(TN&MT) - Chiều 22/11, Quốc hội dành thêm một buổi thảo luận toàn thể tại Hội trường về Luật Đất đai (sửa đổi) trước khi ấn nút thông qua vào ngày 29/11 tới.
Đa số ý kiến đại biểu cho rằng, để các dự án thu hồi thực hiện có hiệu quả và hạn chế việc khiếu kiện của người dân về giá đền bù, vấn đề quan trọng là phải xây dựng cơ chế chính sách giá đất, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần kiên quyết rút giấy phép và thu hồi đất của các doanh nghiệp, nhà đầu tư sau khi được giao đất vì nhiều lý do đã chậm hoặc không triển khai thực hiện dự án, bỏ đất trống kéo dài, gây lãng phí đất đai, bức xúc trong nhân dân, nhất là những người dân nơi bị thu hồi đất.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, thu hồi đất phục vụ cho mục đích kinh tế xã hội là cần thiết nhưng phải quy định rõ để tránh bị lạm dụng bởi lợi ích nhóm. Theo ông Nghĩa, cần quy định rõ trong Dự thảo luật trường hợp thu hồi làm khu công nghiệp, chế xuất, khu đô thị mới… “Cần có thêm quy định về thu hồi đất do vi phạm pháp luật, đồng thời, với trường hợp này thì không được bồi thường khi thu hồi đất”, đại biểu Huỳnh Nghĩa nói.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) phát biểu tại phiên thảo luận
Đại biểu Lê Trọng Sang (TP.HCM) tán thành việc thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế xã hội, nhưng cần điều chỉnh theo hướng thu hẹp đối tượng tại điểm e, g khoản 1 Điều 62 bằng cách quy định rõ trong luật hoặc giao Chính phủ quy định dựa trên quy mô dân số bị ảnh hưởng nhà ở quy mô chiếm đất và tổng mức đầu tư của Dự án, nhằm hạn chế tối đa sự lạm dụng trong quá trình thu hồi đất và hạn chế tối đa việc khiếu kiện trong nhân dân.
Theo đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội), không thể phủ nhận các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội mang lại nhiều giá trị tích cực nên việc thu hồi đất phục vụ các dự án này là cần thiết. Điều quan trọng là phải công khai, minh bạch toàn bộ quy trình, quá trình thực hiện để nhân dân biết và giám sát. Đặc biệt, việc quy định rõ trách nhiệm cá nhân, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng là một biện pháp để đảm bảo công tác thu hồi đất được thực hiện nghiêm túc, công bằng.
Đại biểu La Ngọc Thoáng ( đoàn Cao Bằng) cũng cho rằng, công tác quy hoạch, kế hoạch đất đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo đất đai được sử dụng hiệu quả. Dự luật đã có những quy định bài bản về nội dung này nhưng các đại biểu còn băn khoăn về tính khả thi vì các quy định này chưa có các chế tài cần thiết với những tổ chức liên quan không lấy ý kiến của nhân dân về các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc thực hiện không đúng quy trình, trình tự lấy ý kiến người dân…
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), với hiến định đất đai là sở hữu toàn dân thì việc lấy ý kiến toàn dân phải được thực hiện nghiêm túc, song trong thực tế, nhiều dự án không được dân đồng tình vì họ không biết về quy hoạch.
“Dân không biết quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng "cò đất" thì biết và thu lợi bằng cách mua rẻ bán đắt. Người dân không được xây nhà hoặc xây rồi phải phá dỡ, rất thiệt thòi”, đại biểu Phương nói.
Còn đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đề nghị rà soát bổ sung để đảm bảo tính nhất quán và nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Theo ông, có như vậy mới đảm bảo tính
phù hợp với quy hoạch kinh tế - xã hội cũng như tính liên kết giữa các tỉnh, vùng.
Minh Trang