(TN&MT) - Chủ tịch xã Bát Tràng (Gia Lâm, TP. Hà Nội) Nguyễn Văn May bị tố ra văn bản "tiền hậu bất nhất" khiến bà Phạm Bích Thảo (ở Đống Đa, TP. Hà Nội) rơi vào cảnh kiện tụng, tranh chấp đất đai trong khi bà Thảo thừa kế chính mảnh đất mà cha mẹ mình để lại.
Tranh chấp cả đất có sổ đỏ
Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được khiếu nại của bà Phạm Bích Thảo (thường trú ở Láng Hạ, Đống Đa, TP. Hà Nội) phản ánh về việc Chủ tịch xã Bát Tràng (Gia Lâm, TP. Hà Nội) lạm dụng chức vụ làm sai lệch hồ sơ địa chính, ra các văn bản không đúng sự thật làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, khiến gia đình bà Thảo rơi vào cảnh kiện tụng, trước nguy cơ phải hầu tòa.
Trong đơn khiếu nại, bà Thảo cho biết, bà là con của cụ Phạm Văn Hổ ( SN 1912, đã mất) và kế mẫu là bà Phạm Thị Trà (SN 1914, đã mất). Ngoài bà Thảo, cụ Hổ cũng còn có 9 người con khác gồm: Chấn, Liên, Cường, Thịnh, Vinh, Hiển, Hậu, Định, Hùng. Trước khi mất, cụ Hổ và kế mẫu Phạm Thị Trà đã để lại toàn bộ tài sản gồm nhà, đất tại thửa 134 từ bản đồ số 14, xóm 3, thôn Bát Tràng và chia thành 2 thửa gồm 134 (1) và 134 (2).
Đơn khiếu nại của bà Phạm Bích Thảo gửi Báo Tài nguyên và Môi trường. |
Cụ thể, thửa 134(1), tờ bản đồ số 14 có diện tích 133 m2 tại địa chỉ xóm 3, thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng, Gia Lâm, TP. Hà Nội là đất ở nông thôn, sử dụng lâu dài và đã được UBND huyện Gia Lâm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) số AD 856102; cấp ngày 02/12/2005 mang tên Phạm Văn Hổ và Phạm Thị Trà (thửa đất này gia đình cụ Hổ được UBND xã Bát Tràng cấp bán, có thu tiền năm 1992).
Còn thửa 134(2), tờ bản đồ số 14 có diện tích 176 m2 (trước là 180 m2) cũng tại địa chỉ xóm 3, thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng, Gia Lâm, TP. Hà Nội. Theo bản đồ năm 1986, 1993-1994 và sổ mục đính kèm đều mang tên Phạm Văn Hổ và Phạm Thị Trà (đây là thửa đất được Nhà nước đền bù cho gia đình khi đào sông Bắc Hưng Hải năm 1958).
Tuy nhiên, vào năm 2016, các ông Phạm Vĩnh Phúc, Phạm Hà Bắc, Phạm Vĩnh Hưng là các em con chú, con cô ruột đã có đơn đề nghị tranh chấp các thửa đất trên với UBND xã Bát Tràng với lý do các thửa đất là của ông bà nội để lại (cụ Phạm Thanh Vân và vợ là cụ Trần Thị Sâm - người đẻ ra con trưởng là ông Hổ và con thứ là bố mẹ của các ông Phúc, Bắc, Hưng) nên cũng có quyền thừa kế.
Khu đất xảy ra tranh chấp ở thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng, Gia Lâm, TP. Hà Nội. |
"Không hiểu lý do vì sao các ông Phúc, Bắc, Vinh lại kiện tôi tranh chấp đất với họ trong khi các thửa đất trên đều mang tên của bố tôi là ông Hổ. Thửa đất 133 m2 được bố tôi bỏ tiền ra với UBND xã Bát Tràng có thu tiền, còn thửa 176 m2 là bố tôi được đền bù khi đào sông Bắc Hưng Hải, do bà nội Sâm không có hộ khẩu ở Bát Tràng nên không được cấp tái định cư mà chỉ đền bù bằng tiền", bà Thảo cho biết.
"Vào năm 1992, khi bố tôi bệnh nặng thì lại bị các chú, cô là bố mẹ của các ông Phúc, Bắc, Hưng bất ngờ đòi chia thửa đất 176 m2 vì cho rằng là của cụ Sâm. Sau đó, bố tôi đã để lại di chúc nói thửa đất 180 m2 là của cụ Sâm nhưng cũng không được công nhân vì cụ Sâm đã mất năm 1977. Trong khi đó, hồ sơ địa chính các thửa đất được lưu giữ đều mang tên là của bố tôi là ông Hổ và mẹ kế mẫu là bà Trà", bà Thảo chia sẻ.
Cũng theo bà Thảo, mãi đến sau này, sau nhiều lần hòa giải, phía bà Thảo cũng đã chấp thuận với các ông Phúc, Bắc, Hưng chia đều thừa đất 176 m2 ra làm bốn phần theo ý nguyện của cụ Hổ trước khi mất. "Đến nay, bất ngờ họ lại đòi chia đều cả 4 người tổng thửa đất số 134 ( cả 2 thửa 133 m2 với 176 m2) với diện tích hơn 300 m2 dù thửa 133 m2 là của chính bố tôi bỏ tiền ra mua, có đóng thuế đất hàng năm. Hơn nữa, thửa đất đó cũng đã được cấp sổ đỏ đứng trên mẹ tôi và sau đó sang tên cho tôi", bà Thảo bức xúc.
Chủ tịch xã ký văn bản khó hiểu
Theo khiếu nại của bà Thảo, trong các lần giải quyết tranh chấp, UBND xã Bát Tràng mà cụ thể là Chủ tịch xã Nguyễn Văn May đã ra nhiều văn bản thông báo về việc xác định nguồn gốc thửa đất 134, tờ bản đồ 14 thuộc thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội. Đáng chú ý, các văn bản thông báo do ông May ký lại "tiền hậu bất nhất".
Văn bản số 444/TB-UBND ngày 22/12/2015 do ông Nguyễn Văn May ký thừa nhận thửa đất 134 là của ông Phạm Văn Hổ (bố bà Phạm Bích Thảo). |
Cụ thể, về nguồn gốc sử dụng đất tại Văn bản số 444/TB-UBND ngày 22/12/2015 do ông Nguyễn Văn May ký đã công nhận thửa đất số 134, tờ bản đồ số 14 là đất thổ cư cũ của gia đình ông Phạm Văn Hổ được cấp đền bù do đào sông Bắc Hưng Hải có diện tích khoảng 180 m2. Về hồ sơ địa chính, theo bản đồ do vẽ năm 1986 và sổ mục kèm theo thì thửa đất được thể hiện tại thửa số 472, tờ bản đồ số 02, diện tích 331 m2, sổ lập kèm theo đăng ký tên chủ sử dụng là ông Phạm Văn Hổ. Trong khi đó, theo bản đồ đo vẽ năm 1993-1994 và sổ dã ngoại kèm theo thì thửa đất được thể hiện tại thửa số 134, tờ bản đồ số 14, diện tích 303 m2, sổ lập kèm theo cũng mang tên ông Hổ ( tức bố bà Thảo).
Văn bản do ông May ký cũng nêu, ngày 03/7/2015, UBND xã Bát Tràng đã tiến hành kiểm tra hiện trạng sử dụng đất của gia đình bà Thảo. Kết quả kiểm tra cho thấy, mốc giới sử dụng ổn định, rõ ràng, không tranh chấp. Đồng thời văn bản cũng chỉ rõ hiện trạng thửa đất tách làm 2 thửa, trong đó thửa 134 (1) đã tách do có nguồn gốc xã cấp bán cho ông Hổ từ năm 1992 (có phiếu thu tiền) và cũng đã được huyện Gia Lâm cấp Giấy chứng nhận quyền sử đất mang tên Phạm Thị Trà và Phạm Văn Hổ. Trong khi đó, thửa đất 134 (2) diện tích 176 m2 hiện trạng bà Phạm Bích Thảo đang quản lý, sử dụng và đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Mặc dù tại Văn bản số 444/TB-UBND ông May với tư cách là Chủ tịch xã đã thừa nhận thửa đất số 134, tờ bản đồ số 14 là của gia đình ông Phạm Văn Hổ nhưng sau đó chưa đến 1 năm, tức ngày 15/10/2016, cũng chính ông May đã ra ký Văn bản số 468/UBND-ĐCXD khẳng định thừa đất trên không là của ông Hổ mà đó là của cụ Trần Thị Sâm (mẹ ông Hổ) do được Nhà nước đền bù đào sông Bắc Hưng Hải.
Văn bản số 468/UBND-ĐCXD phủ nhận thửa đất của ông Phạm Văn Hổ. |
Không những vậy, tại Văn bản số 524/UBND.TB, Chủ tịch xã Bát Tràng không những phủ nhận thửa đất số 134, tờ bản đồ số 14 là của gia đình ông Phạm Văn Hổ mà còn đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bà Phạm Bích Thảo vào năm 2015 có tính pháp lý hay không?. Đáng chú ý, thông báo của UBND xã Bát Tràng được đưa ra lại không căn cứ vào biên bản xác minh hay hồ sơ địa chính nào mà căn cứ theo đơn đề nghị của ông Phúc, Bắc, Hưng.
Theo bà Thảo, chính vì các văn bản không thống nhất với nhau của ông May khiến các ông Phúc, Bắc, Hưng làm đơn gửi lên Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm đề nghị vụ án tranh chấp đất đai, trong khi bà Thảo cho rằng mình không hề tranh chấp với ai cả.
Vấn đề được đặt ra là vì sao chỉ sau hơn 1 năm, Chủ tịch xã Bát Tràng Nguyễn Văn May lại bất ngờ thay đổi quan điểm như vậy. Để tìm hiểu rõ sự việc, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã liên hệ trao đổi với vị lãnh đạo xã Bát Tràng.
Trao đổi qua điện thoại, ông May thừa nhận đã ký các văn bản trước một kiểu nhưng sau kiểu khác. Khi PV đặt câu hỏi vì sao tại Văn bản 444/TB-UBND, xã đã thừa nhận thửa đất số 134, tờ bản đồ số 14 là của ông Phạm Văn Hổ nhưng tại các Văn bản 468/UBND-ĐCXD và 524/UBND.TB lại phủ nhận, ông May cho biết: "Sau khi thu thập hồ sơ thêm, hỏi nhân chứng và có chứng cứ xác thực nên chúng tôi mới có các văn bản như vậy.?".
Tuy nhiên, khi PV đặt vấn đề vì sao trước khi ra văn bản thông báo đầu tiên phía xã không thu thập kỹ hồ sơ, ghi nhận nhân chứng để tránh kéo dài việc tranh chấp thì vị Chủ tịch xã không trả lời.
Trong cuộc trao đổi trước đó liên quan đến việc tranh chấp đai của bà Thảo, ông May cũng cho biết, về thẩm quyền, cấp xã không được giải quyết, mà xã chỉ thực hiện công tác hòa giải. "Địa phương đã nhiều lần tổ chức phương án hòa giải vì đây là tranh chấp trong nội tộc. Hiện nay cả 2 bên cũng đã gửi đơn lên đến Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm để Tòa thụ lý giải quyết", ông May nói.
Đáng chú ý, khi PV đề nghị được gặp trực tiếp để xin thông tin, tiếp cận hồ sơ và các văn bản của xã liên quan đến vụ việc thì ông May đã từ chối và cho biết: "Tất cả các hồ sơ lưu trữ liên quan chúng tôi đã gửi lên Tòa, muốn xác minh thì liên hệ với Tòa để trao đổi".
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin!
Doãn Hưng - Văn Huy