Giải bài toán quản lý chất thải rắn: Biến rác thành tài nguyên
(TN&MT) - Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, lượng chất thải rắn (CTR) phát sinh ở nước ta đang ngày càng gia tăng, trở thành vấn đề môi trường bức xúc.
CTR chôn lấp không hợp vệ sinh gây hệ lụy rất lớn cho môi trường, mặt khác, đây cũng là tài nguyên nhưng chưa được tái chế sử dụng hiệu quả.
Đầu tư xử lý rác bằng công nghệ hiện đại
Thời gian qua, Bộ TN&MT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức rà soát, đánh giá, đề xuất lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam theo hướng giảm tỷ lệ chất thải phải chôn lấp, tăng tỷ lệ chất thải được tái chế, tái sử dụng. Song song với định hướng xử lý CTR tập trung quy mô lớn, nhiều địa phương đã đầu tư hệ thống xử lý quy mô cấp huyện, liên huyện, như: Nghĩa Đàn (tỉnh Nghệ An), Cẩm Xuyên, Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh), Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh), Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình), Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam)...
Để giải quyết tình trạng áp dụng công nghệ chôn lấp trong xử lý CTRSH là chủ yếu như hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã đưa ra quy định về nguyên tắc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi đầu tư mới hoặc đưa vào vận hành các cơ sở xử lý CTRSH ưu tiên đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; bảo đảm giảm dần tỷ lệ CTRSH được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp, đáp ứng mục tiêu về quản lý tổng hợp CTR do Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ phát triển.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đưa ra quy định không khuyến khích xây dựng cơ sở xử lý CTRSH chỉ có phạm vi phục vụ trên địa bàn một đơn vị hành chính cấp xã. Đồng thời, Bộ TN&MT đã tham mưu nhiều cơ chế chính sách để thúc đẩy việc xử lý CTRSH bằng phương pháp đốt có thu hồi năng lượng để phát điện. Trong đó, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ, cần tăng cường phát triển các nguồn điện từ rác thải đô thị và CTR.
Ngoài ra, Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý CTR đã yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương đầu tư hoặc đưa vào vận hành các nhà máy xử lý rác thải theo hướng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường; phấn đấu đến hết năm 2025 giảm tỷ lệ rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp xuống dưới 20%; đồng thời giao Bộ Công Thương tăng cường phát triển các nguồn điện từ chất thải rắn và sinh khối; nghiên cứu, xây dựng cơ chế; chính sách khuyến khích đầu tư, miễn giảm các thủ tục đấu nối và bán điện lưới đối với các nhà máy phát điện sử dụng chất thải rắn, sinh khối.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; với các giải pháp đồng bộ về quản lý chất thải, từng bước thực hiện tái chế, tái sử dụng rác thải thay cho chôn lấp, giảm thiểu rác thải nhựa; thúc đẩy và triển khai có hiệu quả Chương trình đối tác hành động quốc gia về chất thải nhựa.
Trong đó, Bộ TN&MT đãban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 có nội dung quy định về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH. Đồng thời, Bộ TN&MT đang nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật đối với hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH theo quy định tại khoản 5 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các quy định của pháp luật khác có liên quan và dự kiến ban hành vào Quý I năm 2024. Việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật đối với hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH trong đó có thu gom và vận chuyển CTRSH sau phân loại tại nguồn, CTRSH đặc thù (trên sông, kênh, rạch, mặt biển, bãi biển; CTRSH cồng kềnh…); xử lý bằng công nghệ đốt, đốt có thu hồi năng lượng là nội dung mới do đó, cần phải đánh giá cẩn trọng, khách quan để đảm bảo tính đại diện cao và phù hợp với điều kiện thực tế.
Ở cấp địa phương, đến nay đã có 26/28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc đã có quy hoạch CTR, gần 100% xã hoàn thành việc lập, phê duyệt quy hoạch nông thôn mới, trong đó đều đã xác định vị trí điểm trung chuyển/điểm tập kết rác hoặc bãi chôn lấp quy mô nhỏ.
Chuyển hóa rác thành năng lượng
Chuyển hóa rác thành năng lượng là một biện pháp xử lý tái chế rác thải hữu cơ đô thị có hiệu quả. Đây là giải pháp công nghệ lý tưởng cho vấn đề xử lý rác thải thành điện năng, giúp giảm thiểu diện tích chôn lấp và giảm phát thải khí nhà kính.
Nhu cầu cấp thiết về giảm phát thải khí nhà kính là một động lực thúc đẩy phát triển. Công nghệ đã giúp chuyển hóa rác thành năng lượng, đặc biệt là điện năng, mang lại tác động kép khó có thể tìm thấy ở trong các ngành khác: giải quyết vấn đề môi trường do rác thải, giảm bãi chôn lấp, giảm phát thải khí mê-tan, giảm ô nhiễm thứ cấp do bãi chôn lấp và đáp ứng đáng kể nhu cầu năng lượng xanh, nhu cầu với các hệ thống nhỏ phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, địa lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các trang trại và các hộ gia đình.
Sự chuyển hóa rác thành năng lượng không phải là vấn đề tài chính, chủ yếu là phụ thuộc vào công nghệ được áp dụng. Nước ta có thể áp dụng công nghệ chuyển hóa rác thành năng lượng phổ biến như đốt phân hủy rác nhằm giải quyết nhanh những bức xúc về ô nhiễm và tình trạng bão hòa bãi chôn rác thải sinh hoạt. Đồng thời cần từng bước xây dựng công nghệ chuyển hóa rác thành năng lượng phù hợp, nhất là đối với rác thải sinh hoạt ở nông thôn và các đô thị vừa và nhỏ.