Xã hội

Gia Lộc (Hải Dương): Nông dân giàu từ nông sản sạch

Bài & ảnh: Kiên Cường 15/03/2024 - 14:55

Ở huyện Gia Lộc (tỉnh Hải Dương), nhiều hộ nông dân đã “đổi đời” khi thức thời chuyển hướng trồng nông sản sạch trong nhà màng, nhà lưới. Cho đến nay, mô hình này đang phát huy hiệu quả và giúp nhiều hộ nông dân trở thành tỷ phú.

Cây cũ, hướng đi mới

Qua giới thiệu của Hội Nông dân tỉnh Hải Dương, chúng tôi đến xã Phạm Trấn, huyện Gia Lộc để tìm hiểu về mô hình giúp bà con thoát nghèo.

Trên con đường bê tông láng cóng từ UBND xã xuống thôn Nam Cầu, nơi có nhiều hộ dân đã chuyển đổi mô hình trồng nông sản từ thủ công sang nhà màng, nhà lưới, ông Nguyễn Văn Quân, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Phạm Trấn, cho biết: Tổng diện tích trồng các loại nông sản, rau màu hàng năm của xã là trên 40ha (trong đó gần 30ha được đầu tư nhà lưới).

img_2754.jpg
Ông Hoàng Anh Thư, thôn Nam Cầu, xã Phạm Trấn chăm sóc vườn dưa chuột

Hiểu được mong ước của bà con, xã đã tập trung nguồn lực đầu tư làm đường giao thông nội đồng, nên hiện nay đều được bê tông hóa. Thăm khu nhà lưới gần 3.000m2 của hộ gia đình ông Hoàng Anh Thư, chúng tôi được biết: Gia đình ông vốn chỉ có 1.000m2 đất ruộng, khi quyết định tham gia mô hình, ông đã mua gom của các hộ kế bên chuyển đổi sang mô hình trồng nông sản sạch vào năm 2019.

Hiện một năm gia đình ông trồng 4 vụ, gồm: Dưa lưới, dưa chuột, dưa hấu… So với trồng thủ công (lãi suất gấp 10 lần) nên sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình thu lãi gần 300 triệu đồng. Giải thích về khoản lãi “khủng” so với trồng thủ công trước đây, ông Thư, chia sẻ: Mô hình nông sản sạch trồng nhà màng, nhà lưới không lo sâu bệnh, thời tiết và nhất là việc chăm sóc rất hiệu quả, nên trồng tăng được 1 vụ so trước đây. Các loại nông sản được người tiêu dùng, siêu thị tin dùng đặt mua trước và thường xuyên “cháy” hàng. Không những vậy, cơ sở trồng nông sản của nhà ông Thư hiện nay còn tạo công ăn, việc làm cho từ 5 - 6 lao động thường xuyên với mức thu nhập khoảng 6 – 7 triệu đồng/tháng.

img_2744.jpg
Vườn nông sản sạch nhà ông Hoàng Anh Thư, tạo công ăn việc làm cho 5 - 6 lao động địa phương có thu nhập ổn định

Rời nhà ông Thư, chúng tôi đến hộ gia đình anh Nguyễn Đình Nhuận, thôn Lúa, xã Đoàn Thượng. Đây là hộ gia đình đầu tư nhà màng, nhà lưới lớn với trên 7.000m2. Chính vì thế, anh Nhuận đã làm hẳn đoạn đường bê tông dài 500m từ đường lớn của thôn vào cơ sở trồng nông sản. Nguồn vốn gia đình anh Nhuận bỏ ra khoảng 3 tỷ đồng. Ngoài ra, anh Nhuận đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm và mời cán bộ kỹ thuật về chuyển giao công nghệ trồng, chăm sóc cây.

Nhờ vậy, đến khi đi vào hoạt động, sản xuất đỡ vất vả hơn rất nhiều so trồng thủ công, do không lo thời tiết, sâu bệnh, chăm sóc hoàn toàn bằng tự động hóa. Trên diện tích trồng nông sản hàng năm, trừ các khoản chi phí, gia đình anh Nhuận thu lãi từ 500 – 700 triệu đồng. Số tiền này đối với những người nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” quả không nhỏ, chỉ cần 2 năm đã trở thành hộ tỷ phú.

Cần sự hỗ trợ của chính quyền

Theo thống kê năm 2023, huyện Gia Lộc có phong trào thi đua hộ kinh doanh sản xuất giỏi đứng trong top đầu của tỉnh Hải Dương, với 15.375 hộ đăng ký đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi 4 cấp bằng 66.6% so với hộ nông dân toàn huyện.

Cuối năm, huyện bình xét có 12.152 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi 4 cấp, bằng 79.3% số hộ đăng ký. Trong đó, huyện đã vận động các hộ sản xuất kinh doanh nông sản đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, với tổng số 21.115 hộ đăng ký và cuối năm đạt 19.490 hộ và đạt 92,3% hộ đăng ký. Huyện đã vận động các hộ nông dân giúp đỡ trên 570 lượt hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn về giống, vốn, công lao động và nhiều vật tư nông nghiệp khác trị giá hàng trăm triệu đồng, giúp các gia đình thoát nghèo.

Các hộ nông dân huyện Gia Lộc đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi, đều là các hộ thực hiện mô hình trồng nông sản sạch cho thu nhập cao, hàng hóa bán ra thị trường ổn định. Nhiều hộ nông dân mong muốn được chuyển đổi mô hình trồng thủ công sang nhà màng, nhà lưới nhưng khó thực hiện được, họ rất cần các cấp hội, chính quyền tạo điều kiện có giải pháp, tháo gỡ.

img_2758.jpg
Hộ gia đình anh Nguyễn Đình Nhuận, thôn Lúa, xã Đoàn Thượng làm đường bê tông từ thôn ra khu trồng nông sản sạch

Theo ông Lê Thạc Bình, Chủ tịch Hội nông dân xã Đoàn Thượng, hiện trong xã có 170ha trồng nông sản, với các loại rau màu, củ quả nhưng mới có 20ha được các hộ gia đình trồng theo mô hình nhà màng, nhà lưới. Mô hình trồng nông sản sạch cho thu lãi rất cao mỗi năm trên 1 tỷ đồng/ha (gấp từ 9 – 10 lần trồng thủ công). Nhiều hộ muốn được chuyển sang mô hình này, nhưng khó thực hiện bởi diện tích đất không tập trung, mỗi chỗ chỉ có từ 200 – 300m2.

Nhiều hộ có nhu cầu thuê đất, nhưng không thuê được (bởi có hộ không sản xuất để đất cỏ mọc, cũng không cho thuê). Muốn làm được mô hình trồng nông sản sạch thì phải tích tụ được đất, với diện tích hàng nghìn mét vuông. Chính vì vậy, xã Đoàn Thượng có diện tích trồng nông sản, rau màu lớn nhưng đa phần theo thủ công, thu nhập chỉ nhỉnh hơn làm nông nghiệp chút ít.

img_2766.jpg
Khu nhà màng, nhà lưới của anh Nguyễn Đình Nhuận đầu tư 3 tỷ đồng

Theo ông Bình, còn có lý do hạn chế người dân nhân rộng mô hình nông sản sạch, là vì số vốn đầu tư ban đầu lớn gần 4 tỷ đồng/ha để hoàn thiện cho cơ sở trồng nông sản sạch. Chính vì vậy, nhiều hộ muốn làm nhưng “lực bất tòng tâm”.

Rõ ràng, hiệu quả từ mô hình nông sản sạch giúp cho hàng trăm hộ nông dân huyện Gia Lộc có thu nhập cao, vươn lên trở thành tỷ phú đã được minh chứng nhiều năm qua. Khó khăn, trăn trở của người dân rất cần chính quyền các cấp vào cuộc có giải pháp tháo gỡ, để họ vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lộc (Hải Dương): Nông dân giàu từ nông sản sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO