Gia Lai: Đa dạng mô hình tăng trưởng xanh

Quế Mai| 24/03/2022 09:29

(TN&MT) - Bằng việc ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo và thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh Gia Lai đã thể hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đối khí hậu (BĐKH) và bảo vệ môi trường (BVMT), hướng tới phát triển bền vững.

Phát triển năng lượng tái tạo

Thu hút các dự án vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vừa BVMT đang là định hướng của tỉnh Gia Lai nhiều năm trở lại đây và trong thời gian tới. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Gia Lai đã thu hút 515 dự án với tổng vốn đăng ký 832.925 tỷ đồng, trong đó có nhiều dự án đều hướng đến tăng trưởng xanh. Đến nay, Gia Lai có 7 dự án điện năng lượng mặt trời với tổng vốn 15.137 tỷ đồng và 17 dự án điện gió với tổng vốn 41.253 tỷ đồng được cấp quyết định chủ trương đầu tư. Dự kiến trong thời gian tới, các dự án về năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ và mở rộng hơn trên địa bàn tỉnh.

Các dự án năng lượng tái tạo đều góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế xanh, trung hòa carbon của tỉnh. Gia Lai sẽ giảm sử dụng các nguồn năng lượng không tái tạo, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng khả năng phòng ngừa thiên tai và chủ động ứng phó với BĐKH. Liên quan đến phát triển và mở rộng ứng dụng năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh, Gia Lai đã thí điểm lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng công cộng sử dụng năng lượng mặt trời cho các tuyến đường TP. Pleiku. Dự án sử dụng năng lượng mặt trời tái tạo để cấp điện cho hệ thống 250 bóng đèn chiếu sáng trên tổng chiều dài hơn 7.800m và 5 đảo giao thông cửa ngõ TP. Pleiku.

gia-lai_a2.-mo-hinh-sx-lua.jpg

Mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn Global Gap và Oganic.

Ông Hoàng Minh Nghĩa - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP.Pleiku cho biết, dự án trên có tổng vốn đầu tư hơn 42,6 tỷ đồng, được triển khai trong 2 năm 2019 và 2020. Trong đó, 40 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh của Chính phủ, còn lại là vốn đối ứng của địa phương. “Hệ thống đèn chiếu sáng có khả năng hoạt động tự động, không sử dụng năng lượng điện sẽ giúp làm giảm chi phí vận hành, đồng thời góp phần đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo an ninh năng lượng, tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường và BĐKH hướng đến mục tiêu chung của quốc gia về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững” - ông Nghĩa cho biết thêm.

Đầu tư vào nông nghiệp sạch

Bên cạnh những dự án năng lượng tái tạo, các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng được Gia Lai chú trọng để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, ứng phó với BĐKH. Theo ông Đoàn Ngọc Có - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai, hiện Gia Lai có 227.000ha cây trồng được sản xuất theo các tiêu quốc tế và 231.000ha cây trồng được liên kết sản xuất theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, BVMT, đáp ứng thị trường xuất khẩu.

Hiện nay, Gia Lai đã có 18 vùng nông nghiệp công nghệ cao và thu hút thêm 38 dự án đầu tư vào trồng trọt, 78 dự án chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Hiện đã có 14 dự án đi vào hoạt động. Gia Lai còn phát triển 1 khu nông nghiệp công nghệ cao với tổng mức đầu tư 374 tỷ đồng, quy mô 312ha, thu hút các nhà đầu tư phát triển nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường. Các dự án đầu tư đều được đánh giá yếu tố tác động đến môi trường, đảm bảo hoạt động xanh hóa sản xuất, BVMT.

Ông Đoàn Ngọc Có cho rằng, các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đều sản xuất theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường. Sản phẩm phụ được tuần hoàn sử dụng. Đây được xem là các mô hình nông nghiệp xanh vừa phục vụ phát triển kinh tế vừa góp phần BVMT, giảm độc hại cho đất, không khí. Việc ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm trong nông nghiệp cũng là giải pháp tiết kiệm nước, thích ứng với điều kiện BĐKH thường gây ra khô hạn trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Hữu Quế - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho hay: Tỉnh Gia Lai hiện đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào dự án nhà máy xử lý, tái chế rác thải với công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường tại xã Gào, TP. Pleiku với diện tích gần 6,1ha. Đây là dự án lớn và có vai trò quan trọng phục vụ mục tiêu tăng trưởng xanh của tỉnh Gia Lai trong thời gian tới.

“Thời gian tới, để đáp ứng được mục tiêu tăng trưởng xanh, thích ứng với BĐKH, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai sẽ thực hiện tốt việc chuyển đổi cây trồng, mang lại hiệu quả cao; ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng; thu hút các nhà đầu tư để xây dựng nhà máy chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu sang châu Âu; tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ và tuần hoàn, đảm bảo về môi trường…” - ông Đoàn Ngọc Có cho biết thêm.

Còn ông Nguyễn Hữu Quế - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Gia Lai cho biết, từ năm 2016 đến nay, tại Gia Lai có 13 doanh nghiệp được cấp chủ trương đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng với tổng số vốn hơn 132 tỷ đồng. Các dự án này góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương, đặc biệt là tăng tỷ lệ che phủ rừng, giảm phát thải nhà kính, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh, thích ứng với BĐKH.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai: Đa dạng mô hình tăng trưởng xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO