Giải pháp nào cho bài toán trồng rừng phòng hộ ở Điện Biên?

29/06/2015 00:00

(TN&MT) - Kế hoạch trồng rừng phòng hộ của tỉnh Điện Biên năm 2015 tổng diện tích 1.270,0ha với số vốn 16.981,0 triệu đồng. Theo kết quả báo cáo ước thực hiện Dự án Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên 6 tháng đầu năm 2015 của Chi cục Lâm nghiệp, tỉnh Điện Biên thì kế hoạch trồng rừng phòng hộ trên địa bàn toàn tỉnh, ước thực hiện 319,5ha, đạt 25,16% kế hoạch giao.  

Việc Điện Biên khó thực hiện được mục tiêu, kế hoạch trồng rừng phòng hộ có hai nguyên do chủ yếu: Suất đầu tư trồng rừng phòng hộ quá thấp; khó thu hồi đất của dân để triển khai dự án. Cụ thể, mỗi héc ra trồng rừng phòng hộ được Nhà nước chi trả 15 triệu đồng bao gồm cả công chăm sóc, bảo vệ trong 4 năm. Cùng với đó, diện tích đất nương của các hộ dân rất khó có thể thu hồi để đưa vào diện tích đất trồng rừng phòng hộ; nếu thực hiện thu hồi đất nương rãy của dân để giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ trồng rừng thì phải bồi thường cho các hộ dân số tiền rất lớn, theo quy định Luật đất đai. Với cơ chế chính sách này, các Ban quản lý rừng phòng hộ, các địa phương và ngành nông nghiệp không thể trồng được rừng nếu không có sự đổi thay và tăng suất đầu tư.

Sẽ rất lâu nữa Điện Biên mới có cánh rừng xanh tốt như thế này
Sẽ rất lâu nữa Điện Biên mới có cánh rừng xanh tốt như thế này

Ông Trần Văn Thại, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ, huyện Mường Chà, cho biết: Năm 2015, đơn vị được tỉnh giao kế hoạch trồng rừng phòng hộ 220ha, nhưng đến nay đơn vị mới chỉ thực hiện được 11ha, đạt 5% theo kế hoạch giao. Chúng tôi đã xuống các các xã bản vận động người dân tham gia trồng rừng phòng hộ, nhưng vì suất đầu tư thấp, nên các hộ dân không mấy mặn mà. Mặt khác, đồng bào các dân tộc miền núi quỹ đất phát triển nông nghiệp chủ yếu dựa vào đất nương, nên rất khó có thể vận động người dân tham gia trồng rừng phòng hộ. Hơn nữa họ lo ngại trồng rừng phòng hộ là mất đất canh tác, vì rừng phòng hộ lại không được phép khai thác.

Ông Thại nhận định thêm: nhìn thì chỉ thấy đồi trọc, nhưng động vào đất đồi của dân là to chuyện.

Theo Quyết định số 60/2010 của Chính phủ quy định suất đầu tư tối đa cho trồng rừng trên mỗi héc ta rừng trong 4 năm là 15 triệu đồng, các địa phương tự cân đối ngân sách để hỗ trợ cho các hộ dân thực hiện. Tuy nhiên, với một  miền núi nghèo như Điện Biên, ngân sách chủ yếu phụ thuộc vào trung ương, để có nguồn tiền chi cho việc trồng rừng phòng hộ mà Chi Cục Lâm nghiệp đề xuất với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình tỉnh, đề nghị hiệu chỉnh, nâng suất đầu tư 50 triệu đồng/ha, đó là điều rất khó thực hiện trong tại thời điểm này.

Anh Lò Văn Mên, bản Púng Giắt II, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, cho biết: Nếu bảo chúng tôi đi trồng rừng cũng được thôi. Nhưng trả cho chúng tôi giá thấp quá, tính ra chỉ có 60.000 đồng/ngày công lao động. Ai làm được? Thời gian chăm sóc bảo vệ rừng thì lại quá dài, 4 năm liền. Nếu bỏ đất ra trồng rừng là chúng tôi mất đất sản xuất.

Được biết, tháng 10/2014 Ban quản lý rừng phòng hộ Mường Chà đã tiến hành khảo sát, thiết kế lập dự toán trồng rừng phòng hộ tại xã Na Sang với tổng diện tích 167,6ha. Thế nhưng, đến cuối năm đơn vị này đi nghiệm thu thì các hộ dân đòi đất lại, nhất định không tham gia với ký do không có đất để canh tác. Đó là một trong những câu chuyện bi hài xoay quanh những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở trong quá trình triển khai dự án trồng rừng phòng hộ, ở các địa phương.

Hiện nay, 3 Ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh Điện Biên gồm: Ban quản lý huyện Mường Chà, huyện Điện Biên và huyện Tuần Giáo, dù đã được thành lập từ nhiều năm, nhưng chưa hề được giao đất để trồng rừng. Mặc dù trước đó, UBND tỉnh Điện Biên ra Quyết định số 1291, ngày 14/11/2006 Phê duyệt phương án chuyển đổi Lâm trường Đặc sản Điện Biên thành Ban quản lý rừng phòng hộ Mường Chà đã giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ Mường Chà 17.894,3ha đất lâm nghiệp để quản lý. Song từ đó đến nay, Ban quản lý rừng phòng hộ Mường Chà vẫn chưa có gì để “quản lý” mà chỉ thực hiện “chân loong tong” chạy quanh các dự án; 327,661 ... cho tới nay.

Không riêng gì Ban quản lý rừng phòng hộ Mường Chà mà các ban quản lý rừng phòng hộ của tỉnh Điện Biên đều nằm trong bối cảnh chung; không có đất để triển khai trồng rừng, quản lý rừng theo đúng chức năng, nhiệm vụ. Đây cũng là một bài toán khó giải của tỉnh Điện Biên khi toàn bộ đất rừng đến nay đều có chủ và cũng khó có lời giải cho các Ban quản lý rừng phòng hộ tại Điện Biên.

Bài và ảnh: Trần Hương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp nào cho bài toán trồng rừng phòng hộ ở Điện Biên?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO