Gia Lâm (Hà Nội): Ai chống lưng cho ông chủ xưởng giặt là gây ô nhiễm?

30/06/2015 00:00

(TN&MT) - Ngay gần trụ sở UBND xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội tồn tại một xưởng giặt là ngang nhiên hoạt động trái phép từ nhiều năm nay và gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Người dân bức xúc nên đã đồng loạt gửi đơn lên UBND huyện Gia Lâm yêu cầu phải xử lý triệt để. Thực tế ra sao?

Kinh doanh cái gì  vi phạm cái đó

Khu hồ Thái Ninh nằm ven sông Hồng tại xã Kim Lan có diện tích khoảng gần 30.000m2, trước đây được UBND xã Kim Lan trồng cây bạch đàn và nuôi trồng thủy sản nhưng hiệu quả kinh tế thấp.

Năm 2006, UBND xã Kim Lan tổ chức đấu thầu và hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn là hộ trúng thầu phương án tại khu hồ Thái Ninh. Tuy nhiên, không hiểu vì sao đến nay UBND xã Kim Lan không còn lưu trữ được bất kỳ tài liệu nào liên quan đến việc mở thầu cũng như trúng thầu của hộ gia đình ông Tuấn nữa.

Mặc dù vậy, ngày 30/3/2012, UBND huyện Gia Lâm vẫn ban hành Quyết định số 853/ QĐ-UBND cho phép ông Tuấn “Cải tạo nâng cao hiệu quả sử dụng đất khu hồ Thái Ninh” với hạng mục bổ sung: Xây dựng điểm giết mổ, chế biến gia súc tập trung quy mô vừa và nhỏ.

Theo phương án được phê duyệt thì ông Tuấn chỉ được phép cải tạo lòng hồ, xây dựng các khu chăn nuôi, giết mổ, chế biến gia súc và đào ao thả cá.

Nhưng trên thực tế thì gia đình ông Tuấn đã cắt một phần diện tích đất sử dụng vào mục đích khác. Cụ thể, ông Tuấn tự ý cắt 896,5m2 đất có trong phương án được phê duyệt sử dụng vào mục đích làm xưởng giặt là từ tháng 6/2013. Đáng lưu ý là ông Tuấn không có giấy phép kinh doanh ngành nghề giặt là.

Các thùng hóa chất bày la liệt bên ngoài xưởng giặt là
Các thùng hóa chất bày la liệt bên ngoài xưởng giặt là

Kể từ khi xưởng giặt là đi vào hoạt động, cuộc sống của người dân xung quanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi mùi hóa chất tẩy rửa, làm mềm vải của khu xưởng này. Chính vì vậy, ngày 12/6/2014, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm đã đi kiểm tra việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường của xưởng giặt là.

Ngày 17/6/2014, UBND huyện Gia Lâm ban hành Quyết định số 1491/QĐ-UBND về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Theo đó, đình chỉ hoạt động sản xuất của ông Tuấn 06 tháng, yêu cầu phải khắc phục các vi phạm.

Gần một năm sau, UBND huyện Gia Lâm tiếp tục ban hành Quyết định số 1480/ QĐ-XPVPHC, ngày 06/4/2015 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường với khu giết mổ gia súc. Quyết định này yêu cầu đình chỉ hoạt động kinh doanh giết mổ gia súc của ông Tuấn 6 tháng với lí do “không có bản cam kết bảo vệ môi trường”.

Không dừng lại ở đó, ngày 17/4/2015, ông Dương Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm ban hành Văn bản số 432/UBND-TN&MT về việc giải quyết đơn kiến nghị của công dân thôn 1, xã Kim Lan. Yêu cầu ông Tuấn phải có biện pháp xử lý nước thải của khu giết mổ trước ngày 30/6/2015, đồng thời chấm dứt ngay hoạt động giặt là và di chuyển máy móc thiết bị ra khỏi khu vực thực hiện phương án; sử dụng đất đúng mục đích.

Văn bản cũng yêu cầu ông Tuấn phải có biện pháp quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại và xử lý nước thải, khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải, xử lý bùn thải tại các bể chứa nước thải của xưởng giặt là trước ngày 30/6/2015.

Chây ỳ, ngang nhiên  sai phạm

Trên giấy tờ là như vậy, nhưng thực tế xưởng giặt là của ông Tuấn vẫn hoạt động bình thường. Đáng chú ý là ngoài xưởng giặt là 896,5m2 tại khu hồ Thái Ninh thì còn một xưởng giặt là nữa nằm tại thôn 2, xã Kim Lan mà theo tìm hiểu của phóng viên thì ông chủ của cơ sở này cũng đứng tên ông Tuấn.

Tại buổi làm việc với phóng viên, ông chủ xưởng giặt là thôn 2 tự khai cũng tên là Nguyễn Văn Tuấn, người Nam Định, thuê đất của hộ nhà ông Lanh ở thôn 2 để mở rộng sản xuất bởi xưởng giặt là ở thôn 1 không đáp ứng được nhu cầu.

Có mặt tại xưởng giặt là thôn 2, đập vào mắt phóng viên là gần chục thiết bị giặt, hấp, lò sấy công nghiệp hoạt động cả ngày lẫn đêm. Đáng chú ý, toàn bộ nước thải của xưởng giặt là này chảy thẳng ra sông Hồng không qua xử lý như thừa nhận của ông chủ xưởng. Chính điều đó đã gây ra hậu quả mà theo như phản ánh của người dân xung quanh cũng như dân làng chài Vạn Đức cách đó không xa thì đã làm chết hầu hết số cá nuôi trong gần 100 bè cá trên sông Hồng của bà con vạn chài, đẩy họ vào cảnh khốn cùng không tìm ra lối thoát.

Liên quan tới việc này, ngày 13/4/2015, phòng Cảnh sát môi trường Công an Hà Nội (PC49) đã lập biên bản ghi nhận hiện trường của xưởng giặt là nhưng là tại thôn 1 chứ không phải thôn 2. Theo biên bản thì chỉ riêng xưởng giặt là thôn 1 đã có công suất 2000 sản phẩm/ngày bao gồm 8 máy giặt, 1 máy sấy và 1 lò hơi. Hàng chục kilogam hóa chất được sử dụng trong một ngày chỉ phải trải qua một quy trình đơn giản là cho chảy qua 3 bể chứa rồi xả thẳng ra sông Hồng, không hề có bất kỳ biện pháp xử lý nào khác.

Ông Trương Mạnh Truyền, Chủ tịch xã Kim Lan cho biết: Chúng tôi và người dân nơi đây đã kiến nghị với các cấp nhiều lần về việc này nhưng không có kết quả. Bây giờ mong mỏi của bà con là mấy xưởng giặt là phải dừng hoạt động và chuyển đi bởi quá ô nhiễm môi trường.

Tại buổi kiểm tra gần nhất, phóng viên vẫn thấy các xưởng giặt là đang hoạt động bình thường như không hề biết tới yêu cầu của các cơ quan chức năng. Phải chăng đằng sau ông chủ xưởng giặt là có ai đó chống lưng? Câu trả lời xin dành cho UBND huyện Gia Lâm và các cơ quan ban ngành thành phố Hà Nội.

Mạnh Hưng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lâm (Hà Nội): Ai chống lưng cho ông chủ xưởng giặt là gây ô nhiễm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO