Giải bài toán rác thải y tế thời covid-19: Ưu tiên xử lý chất thải y tế

Linh Chi| 01/06/2021 11:06

(TN&MT) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một trong những vấn đề được dư luận quan tâm chính là xử lý rác thải y tế. Bởi nếu không có những quy định chặt chẽ, quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý nghiêm ngặt, đây chính là nguồn lây dịch bệnh ra cộng đồng.

Để quản lý vấn đề này, mới đây Bộ TN&MT đã có Văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường việc tổ chức thực hiện và giám sát công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế.

Tuân thủ quy trình thu gom, xử lý chất thải

Nhận thức rõ chất thải y tế có thể tác động xấu tới con người và tất cả các khía cạnh của môi trường, nhất là đất, nước, không khí, các bệnh viện, cơ sở y tế trên cả nước trong thời gian qua đã chú trọng công tác phân loại, thu gom và xử lý rác thải y tế nói chung, rác thải y tế phát sinh do dịch bệnh Covid-19 nói riêng. Đơn cử như Bệnh viện C Đà Nẵng, trong thời gian phong tỏa cách ly hơn 1.000 người, lượng rác y tế thải ra trong một ngày là 637 kg. Tất cả rác thải phát sinh do dịch bệnh Covid-19 được cho vào thùng rác chứa chuyên dụng, đã được đặt ở đúng nơi quy định, dán kín miệng tránh rơi vãi, đồng thời xịt khử khuẩn trong quá trình di chuyển theo đường riêng, khung giờ cố định. Sau đó, rác được đưa về nơi thu, lưu giữ đến 7 - 9h sáng hàng ngày. Xe thu gom sau khi nhận rác sẽ phải chạy qua khu vực khử trùng trước khi rời bệnh viện để tránh lây lan virus, đảm bảo xử lý triệt để trước khi mang ra ngoài khu cách ly.

Thu gom rác thải tại khu vực cách ly.

Việc quản lý, xử lý chất thải y tế do dịch bệnh Covid-19 đang tuân thủ nghiêm ngặt những quy định mà Bộ Y tế đề ra. Theo đó, tất cả chất thải rắn phát sinh từ khu vực/phòng cách ly, khám, theo dõi, chăm sóc, điều trị người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 bao gồm cả đồ vải, quần áo thải bỏ của bệnh nhân, khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân đều được phân loại ngay vào thùng màu vàng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh. Bên ngoài túi, thùng có dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”. Các chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao (gồm: mẫu bệnh phẩm, dụng cụ đựng, dính mẫu bệnh phẩm, chất thải dính mẫu bệnh phẩm của người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19) phát sinh từ quá trình lấy mẫu xét nghiệm đều được xử lý sơ bộ bằng thiết bị hấp hoặc thiết bị khử khuẩn trước khi tiếp tục phân loại, thu gom, xử lý.

Những đám máu hoặc các chất tiết sinh học được loại bỏ ngay bằng cách lau bằng khăn hoặc gạc tẩm dung dịch khử khuẩn có chứa 0,5% Clo hoạt tính. Dịch tiết đường hô hấp, dịch tiết cơ thể (đờm, dãi, dịch mũi họng, dịch phế quản, dịch dẫn lưu,…) của người bệnh phải được ngâm bằng dung dịch khử khuẩn có chứa 1% Clo hoạt tính với tỷ lệ 1:1 trong thời gian ít nhất 10 phút, sau đó đổ vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của cơ sở y tế.

Đặc biệt, chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 được ưu tiên xử lý ngay trong ngày.

Tăng cường phối hợp quản lý

Mới đây, Bộ TN&MT đã có Văn bản số 2743/BTNMT-TCMT yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường việc tổ chức thực hiện và giám sát công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế. Trong đó, ưu tiên xử lý theo mô hình cụm cơ sở y tế và các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế tại địa phương để đảm bảo khoảng cách thu gom ngắn nhất từ nơi phát sinh tới cơ sở xử lý.

Đồng thời, các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tại địa phương chủ động liên hệ với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế tại các địa phương khác để hỗ trợ xử lý chất thải y tế trong trường hợp địa phương không đảm bảo năng lực xử lý chất thải y tế hoặc không đủ hạ tầng xử lý chất thải y tế. Các địa phương có cơ sở xử lý chất thải nguy hại cần tạo điều kiện hỗ trợ xử lý chất thải y tế khi có đề nghị từ các địa phương khác nhưng vẫn phải đảm bảo công tác xử lý chất thải y tế tại địa phương mình.

Các cơ sở y tế, khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu vực cách ly (cách ly tập trung, cách ly tại nhà và các khu vực cách ly khác) cần khẩn trương xây dựng, điều chỉnh và tổ chức thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển, lưu giữ, và xử lý chất thải, đặc biệt đối với chất thải y tế tại các khu vực nêu trên của địa phương để phù hợp với việc điều chỉnh thời gian cách ly tập trung, thời gian quản lý sau khi kết thúc cách ly tập trung và xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19. Tăng cường việc tổ chức thực hiện và giám sát công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh Covid-19 tại địa phương.

Trước đó, Bộ TN&MT cũng đã phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Ban Chỉ đạo Quốc gia ban hành 5 Hướng dẫn về phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19. Bộ Y tế cũng đã có Công văn đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, thành phố chỉ đạo và đảm bảo kinh phí cho các cơ sở y tế, các cơ sở cách ly tập trung thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện nghiêm việc phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải, đặc biệt là xử lý chất thải lây nhiễm, nước thải, đảm bảo không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường. Tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân sử dụng và thải bỏ khẩu trang đúng quy định; không sử dụng lại đối với khẩu trang sử dụng một lần.

Đà Nẵng: Xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường

Tháng 5/2021, khi đợt dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát tại TP. Đà Nẵng, công việc của công nhân môi trường ở Xí nghiệp Quản lý bãi và Xử lý chất thải Khánh Sơn (thuộc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng) lại vất vả, căng thẳng hơn. Ở khu đặt lò đốt ST200 chuyên xử lý rác thải nguy hại, mùi hóa chất Cloramin B nồng nặc cùng mùi ngai ngái của rác khiến bất cứ ai cũng có thể bị choáng.

Anh Nguyễn Văn Hoàng, phụ trách vận hành lò đốt chia sẻ: Hơn 10 năm làm việc tại lò đốt, chưa khi nào anh phải làm việc với cường độ cao như 2 đợt Covid-19 vừa qua. Cả ngày mặc đồ bảo hộ nóng nực, khó chịu, tiếp xúc với nguồn rác có nguy cơ lây nhiễm cao nhưng anh em phải cố gắng, đồng hành với thành phố trong công tác chống dịch.

"Công việc thu gom cũng như ở lò đốt đều nguy hiểm, vất vả như nhau. Nếu như ai cũng sợ nhiễm bệnh, từ chối công việc thì lấy ai thu gom, xử lý rác. Anh em động viên nhau thực hiện thôi. Về nhà là phải tắm rửa sạch sẽ ngay, bản thân mình cũng hạn chế tiếp xúc với mọi người trong mỗi mùa dịch, cũng không dám ôm con như trước đây” - anh Hoàng chia sẻ.

 Toàn bộ rác thải y tế tại các khu cách ly, cơ sở y tế có đến 80 - 90% có nguy cơ lây nhiễm Covid-19, do đó sẽ được đem đi đốt hoàn toàn. Rác thải sinh hoạt tại các khu vực này cũng được phun khử khuẩn Cloramin B rồi mới xử lý, không thể trộn chung với rác sinh hoạt thông thường. Để xử lý rác thải tại các khu cách ly, cơ sở y tế hiệu quả và an toàn, công ty đã nhờ các đơn vị phân loại riêng rác thải y tế nguy hại và các loại rác thải thông thường. Rồi từng loại được chở đi bằng xe chuyên dụng riêng.

Lò đốt rác thải nguy hại ở bãi rác Khánh Sơn có 2 buồng, 1 buồng sơ cấp để nạp rác, khi rác đi vào buồng sẽ tự cháy với nhiệt độ từ 700 - 1.100 oC sau đó qua buồng thứ cấp có nhiệt độ từ 1.050 - 1.100 oC.Như vậy, sẽ không còn vi khuẩn nào tồn tại sau khi rác được xử lý triệt để. Toàn bộ lượng khói phát sinh trong quá trình đốt sẽ được lọc toàn bộ, thải ra môi trường là khí trắng.

Lan Anh

Thanh Hóa: Xử lý rác thải y tế có nguy cơ chứa SARS-CoV-2

Là bệnh viện tuyến đầu của tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là công tác xử lý chất thải y tế, luôn tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tuyệt đối không để dịch Covid-19 có nguy cơ lây lan, đảm bảo an toàn cho cán bộ, nhân viên bệnh viện và bệnh nhân.

Tất cả đồ vải, quần áo thải bỏ của bệnh nhân, khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người tham gia thực hiện các công việc quản lý chất thải y tế, vệ sinh dụng cụ đựng chất thải, vệ sinh môi trường đều được phân loại ngay vào thùng màu vàng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, dán biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh. Bên ngoài túi, thùng có dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”.

Trong quá trình thu gom, thùng đựng chất thải được đậy nắp kín, đảm bảo không bị rơi, rò rỉ chất thải ra ngoài.  Sau đó được tập kết tại khu chứa rác thải nguy hại riêng của bệnh viện và được xử lý tiêu hủy tập trung như những chất thải lây nhiễm cao khác, đảm bảo khoảng cách an toàn. Tại đây, các nhân viên chuyên trách xử lý rác bằng máy NEWSTER NW10 - Italy (hệ thống xử lý bằng tiệt khuẩn nhiệt ma sát) và máy STERILWAVE 440 - Betin (công nghệ vi sóng tích hợp nghiền cắt) không phát sinh mùi hôi và hoàn toàn thân thiện với môi trường.

Thu Thủy - Hoàng Anh

Thái Nguyên: Khẩn trương thu gom rác thải nguy hại

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 621 cơ sở y tế. Trong đó, cơ sở y tế công lập có 1 Bệnh viện đa khoa tuyến Trung ương, 3 Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, 5 Bệnh viện chuyên khoa cấp tỉnh, 4 đơn vị thuộc hệ thống y tế dự phòng, 7 Bệnh viện đa khoa tuyến huyện, 9 Trung tâm y tế tuyến huyện, 181 Trạm y tế cấp xã; cơ sở y tế ngoài công lập có 407 phòng khám đa khoa, chuyên khoa, chẩn trị y học cổ truyền của các đơn vị tổ chức, cá nhân.

Trên địa bàn tỉnh, mỗi ngày phát thải khoảng gần 8.000 kg chất thải rắn, trong đó chất thải y tế nguy hại (CTYTNH) có khoảng 520 kg, tương đương gần 190 tấn/năm. TP. Thái Nguyên là nơi tập trung các cơ sở y tế lớn nhất trong toàn tỉnh với khối lượng CTYTNH phát sinh hàng ngày khoảng 390 kg; thành phố Sông Công khoảng 40 kg; thị xã Phổ Yên phát sinh 19 kg; huyện Phú Bình khoảng 9 kg; huyện Phú Lương khoảng 8 kg; huyện Võ Nhai phát sinh 12 kg; huyện Định Hóa phát sinh 17 kg; huyện Đồng Hỷ phát sinh 12 kg; huyện Đại Từ phát sinh 14 kg.

Ông Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên cho biết: Về công tác thu gom, lưu giữ CTYTNH trên địa bàn tỉnh, cơ bản các Bệnh viện trong và ngoài công lập, các Trung tâm y tế tuyến huyện đã thực hiện việc phân loại chất thải y tế theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TT-BYT-BTNMT. Các bệnh viện đã bố trí khu vực lưu chứa CTYTNH trong khuôn viên cơ sở theo quy định tại Thông tư 36/2015/TT-BTNMT, tuy nhiên, tại các Trung tâm y tế hầu hết các khu vực lưu chứa đều chưa đáp ứng các điều kiện theo quy định.

Nguyễn Kiều

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải bài toán rác thải y tế thời covid-19: Ưu tiên xử lý chất thải y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO