(TN&MT)- Diễn đàn Các nước dễ bị tổn thương vì Biến đổi khí hậu (CVF) sẽ tổ chức Hội nghị lãnh đạo thượng đỉnh trực tuyến vào ngày 22/11 tới. Đây là Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên dành cho các đại diện chính phủ nhằm thúc đẩy đối thoại toàn diện tiến đến loại bỏ khí thải theo các cam kết của Hiệp định Paris.
Đó là thông tin được Tổng thống Cộng hoà quốc đảo Marshall Hilda Heine chia sẻ với các đại biểu khi tham dự phiên Khai mạc GEF diễn ra tại Đà Nẵng.
Bà Hilda Heine, Tổng thống Cộng hòa quốc đảo Marshall gửi thông điệp đến tất cả các quốc gia trên thế giới cần khẩn trương có các giải pháp và hành động nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng đến việc giảm nhiệt độ toàn cầu xuống 1,5°C.
“Các quốc gia phải hành động ngay nếu muốn bảo vệ các quốc gia dễ bị tổn thương, cũng như người dân ở tất cả các khu vực đang chịu sự đe dọa ngày càng tăng đối với cuộc sống vì biến đổi khí hậu, trong đó có đất nước tôi”, Tổng thống Hilda Heine kêu gọi.
Tổng thống Hilda Heine cho biết thêm, Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức hoàn toàn trực tuyến với mục đích truyền cảm hứng tới những nhà lãnh đạo và toàn thế giới về những mục tiêu khác có thể đạt được bằng việc sử dụng nguồn tài nguyên sẵn có một cách sáng tạo nhằm hướng đến loại bỏ khí thải nhà kính
Nội dung Hội nghị sẽ nêu bật những nỗ lực, kinh nghiệm của các quốc gia về các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như những cơ hội để có thể đưa thế giới vào lộ trình giảm 1.5 độ C. Đồng thời đưa ra những giải pháp xây dựng mạng lưới hỗ trợ toàn cầu rộng lớn hơn nhằm đảm bảo các nguồn lực và nguồn tài chính cần thiết sẽ được huy động kịp thời để đạt được những mục tiêu đề ra.
Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến CVF 2018 cũng triệu tập lãnh đạo các nước trong Hội thảo Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc vào tháng 12 năm nay tại Katowice, Ba Lan, đồng thời thông qua “Đối thoại Talanoa”, tất cả các quốc gia sẽ phải đương đầu với những nỗ lực ở quy mô toàn cầu để có thể loại bỏ phát thải nhằm đạt được các cam kết của Hiệp định Paris, trong đó bao gồm giới hạn nhiệt độ tăng lên dưới mức 1.5°C.
Bà Gemedo Dalle, Bộ trưởng Bộ Môi trường, Tài nguyên Rừng và Biến đổi Khí hậu Ethiopia cho biết: Quốc gia của chúng tôi nằm trong các nước dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu. Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến CVF 2018 là cơ hội để chúng ta thúc đẩy các quốc gia nỗ lực thực hiện Thỏa thuận Paris.
“Với Hội nghị CVF, chúng tôi mong muốn khiến thế giới nhận thức được tại sao biến đổi khí hậu là cuộc chiến sống còn. Bởi vì ngày nay, hiểm nguy đã tìm cách gõ cửa từng ngôi nhà, bằng cách này chúng tôi tự tin sẽ kêu gọi được thêm các nỗ lực mới để ứng phó với mối nguy hại ở quy mô toàn thế giới này.” - Bà Gemedo Dalle, Bộ trưởng Bộ Môi trường, Tài nguyên Rừng và Biến đổi Khí hậu Ethiopia chia sẻ.
Đồng quan điểm, David Paul, Lãnh đạo Văn phòng Tổng thống và Bộ trưởng bộ Môi trường quần đảo Marshall cho rằng: Theo đuổi mục tiêu ngưỡng tăng 1.5 độ C là giải pháp tốt nhất để không chỉ bảo vệ người dân và môi trường, mà còn giúp thúc đẩy phát triển và tăng trưởng kinh tế.
“Chúng tôi cần mọi quốc gia đứng lên thực hiện các mục tiêu về khí hậu của họ cho tới 2020 để giúp bảo vệ sự sống còn của đất nước tôi, như những gì chúng ta đã cam kết ở Hiệp định Paris. Quốc đảo của tôi sẽ có thể phải đứng đầu chiến tuyến, nhưng sẽ không có quốc gia nào đứng ngoài sự ảnh hưởng của mối đe doạ này. Tuần trước, hơn hai mươi quốc gia đã tham gia cùng Quốc đảo Marshall để khai mạc Tuyên bố những Mục tiêu, và trước thềm Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến CVF tháng Mười một tới đây, chúng tôi kêu gọi các quốc gia khác tham gia và cùng ký vào bản Tuyên bố này.”
Bên lề GEF6, sáng 27/6 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc tiếp Tổng thống Cộng hòa Quốc đảo Marshall, bà Hilda HeineMarshall. Tại buổi tiếp Thủ tướng hoan nghênh Marshall đã cử Đại sứ Marshall tại Nhật Bản kiêm nhiệm Việt Nam (2014); sẵn sàng tạo điều kiện để Marshall sớm mở cơ quan đại diện tại Việt Nam.
Thủ tướng đề nghị hai bên thúc đẩy việc trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, thúc đẩy các bộ, ngành hai nước xem xét, ký kết một số thỏa thuận hợp tác trong một số lĩnh vực cơ bản, thiết lập một số cơ chế hợp tác khung.
Chúc mừng Việt Nam tổ chức thành công Kỳ họp của GEF lần này, Tổng thống Marshall bày tỏ ấn tượng về tiến bộ nhanh chóng của Việt Nam, nhất là về xóa đói giảm nghèo, điều này thể hiện rất rõ ở thành phố Đà Nẵng.
Tổng thống Marshal cho biết, trước tác động của biến đổi khí hậu, quốc đảo Marshal đứng trước nguy cơ tồn vong, nếu nhiệt độ trái đất tăng thêm 1,5 độ C và nhìn nhận, thích ứng với biến đổi khí hậu là mối quan tâm chung của hai quốc gia.
Tổng thống Marshal hoan nghênh đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc hai bên ký kết cơ chế hợp tác khung để hai nước gần nhau hơn, chia sẻ kinh nghiệm, giúp hai nước cùng phát triển, đồng thời khẳng định ủng hộ quan điểm về bảo đảm tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, trên tinh thần tuân thủ luật pháp quốc tế.