Gia Lai: Vận động thu hồi đất rừng bị lấn chiếm, trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc

17/08/2018 16:53

(TN&MT) - Những tháng mùa mưa 2018, các địa phương của tỉnh Gia Lai đang tích cực triển khai kế hoạch trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tăng tỉ lệ che phủ rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và thu hẹp diện tích đất rừng bị lấn chiếm để làm nương rẫy.

pha
Nhiều diện tích đất rừng bị người dân khai phá để mở rộng đất sản xuất, nhưng công tác thu hồi diện tích đất này gặp rất nhiều khó khăn

Năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho tỉnh Gia Lai phải trồng mới 1.193 ha rừng tập trung, gồm rừng phòng hộ, rừng sản xuất và rừng thay thế và 1,0 triệu cây phân tán. Tuy nhiên, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo ngành chức năng tiến hành trồng 7.000 ha rừng.

Mặc dù, gặp khó khăn về nguồn vốn hỗ trợ trồng rừng sản xuất chưa được Trung ương phân bổ, nhưng công tác trồng rừng trên địa bàn tỉnh đã đạt hiệu quả cao. Toàn tỉnh đã hoàn thành trồng 6.718 ha, đạt 96% so với kế hoạch đề ra. Công tác trồng, chăm sóc đúng yêu cầu kỹ thuật, tỷ lệ cây sống, phát triển tốt chiếm 91,7%.

Tiếp nối kết quả trồng rừng của năm 2017, năm 2018, tỉnh Gia Lai tiếp tục triển khai trồng 7.000 ha rừng. UBND tỉnh Gia Lai đã chủ động sử dụng ngân sách địa phương tạm ứng 15,156 tỉ đồng để hỗ trợ chăm sóc rừng năm 2017 và trồng mới năm 2018. 

Thực hiện kế hoạch, các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị chủ rừng đã tiến hành phát dọn thực bì, đào hố, mua cây giống. Đến hiện tại toàn tỉnh đã trồng được 1.394 ha. Trong đó, nhiều địa phương đã trồng trên 50% so với kế hoạch được giao như UBND huyện Chư Prông, UBND huyện Mang Yang…

Bên cạnh thành tích trồng rừng khá tốt thì diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trên địa bàn tỉnh Gia Lai khá lớn, công tác tổ chức thu hồi diện tích đất bị lấn chiếm cũng gặp rất nhiều khó khăn. 17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Gia Lai đã thành lập ban chỉ đạo, xây dựng quy chế hoạt động và kế hoạch thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm trên địa bàn của mỗi địa phương.

Qua 354 đợt vận động, tuyên truyền, họp dân, các hộ dân đã tự nguyện kê khai có 20.604,19 ha đất rừng bị lấn chiếm. Tiêu biểu như huyện Ia Grai là hơn 4.000 ha, huyện Đức Cơ là hơn 8.000 ha. Hiện có rất nhiệu diện tích người dân xen canh sản xuất nông nghiệp nên rất khó khăn trong việc thu hồi cũng như kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư trồng rừng sản xuất.

Công tác vận động, tuyên truyền đối với diện tích đất rừng bị lấn chiếm, làm rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương chưa đồng bộ thuyết phục, chưa tạo nhận thức cho người dân thay đổi cơ cấu loài cây trồng nông nghiệp trên đất đã bạc màu để trồng rừng sản xuất tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Ông Nguyễn Hồng Lâm - Trưởng phòng Quản lý sử dụng rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai nhận định: Nhận thức của người đồng bào dân tôc thiểu số còn nhiều hạn chế, một bộ phận cố tình chống đối, không hợp tác gây khó khăn cho cơ quan tuyên truyền. Thực tế, hiệu quả kinh tế của việc trồng rừng chưa cao nên chưa kích thích các doanh nghiệp, người dân tích cực tham gia trồng rừng.

“Dù vậy, công tác vận động người dân giao nộp diện tích đất rừng bị lấn chiếm cũng vẫn phải được tiến hành thường xuyên, song song với việc tuyên truyền về lợi ích của rừng để người dân có nhận thức hơn trong công tác bảo vệ, trồng rừng và gắn bó với rừng. Đồng thời phải quan tâm, chủ động quy hoạch, bố trí đất sản xuất cho những hộ lấn chiếm đất rừng vì không có đất sản xuất. Cùng với đó, siết chặt công tác quản lý, nghiêm cấm và ngăn chặn triệt để tình trạng lấn chiếm đất rừng”, ông Lâm nhấn mạnh.

Theo kế hoạch, đến năm 2019, tỉnh Gia Lai sẽ thu hồi trên 30.000 ha rừng bị lấn chiếm hoặc sử dụng sai mục đích để giao đất cho người dân trồng rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh và giúp người dân được hưởng lợi, phát triển kinh tế từ nghề rừng. Muốn đạt được điều này, các cấp chính quyền của tỉnh phải thực sự quyết liệt trong việc thực hiện và cũng phải nhận được sự đồng thuận từ người dân thì mới mong có hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai: Vận động thu hồi đất rừng bị lấn chiếm, trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO