Gia Lâm - Hà Nội: Ai chống lưng cho vi phạm của Công ty Cổ phần Trọng Phụng?

Huy An| 01/06/2022 17:32

(TN&MT) - Dự án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi kết hợp với kinh doanh dịch vụ và du lịch sinh thái khu đất Vậu - Bờ đầm sông Long Bồng, xã Đông Dư, huyện Gia Lâm” chưa có Quyết định giao đất của cơ quan có thẩm quyền, nhưng Công ty Cổ phần Trọng Phụng vẫn ung dung hoạt động trái phép hơn 10 năm. Điều này khiến dư luận hoài nghi đặt câu hỏi ai là người đứng ra chống lưng cho vi phạm của Công ty?

a55.jpg

Ai chống lưng cho vi phạm của Công ty Cổ phần Trọng Phụng tại Dự án sinh thái nông nghiệp thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội

Hàng loạt vi phạm bị phanh phui

Trước đó, thông tin đến Báo Tài nguyên và Môi trường liên quan đến  vi phạm của Công ty Cổ phần Trọng Phụng - đơn vị Chủ đầu tư Dự án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi kết hợp với kinh doanh dịch vụ và du lịch sinh thái khu đất Vậu - Bờ đầm sông Long Bồng - thôn Thượng - xã Đông Dư - huyện Gia Lâm”, Cục Thuế thành phố Hà Nội nhấn mạnh: “Hiện nay, Công ty cổ phần Trọng Phụng chưa được cơ quan có thẩm quyền ban hành Quyết định giao đất, cho thuê đất. Vì vậy cơ quan thuế chưa có cơ sở để thông báo thu tiền sử dụng đất và quản lý các khoản nghĩa vụ tài chính về đất đối với Công ty Cổ phần Trọng Phụng”.

Tại buổi làm việc với phóng viên ngày 10/5/2022, bà Lê Tuyết Mai - Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường Gia Lâm cung cấp thêm các giấy tờ, văn bản minh chứng rõ nét nhiều sai phạm của Công ty Trọng Phụng. Cụ thể, tại Quyết định số 2929/QĐ-XPVPHC, ngày 2/6/2021 cho biết: Công ty Trong Phụng đã thực hiện hành vi chuyển đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Công ty đã triển khai đầu tư xây dựng các công trình trái phép trên diện tích 20.072 m2 đất nông nghiệp trên nền đất Dự án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi kết hợp với kinh doanh dịch vụ và du lịch sinh thái khu đất Vậu - Bờ đầm sông Long Bồng - thôn Thượng - xã Đông Dư - huyện Gia Lâm”. 

Trong đó, đơn vị này đã xây dựng nhà xưởng 924.0m2 với khung sắt cao 8,6m, quây tôn, mái lợp tôn, hiện trạng đang sản xuất ống gió; xây dựng nhà kho diện tích 697.0m2 bằng khung sắt cao 10,5m, hiện trạng đang sản xuất kính; xây dựng nhà xưởng 450.0m2 cao 6,8m, làm kho để vật liệu kính.

Ngoài ra, Công ty Trọng Phụng còn ngang nhiên xây dựng trạm trộn Asphalt 150.0m2, cao 10,5m, đổ bê tông chân đế; xây dựng trạm trộn bê tông tươi 176.0m2, cao 15.0m, toàn bộ hạng mục các công trình đều được thi công ngay trên phần đất của Dự án sinh thái nông nghiệp thôn Thượng, xã Đông Dư… tính chung tổng diện vi phạm theo thống kê của UBND huyện Gia Lâm là 2.876.2m2.

a58.jpg

Vì sao Công ty Trọng Phụng với nhiều vi phạm về đất đai, môi trường, trật tự xây dựng vẫn có thể  qua mặt lực lượng chức năng sở tại?

Dư luận chờ đợi UBND TP. Hà Nội vào cuộc

Tại Quyết định số 2929/QĐ-XPVPHC cho thấy, Công ty Trọng Phụng tồn tại rất nhiều vi phạm. Bên cạnh việc sản xuất bê tông không phép, đơn vị này còn sản xuất các loại vật liệu xây dựng, đồ dùng khác như: vật liệu kính, ống gió… khi chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép, cũng như tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đất nông nghiệp sang xây dựng nhà xưởng sản xuất công nghiệp.

Cũng theo bà Lê Tuyết Mai cho biết: Đến nay, Công ty cổ phần Trọng Phụng chưa chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc các đề án bảo vệ môi trường cho các hoạt động của Công ty tại khu đất kể trên.

Để xử lý vi phạm này, ngày 4/6/2018, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành văn bản số 1224/UBND-TNMT yêu cầu Công ty Cổ phần Trọng Phụng dừng hoạt động trạm trộn bê tông, yêu cầu UBND xã Đông Dư giám sát việc dừng hoạt động của Công ty Trọng Phụng. Tuy nhiên, đơn vị này không chấp hành.

Đến đây, câu hỏi đặt ra vì sao Công ty Cổ phần Trọng Phụng với hàng loạt vi phạm về đất đai, môi trường, trật tự xây dựng vẫn có thể dễ dàng qua mặt lực lượng chức năng sở tại, ngang nhiên hoạt động trái phép bất chấp các quy định pháp luật? Đặc biệt, theo phản ảnh của bà Lê Tuyết Mai hơn 10 năm qua gần như năm nào UBND huyện Gia Lâm cũng đều đi kiểm tra việc chấp hành luật đất đai, môi trường của các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó có Công ty  Trọng Phụng. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì các nhà xưởng, 2 trạm trộn bê tông trái phép của Công ty này vẫn không bị tháo dỡ, hoạt động “lén lút” xả thải bức tử môi trường, khiến dư luận bức xúc.

Trước các sai phạm của công ty Cổ phần Trọng Phụng diễn ra nhiều năm nhưng không được xử lý dứt điểm, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương là Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm ở đâu trong  vấn đề này? Ai là người đứng phía sau chống lưng cho các hoạt động của Công ty Trọng Phụng? Đây là những câu hỏi rất cần được làm rõ từ phía các cơ quan chức năng của UBND TP. Hà Nội.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lâm - Hà Nội: Ai chống lưng cho vi phạm của Công ty Cổ phần Trọng Phụng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO