Đã xử phạt nhiều vụ vi phạm
Vài năm trở lại đây, cùng với việc suy giảm diện tích rừng, lợi dụng quy định thông thoáng trong việc nuôi nhốt ĐVHD, các vụ vi phạm về mua bán, nuôi nhốt, quảng cáo ĐVHD trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã được ngành chức năng phát hiện và xử phạt. Theo thống kê, từ năm 2020 đến nay, lực lượng Kiểm lâm các địa phương và Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh Gia Lai) phát hiện, bắt giữ và xử lý theo quy định: 6 vụ tàng trữ, mua bán ĐVHD trái phép và 2 vụ quảng cáo ĐVHD trên mạng xã hội; tịch thu 55 cá thể động vật rừng quý hiếm và 371 kg động vật rừng, xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền 81 triệu đồng.
Thực hiện Công ước CITES về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý ĐVHD, tỉnh Gia Lai đã phân công nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành liên quan để cùng phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ ĐVHD.
“Năm 2022, Sở NN&PTNT đã giao Chi cục Kiểm lâm xây dựng Kế hoạch tuyên truyền về bảo vệ động vật rừng, bảo tồn thiên nhiên, hướng dẫn nhận biết một số loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, loài ưu tiên bảo vệ hiện có trên địa bàn tỉnh để cho người dân biết, thực hiện. Các đơn vị đã triển khai thực hiện bằng hình thức sử dụng máy chiếu trên màn hình về hình ảnh của các loài ĐVHD tại 4 huyện, 6 xã với trên 500 người dân tham gia buổi tuyên tuyền”.
Ông Nguyễn Văn Hoan
Theo ông Nguyễn Văn Hoan - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động kinh doanh, vận chuyển, nhập khẩu các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD trái phép trên địa bàn, các đơn vị thuộc Sở đã triển khai tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật rừng trong mọi tầng lớp nhân dân, các xã, phường, thị trấn và các đơn vị chủ rừng.
“Chi cục Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng đã tổ chức ký “Cam kết không săn bắn, bẫy bắt, mua bán, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm ĐVHD trái với quy định của pháp luật” cho cộng đồng dân cư sống gần rừng, liền rừng; quán triệt cán bộ, công chức, viên chức thực hiện ba không: không tiếp tay che giấu các đối tượng có hành vi xâm hại, hoạt động nuôi, kinh doanh trái phép ĐVHD; không hợp thức hóa ĐVHD không có nguồn gốc hợp pháp; không sử dụng, tặng hay nhận quà là các sản phẩm từ ĐVHD không có nguồn gốc hợp pháp”, ông Hoan cho hay.
Còn nhiều khó khăn
Theo Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Gia Lai, trong quá trình thực hiện pháp luật về bảo vệ ĐVHD, ngành chức năng tỉnh Gia Lai phải mất nhiều thời gian, tổ chức trinh sát mới bắt được đối tượng vi phạm; việc định giá tang vật là động vật rừng cũng như thực hiện việc sơ cứu hộ, chăm sóc, nuôi dưỡng cho các cá thể động vật rừng còn sống trong thời gian tạm giữ, hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo quy định gặp nhiều khó khăn.
Ông Ngô Đức Thành - Phó phòng Cảnh sát Môi trường tỉnh Gia Lai cho biết, công tác quản lý ĐVHD ở cơ sở còn nhiều sơ hở để các đối tượng lợi dụng mua bán, sử dụng trái phép động vật rừng; sở thích sử dụng ĐVHD làm thức ăn, thuốc bảo vệ sức khỏe, đồ trang sức còn phổ biến; việc mua bán ĐVHD thu lợi nhuận cao cũng là nhân tố thúc đẩy các đối tượng bất chấp pháp luật, cố tình thực hiện hành vi vi phạm.
“Để làm tốt hơn công tác phòng chống buôn bán ĐVHD tại Gia Lai trong thời gian tới thì phải đẩy mạnh quan hệ phối hợp giữa các ngành, các lực lượng chức năng, nhất là giữa Cảnh sát Môi trường và lực lượng Hải quan, Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường và các chủ rừng; tạo sự đồng bộ, hiệu quả nhất trong triển khai các biện pháp bảo vệ ĐVHD; cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, tạo phong trào sâu rộng về bảo vệ ĐVHD trong các tầng lớp nhân dân”, ông Thành nhận định.
Chính quyền tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm huyện, thị xã, Đoàn liên ngành của tỉnh, Ban quản lý rừng tăng cường kiểm tra, tuần tra, truy quét, tập trung tại các đường mòn, lối mở, khu vực biên giới để ngăn chặn, triệt phá các đường dây khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giữ, xuất nhập khẩu, quảng cáo, tiêu thụ trái phép các loài ĐVHD và sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD trái pháp luật.
Bên cạnh đó, các Vườn Quốc gia và Khu Bảo tồn thiên nhiên đã xây dựng thực hiện Kế hoạch hành động khẩn cấp để bảo tồn các loài linh trưởng hiện có phân bổ trong vùng quản lý; lồng ghép các hoạt động bảo tồn với các hoạt động quản lý, bảo vệ chung của đơn vị; lập kế hoạch tổ chức, thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo tồn linh trưởng nguy cấp, quý, hiếm, loài đặc hữu, loài ưu tiên bảo vệ trên diện tích rừng quản lý.