuất kinh doanh giống Sâm Việt Nam. Khí hậu sườn đông dãy Ngoc Linh (thuộc Quảng Nam) rất phù hợp cho sản xuất hạt giống Sâm Việt Nam. Cần tập trung đầu tư, hỗ trợ để sớm hình thành doanh nghiệp khoa học – công nghệ sản xuất kinh doanh giống Sâm Việt Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Nhiệm vụ của doanh nghiệp: Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (Dàn mái che, hệ thống tưới và bón chủ động), chọn lọc giống xây dựng được hệ thống vườn giống gốc gồm các cá thể ưu tú để sản xuất hạt giống sâm, tiến tới sản xuất hàng chục triệu hạt giống sâm hàng năm; Xây dựng hệ thống sản xuất cây giống tiên tiến (thiết bị lưu trữ hạt, nhà ươm hạt, vườn ươm lưu giữ cây giống 24-36 tháng tuổi, dàn mái che, hệ thống tưới bón chủ động…) có năng lực sản xuất 8-10 triệu cây giống /năm đủ cung ứng cho sản xuất dược liệu của cả nước; Nghiên cứu tuyển chọn tạo dòng thuần có chất lượng cao cho sản xuất giống, từng bước thay thế vườn giống gốc bằng vườn giống thuần chủng. (2) Gắn việc lưu giữ bảo tồn nguồn gen với phát triển trồng sâm dưới tán rừng tự nhiên theo hướng trồng phân tán, trồng theo hốc không cuốc lớp đất nền rừng, giữ gìn và bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường rừng vùng sản xuất. Phát triển trồng sâm dưới tán rừng cần được quy hoạch và có giám sát kiểm tra hạn chế việc đẩy nhanh diện tích đât rừng bị cày xới sẽ dẫn tới tàn phá môi trường rừng. (3) Phát triển và mở rộng hình thức trồng sâm dưới dàn mái che có ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến theo phương thức sản xuất hữu cơ. Cần sớm ban hành các ưu đãi về giao đất, miễn giảm thuế, vay vốn, các thủ tục hành chính để kéo các doanh nghiệp có năng lực đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu sâm trên cả 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, trong đó Kon Tum là trọng điểm, triển vọng sẽ nhân rộng ra nhiều vùng trong nước có khí hậu tương tự. (4) Khuyến khích đầu tư phát triển sâm gắn với phát triển các cây thuốc đặc hứu có giá trị kinh tế cao như Đảng sâm (Codonopsis javanica), Ngũ vị tử Ngọc Linh (Schizandra sphenanthera), Nữ lang (Valeriana harwiskii)…trên vùng trồng sâm.

Anh Dũng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp phát triển Sâm Ngọc Linh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO