Ghi tại dòng sông ánh sáng

05/02/2015 00:00

(TN&MT) - Đường nép vào núi, núi ấp vào sông, quanh co giữa đại ngàn Trường Sơn là dòng sông ánh sáng - thủy điện A Vương.

(TN&MT) - Đường nép vào núi, núi ấp vào sông, quanh co giữa đại ngàn Trường Sơn là dòng sông ánh sáng - thủy điện A Vương. Vùng núi Đông Giang phía tây Quảng Nam heo hút ngợp lên, rờn rợn hoang sơ gió. Trăng thượng tuần tháng Giêng, non mỏng manh, dát xuống dòng thủy điện điệp trùng! Rồi lấp lóa. Và A Vương hiện ra, hun hút ánh sáng, ngút ngát yên bình. Cảnh đẹp ấy trải dài gần năm mươi cây số vuông của rừng hồ Mà Cooih.
   
Sáng
   
  Sáng chớm xuân ở thị trấn P Rao nhỏ bé, đồng bào Cơ Tu sửa soạn xuống chợ bằng xe máy, túi rủng rỉnh tiền. Từ độ thủy điện A Vương mang ánh sáng lên đây, những ngôi làng lọt thỏm nơi rừng sâu đã ló mặt ra đường. Đường nhựa phẳng lì, mướt mát. Cuộc quy hoạch thế kỷ của ngành điện lực gần một thập niên qua thực sự làm lột xác cuộc sống hồng hoang của bà con ở đại ngàn Trường Sơn. “Thôn A Sờ nhà nhà xây mới, người người có hon đa, điện thắp không phải trả tiền. Tiền “ông” A Vương “cho” đem sắm trâu bò và gửi ngân hàng, túc tắc làm ăn. Cái bụng ưng lắm, ưng lắm!”, Bí thư Đảng ủy xã Mà Cooih Alăng Bang hớn hở kể.
   
  Ba cây số từ cầu A Sanh vào đến trung tâm làng A Sờ. Dọc đường, san sát hàng ăn, sửa xe, đại lý điện tử điện lạnh chình ình, “oách” chẳng kém dưới xuôi. Cứ táp lề đường khoảng hai, ba trăm mét lại có một cột đèn cao áp, cữ bảy giờ tối sáng choang. Mươi năm trước, điều ấy, cả trong mơ người Cơ Tu không dám ước. Cũng đâu biết để mà ước, họ vốn truyền đời tồn sinh ở thế giới gần như biệt lập với bên ngoài. Quanh năm đốt nương làm rẫy, tha thẩn ven hồ, bốn bề đá dựng. “Ngày ấy, hàng năm ròng mới xuống chợ một lần, ông mặt trời lặn, đi bộ chùn đầu gối chưa qua ba quả núi, chưa hết rừng âm u. Mà ni chân xỏ giày, chễm chệ lái “rim Tàu”, BNước Tư, chàng trai thôn A Dang hồn hậu cười.
   
   
Vũ điệu bản làng Mà Cooih
   
  Khổ từ đó tới giờ, đôi chân bị đường rừng hành hạ, nên khi có tiền, người Cơ Tu nghĩ ngay đến là tậu xe máy. Hơn 300 hộ thuộc diện giải tỏa được nhận tiền, nay, cả xã Mà Cooih xuất hiện gần 250 cái xe. Dưới chân dãy Trường Sơn hình thành một nghề mới - nghề buôn “ngựa sắt”. “Ngựa sắt” được “thồ” từ Đại Lộc, Trung Mang lên, rim Tàu có, xe ga có. Lái buôn rao mua một xe tặng một đồng hồ treo tường, bao luôn biển. Lắm nỗi bi hài xảy đến! Có xe, đồng bào phát hiện… chưa biết đi, phải tập. Tập xong muốn có bằng lái phải thi. Éo le, đa phần bà con không biết chữ. Không biết chữ thì nhờ người thi lý thuyết, mình thi thực hành. Giám thị phát hiện, có ông ngoác mồm cãi: “Tau không biết chữ nhưng biết đi rồi”.
   
  Dạo mấy vòng qua mấy thôn, chuyện trò rôm rả với BNước Tư cũng tới trưa. Bà con đi chợ lác đác về. Trai tráng cưỡi động cơ lượn vè vè, mặt ửng men, lem nhem đỏ tím. Nguồn sáng A Vương đã thổi xuống xứ sở Đông Giang một luồng sinh khí mới.
   
Chiều
   
  Tà dương tịch mịch, nắng tan vào mây. Không gian buông tấm voan xanh xám xuống “lãnh thổ” của thủy điện A Vương - rộng bốn mươi chín cây số vuông. Đường nhựa nội bộ được trang bị như những xa lộ giao thông “xịn”, có biển báo, chỉ dẫn. Đường dài 23 ki lô mét, hoàn thành từ 2006, chạy tuốt đến Khu tái định cư A Lua. Gọi là đường “nội bộ”, thực tế vừa là đường dân sinh nữa.
   
  Xa xa, hoàng hôn tím lịm phết xuống dãy kè bậc thang lưng núi tựa những cánh đồng cao lương loi nhoi màu huyết gụ. Dưới hữu ngạn, dòng A Vương phẳng như gương, chốc chốc bị xé toang từng mảnh bởi chiếc ca nô đi tuần canh. Khu “quyền lực” của công trình thủy điện lớn thứ ba miền Trung còn “trưng” cả “nhà nghỉ dưới nước”, ghép bằng gỗ, “móng” gắn vào bè, lênh đênh. Sông được khoanh ra từng hồ, tăng gia thả cá. Trên bờ, cũng khoanh từng khu đất phủ kín keo tai tượng. Dọc lưng núi, dê chạy từng bầy do công nhân Tổ Vận hành máy đóng chốt ngày đêm, nuôi giữ.
   
   
Lòng hồ A Vương giữa đại ngàn
   
  Qua mấy lần quẹo, núi dốc dác, cửa nhận nước hiện ra, sừng sững khung thép, màu sơn vàng lấp lóa, ẩn hiện phía sau là đập tràn hùng vĩ - dưới chân, dòng A Vương được chặn lại, hiền hòa. Thiên nhiên đã bị “thuần hóa” bởi trí tuệ con người. Đi dọc lan can, mới thấy cuộc “thuần hóa” thiên nhiên của con người thật là vĩ đại. Những máu, mồ hôi, nước mắt trong gần một thập niên qua với bao của cải vật chất đã phải đánh đổi.
   
  “Cơn lũ hồi 2006 cuốn trôi hơn 100 tấn thiết bị, hàng chục tấn thép đặc dụng phải nhập ngoại. Có lúc, đơn vị phải nhờ một tiểu đoàn công binh hơn 300 chiến sĩ tham gia kè đá hàng tháng trời, bảo đảm tích nước hồ chứa. Ngày khởi công 31/8/2003, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đó là Phó Thủ tướng thường trực tới dự có nói, “mong rằng, đúng hẹn, nơi đây sẽ là nhà máy thủy điện khổng lồ và hiện đại”, một cán bộ trong đoàn dẫn chúng tôi đi nói. Đúng lời hứa với Chính phủ, mấy năm trước, dòng sông ánh sáng A Vương đã khởi động không tải tổ máy cuối cùng và hòa vào lưới điện quốc gia.
   
Tối
   
  Trời neo đầy sao, vằng vặc. Bữa ấy, tôi “lạc” vào những nếp nhà “đổi mới” của khu tái định cư A Lua. Đồng bào không ngủ sớm như xưa, vì có điện. Arất Bluôi vừa đan rổ vừa ngắm hai đứa con trai của mình xem ti vi, anh cười ngoác tận mang tai, quai hạm bạnh ra, bảo: “Coi phim nhiều, giờ cả Mà Cooih đều đặt tên con cái kiểu… Hàn Quốc hè”. Rồi Bluôi chào khách bằng một tràng ngoại danh tôi nghe mà lưỡi muốn ríu lại, nào là Phơloong San Diu, Riah Thị Su U, Briu Thị Hy Su, Pơloong San Ốc, Pơloong Hiên U… “Có tiền rồi, có nhà rồi… Thế bây giờ gia đình mình có làm gì không?”, tôi hỏi. “Đi chơi mãi, tốn xăng, giờ đi thồ (xe ôm) thôi”. “Sao anh không mở dịch vụ kinh doanh à?”. “Tiền vợ gửi ngân hàng rồi. Muốn mở quán sửa xe máy nhưng không biết… sửa”. “Bao đời cực khổ, ngủ dậy, bỗng dưng có tiền”. Bluôi đã la ngà, dường chưa quen với thực tại, anh cứ độc thoại mãi một câu như thế.
   
  Đêm về khuya! Ngoài rừng xa, phong thanh hoãng tác văng vào vách núi… Cuối dãy tái định cư, ánh sáng lây phây hắt ra từ ngôi trường phổ thông A Lua, ở đó có những con người đang viết lên những trang sách mới, trang sách về cuộc sống hôm nay của những người sống dưới dòng sông ánh sáng.
   
Bài và ảnh:Xuân Lam  
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ghi tại dòng sông ánh sáng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO