Ngành TN&MT

Gia Lai: Nâng cao đời sống nhờ chuyển đổi cây trồng thích ứng với biển đổi khí hậu 

Phạm Hoài 02/08/2023 - 20:32

(TN&MT), Gia Lai là một trong năm tỉnh Tây Nguyên lợi thế có diện tích tự nhiên lớn thứ 2 cả nước với hơn 1,5 triệu ha rất thích hợp các loại cây trồng như cà phê, cao su, hồ tiêu…Tuy nhiên, trong những năm qua do tác động từ biến đổi khí hậu nên nhiều diện tích bị ngập úng do mưa lớn, một số diện tích khác thiếu nước do hạn hán kéo dài nên năng suất kém.

Do đó, những năm gần đây ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã định hướng cho người dân dần chuyển đổi các loại cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết từng khu vực để giúp người dân có điều kiện tốt nhất phát triển kinh tế.

anh-1-gl.jpg
Người dân chủ động chuyển đổi cây trồng bằng cách trồng xen canh để tăng thu nhập

Đổi mới cách làm

Gia lại cũng là một trong những tỉnh có diện tích các loại cây trồng chủ lực chiếm diện tích khá lớn của cả nước. Điên hình như cây cà phê, toàn tỉnh có hơn 98 ngàn ha cà phê, vùng nguyên liệu của Công ty chiếm gần 1/4 diện tích. tổng sản lượng cà phê đạt 257.480 tấn; giá trị sản xuất đạt trên 7.186,59 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010), chiếm 26,61% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt của tỉnh. Những năm qua, sản xuất cà phê đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động trực tiếp và gián tiếp, trong đó có một bộ phận không nhỏ là người dân tộc thiểu số tại chỗ, góp phần nâng cao đời sống người dân; tỷ lệ hộ gia đình khá và giàu từ cây cà phê ngày càng tăng.

Tuy nhiên, cà phê Gia Lai đang phải đối mặt với không ít khó khăn như: biến đổi khí hậu; quy mô sản xuất nhỏ lẻ chiếm khoảng 85% diện tích; chi phí sản xuất cao; kỹ thuật sản xuất, thu hái, sơ chế, bảo quản còn hạn chế; liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp chưa tốt; hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển sản xuất; năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và ứng phó với thiên tai còn hạn chế...

Do đó, thời gian tới phải thay đổi cách canh tác, chăm sóc và quy hoạch vùng trồng phù hợp với thời tiết khi hậu. Ngoài ra, ngành sản xuất cà phê phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, thời gian tới, ngành Nông nghiệp phối hợp cùng các địa phương đẩy mạnh tập huấn quy trình canh tác cà phê theo hướng thực hành nông nghiệp tốt. Sử dụng vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, an toàn và có trách nhiệm thu gom, xử lý bao bì, vỏ chai, đảm bảo môi trường trong vùng nguyên liệu.

Áp dụng các quy trình canh tác bền vững, hướng đến cấp mã số vùng trồng. Bên cạnh đó, tăng cường sử dụng các phế phụ phẩm ủ làm phân bón hữu cơ, phân chuồng và phân vi sinh bổ sung dinh dưỡng cho cây cà phê, chống xói mòn. Hướng dẫn người trồng cà phê tưới đúng, tưới đủ lượng nước theo nhu cầu từng giai đoạn; khuyến khích xây dựng các xưởng sơ chế, chế biến tại các vùng sản xuất cà phê tập trung. Xây dựng hệ thống xử lý nước thải hợp với tiêu chuẩn môi trường và các quy định của pháp luật. Đặc biệt, khâu phơi, sấy thì dùng các nhiên liệu sẵn có và năng lượng mặt trời ở những nơi có điều kiện.

Ngoài ra, đối với các loại cây trồng khác cần nghiên cứu về các giải pháp canh tác tổng hợp cho từng loại cây trồng, trên từng vùng sinh thái theo hướng thích ứng với BĐKH, trước mắt ưu tiên tập trung nghiên cứu canh tác cà phê, hồ tiêu thích ứng với BĐKH. Sử dụng các giống kháng, chịu hạn (cà phê, lúa, ngô...), giống ra hoa nhiều lần (đối với cây điều), bộ giống cây lương thực, thực phẩm ngắn ngày; bố trí thời vụ thích hợp để tránh hạn, lũ.

anh-2-gia-lai.jpg
Người dân phấn khởi vì năng suất cây trồng đảm bảo khi chuyển đổi cơ cấu cây phù hợp thời tiết.

Thích ứng để người dân phát triển kinh tế

Theo đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai, với mục tiêu gia tăng giá trị canh tác, phát triển sản xuất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, giai đoạn 2016 - 2022, tỉnh Gia Lai đã chuyển đổi 41.582 ha cây trồng kém hiệu quả sang phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó ưu tiên dành một phần quỹ đất cho phát triển các dự án chăn nuôi, xây dựng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Cụ thể, hầu hết cây trồng được chuyển đổi khá phù hợp điều kiện đất đai và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, cho năng suất cao, chất lượng tốt, hiệu quả kinh tế cao hơn. Một số mô hình chuyển đổi có giá trị kinh tế cao như sau: Chuyển sang trồng Chanh dây với chi phí đầu tư bình quân cho 1 ha khoảng 160 - 170 triệu đồng. Sau khi trồng khoảng 8 - 9 tháng, chanh dây cho thu hoạch lứa quả đầu tiên, đến tháng 11 - 12 cho thu hoạch lứa quả thứ hai, đến tháng thứ 14 cho thu hoạch lứa quả thứ 3… Năng suất bình quân khoảng 40 - 45 tấn/ha với giá bán khoảng 14.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được khoảng 400 - 450 triệu đồng/ha.

Cũng theo UBND tỉnh Gia Lai, đơn vị vừa phê duyệt đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu, trong đó phấn đấu giai đoạn 2023-2025, địa phương chuyển đổi hơn 58.500 ha cây trồng kém hiệu quả. Tỉnh Gia Lai kỳ vọng thông qua chuyển đổi sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất và nâng cao thu nhập cho người dân…Từ đó, giúp cho người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có điều kiện vươn lên thoát nghèo và ngày một ổn định cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai: Nâng cao đời sống nhờ chuyển đổi cây trồng thích ứng với biển đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO