Có lẽ khá ít nhà máy Nhiệt điện than lại có những bước chuẩn bị khá tỉ mỉ về quá trình bảo vệ môi trường. Bắt đầu khi đầu tư Nhà máy, Tập đoàn Geleximco đã tính toán từng bước ngay từ đầu tư dự án đã tính đến xử lý môi trường như thế nào trong quá trình vận hành. Ngay như việc lựa chọn nhà thầu cũng được Geleximco tìm hiểu, thương thảo mọi vấn đề cặn kẽ và trong mỗi câu chuyện đó luôn đưa ra yếu tố môi trường an toàn lên hàng đầu.
Là nhà máy nhiệt điện chạy than đầu tiên do doanh nghiệp tư nhân đầu tư, Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long do Công ty cổ phần Nhiệt điện Thăng Long thuộc Tập đoàn Geleximco có công suất thiết kế 2 x 300 MW với hai tổ máy số 1 và số 2. Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long được áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới với “trái tim” là lò hơi theo thiết kế và công nghệ chế tạo của hãng Alstom (Pháp); hệ thống đo lường và điều khiển của nhà máy được chế tạo và cung cấp từ Yokogawa (Nhật Bản) và một số nước G7.
Ngày 16/5/2018 vận hành thương mại Tổ máy số 1, tiếp đến ngày 29/7/2018 vận hành thương mại Tổ máy số 2. Tính đến hết năm 2018, nhà máy Nhiệt điện Thăng Long đã đóng góp lên lưới điện Quốc gia 1.278 tỷ MWh, và từ đầu năm 2019, sản lượng điện là 2.077 tỷ MWh. Trong những ngày này 2 tổ máy của Nhiệt điện Thăng Long luôn chạy hết công suất.
Điều đáng nói sau khi vận hành nhà máy được một thời gian thì người dân xung quanh và cơ quan chức năng quan tâm là việc xử lý tro xỉ thải xử lý như thế nào? Về việc này, ông Khúc Ngọc Chinh - Phó GĐ Nhà máy cho biết, Tập đoàn Geleximco đã đầu tư hơn 6 triệu USD, áp dụng công nghệ hiện đại trong vận chuyển tro xỉ, cho phép vận chuyển xỉ trong nhà máy ra bãi thải xỉ bằng hệ thống băng tải ống kín để tránh phát tán bụi ra môi trường do được thiết kế dập bụi trong quá trình vận chuyển tro bằng nước.
Bên cạnh việc áp dụng công nghệ hiện đại trong vận chuyển tro, xỉ thì lòng hồ xỉ được trải hệ thống vải địa kỹ thuật, kèm theo hệ thống thu gom nước mưa để đưa nước mưa từ bãi thải về xử lý. Bãi thải xỉ của nhà máy rộng khoảng 57 ha, sức chứa 4,32 triệu m3. Nước thải trong bãi được thu gom, đưa về hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Đến nay, bãi thải xỉ đã được hoàn thiện một phần với diện tích 27 ha và đã đưa vào sử dụng.
Điều mà các nhà máy nhiệt điện đang lo ngại là giải quyết lượng tro, xỉ thì ở đây Nhà máy khi đi vào vận hành đã được Liên danh Công ty TNHH Nam Hưng; Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Á Châu và Công ty CP Xi măng Thăng Long ký hợp đồng tiêu thụ hết lượng tro, xỉ của 2 tổ máy.
Về quản lý chất thải nguy hại cũng được thu gom đưa về kho chứa chất thải nguy hại có diện tích 80m2. Công ty đã ký hợp đồng thu gom , xử lý chất thải nguy hại với Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Toàn Thắng.
Để giảm thiểu tác động đến môi trường xung quanh, Nhà máy lắp đặt hệ thống lọc bụi tĩnh điện, thu giữ bụi để đảm bảo hiệu quả thu bụi từ 90 - 99%. Đối với khói thải: Nồng độ SO2 được kiểm soát khi đốt đá vôi trong lò hơi CFB (<340 mg/m3). Nồng độ NO2 sẽ giảm nhỏ nhất khi nhệt độ buồng đốt luôn trong khoảng 820-920oC. Lắp đặt hệ thống giám sát khí thải liên tục trên DCS và online. Nhiên liệu được sử dụng để khởi động lò la dầu Diesel (DO ) khi đốt gần như không cho muội dầu và thành phần S thấp (0.01 – 0.005S)
Về xử lý nước thải: Nhà máy cũng được trang bị hệ thống xử lý các loại nước thải khác nhau, sử dụng công nghệ xử lý nước nhiễm than, nhiễm dầu… Tất cả nước thải công nghiệp được xử lý, nước thải hợp vệ sinh, nước thải dầu mỡ và nước thải nhiễm than phải được thu gom và tái sử dụng (cho các hệ thống dập bụi) trong điều kiện bình thường và không thải ra môi trường. Nước thải được xử lý đạt tiêu chuẩn QCVN 40: 2011. Bộ Tài Nguyên Môi trường đã cấp giấy phép xả thải số 3941/CP-BTNMT ngày 28/12/2018 cho Nhà máy.
Khí thải, nước thải sau xử lý đều được lắp đặt thiết bị đo trực tuyến và truyền dẫn trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh.
Trả lời trước báo chí về vấn đề môi trường của Nhà máy nhiệt điện Thăng Long, ông Cao Văn Chiến – Phó GĐ Sở TNMT Quảng Ninh khẳng định sẽ tăng cường giám sát , đồng hành cùng Geleximco và Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long để nhà máy vận hành có hiệu quả, đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Hiện nay, việc giám sát khí thải và chất thải được thực hiện cực kỳ chặt chẽ bằng hệ thống online trực tuyến về Sở Tài nguyên và Môi trường.
Mới đây nhất Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành khảo sát và ghi nhận thực tế tại nhà máy: Các chất thải rắn, chất thải nguy hại đều thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư 36/2015/TT- BTNMT; Về khí thải nằm trong QCVN 22:2009/BTNMT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải ngành công nghiệp điện. Những kết quả khảo sát thực tế của Phòng Cảnh sát môi trường tỉnh Quảng Ninh là ghi nhận sự nỗ lực của Geleximco trong đầu tư các dự án công nghiệp luôn tính đến bài toán an toàn môi trường.
Mối lo về tro xỉ hay khí thải mà người dân và cơ quan chức năng ở Nhiệt điện Thăng Long đã không còn, đây cũng là bài học kinh nghiệm là lời giải cho bài toán về tro xỉ, khí thải của các nhà máy nhiệt điện chạy than ở nước ta. Hãy cân bằng lợi ích với môi trường, hãy tính đến bài toán môi trường khi vận hành dự án. Và hơn hết đó là trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp.