Đôn đốc các cơ sở xử lý ô nhiễm
Theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ và các Quyết định của tỉnh Gia Lai, Gia Lai có 29 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gồm: 12 cơ sở y tế và 17 bãi rác. Hiện đã có 8 cơ sở y tế và 5 bãi rác được thông báo hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Theo Sở TN&MT tỉnh Gia Lai, đối với các cơ sở còn lại, 4 cơ sở y tế đã xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa lập thủ tục đề nghị chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm; 4 bãi rác đã đầy và sẽ đóng cửa trong năm 2022; 3 bãi rác đã đóng cửa một phần; 4 bãi rác đang đề xuất kinh phí để xử lý rác thải hợp vệ sinh.
Bà Lương Thị Tuyết Vinh - Chi cục trưởng Chi cục BVMT tỉnh Gia Lai cho biết: Các bãi rác đang hoạt động đều nằm trong danh mục cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các bãi rác đều lộ thiên, chưa lót đáy chống thấm, chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác, chưa được đầu tư, xử lý đúng quy trình, đã và đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Song, phần lớn các địa phương đều gặp khó khăn về nguồn kinh phí đầu tư và nguồn kinh phí lập dự án chi tiết để trình các sở, ngành liên quan thẩm định, trình UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt dự án, làm cơ sở trình bộ, ngành trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí xử lý.
Cũng theo bà Vinh, hiện tại, Sở TN&MT tỉnh Gia Lai đã có văn bản hướng dẫn, đốc thúc các cơ sở ô nhiễm môi trường sớm đầu tư hệ thống xử lý chất thải đạt yêu cầu; làm hồ sơ, thủ tục đề nghị chứng nhận đã hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Riêng đối với bãi rác TP. Pleiku, UBND TP. Pleiku đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý để triển khai dự án nhà máy xử lý rác. Dự kiến đến năm 2023, sẽ khởi công, đưa vào vận hành nhà máy và đóng cửa bãi chôn lấp rác hiện nay.
Xã hội hóa thu gom, xử lý rác thải
Tỉnh Gia Lai hiện có 17 huyện, thị xã và thành phố, đều có công ty/ban quản lý/đội công trình đô thị chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển chất thải rắn phát sinh trên địa bàn. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị đạt 95%. Tại khu vực nông thôn, các xã đã tự thành lập tổ/đội/hợp tác xã thu gom rác thải. Riêng đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mật độ dân cư thấp, các hộ dân tự thu gom, chôn lấp hoặc đốt trong khu vực vườn nhà.
Với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, hầu hết các xã đã quy hoạch điểm thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt. Đồng thời, các địa phương còn phát động phong trào: “Ngày Chủ nhật xanh”, “Ngày thứ Bảy không rác”, quét dọn đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh tại gia đình, trồng cây xanh hàng rào, đào hố rác tại vườn nơi có đất. Đến nay, toàn tỉnh Gia Lai đã có 91/182 xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Bà Lương Thị Tuyết Vinh - Chi cục trưởng Chi cục BVMT tỉnh Gia Lai thông tin: Sở TN&MT tỉnh Gia Lai đã đề nghị UBND các xã cần quan tâm và duy trì thường xuyên hơn nữa công tác vận động, tuyên truyền người dân trong việc giữ gìn vệ sinh công cộng; hướng dẫn người dân thu gom, xử lý bao thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng; khuyến khích xã hội hóa thành lập các đội, các tổ thu gom rác thải; tăng cường kiểm tra, giám sát, giảm thiểu các hoạt động gây ô nhiễm môi trường.
Trong thời gian tới, để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về BVMT trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Sở TN&MT tỉnh Gia Lai sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, trách nhiệm BVMT cho người dân địa phương; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, kiểm soát các nguồn ô nhiễm; bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học; đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động BVMT.
“Sở TN&MT tỉnh Gia Lai đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Hội Phụ nữ tập huấn, hướng dẫn thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới với tổng số hơn 100 lượt người tham gia. Năm 2022, Sở TN&MT tiếp tục phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Gia Lai tập huấn công tác bảo vệ môi trường nông thôn tại 7 huyện, thị xã thành phố với tổng số hơn 700 lượt người tham gia”.
Bà Lương Thị Tuyết Vinh - Chi cục trưởng Chi cục BVMT tỉnh Gia Lai
“Sở TN&MT tỉnh Gia Lai cũng sẽ nâng cao chất lượng công tác thẩm định và phê duyệt báo cáo Đánh giá tác động môi trường; đầu tư kinh phí cho sự nghiệp BVMT, ưu tiên đầu tư xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; nâng cao công tác quản lý quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội gắn với BVMT và phát triển bền vững. Đồng thời, Sở TN&MT tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn quản lý môi trường, Cảnh sát Môi trường trong công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về BVMT”, bà Vinh cho hay.