Các Phiên họp song song cấp kỹ thuật chính sẽ diễn ra trong ngày 23/6 bao gồm các cuộc họp Ban tư vấn khoa học và kỹ thuật (STAP); họp Hội đồng Tổ chức chính trị - xã hội GEF; cuộc họp điều phối các nhà tài trợ. Đặc biệt sẽ có các cuộc Họp Nhóm cử trì GEF các khu vực trên toàn thế giới như khu vực Đông Phi, Đông Âu, Tây Phi, Carribe, Braxin, Colombia và Ecuador, Trung bộ châu Mỹ và Venezuela, Nam Á, Bắc Phi, Bờ biển Tây Phi, Tây Á, Đông Á, Nam Phi, Trung Phi, các đảo Thái Bình Dương; Nam Nam Mỹ…
Việt Nam nằm trong nhóm cử tri Đông Á gồm có Lào, Cambodia, Myanmar, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Thái Lan, Malaysia, Mông Cổ. Tại đây, các đại biểu họp bàn tổng kết và đánh giá các chính sách chung, các hoạt động và thành viên GEF 6, xem xét phê duyệt các đề xuất sửa đổi với Văn kiện GEF cho giai đoạn 2018-2022, đưa ra những định hướng ưu tiên cho GEF 7.
Chia sẻ về cuộc họp sáng nay, ông Michael Bongro, đại biểu đến từ Quốc gia Độc lập Papua New Guinea cho biết: "Trong cuộc họp kỹ thuật sáng nay, chúng tôi đang điều phối vị trí của khu vực Thái Bình Dương trên bản đồ thế giới để đưa ra những ưu tiên cho khu vực này tại các phiên họp của GEF xung quanh các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, suy thoái đại dương và quản lý rác thải… Khu vực Thái Bình Dương được xác định là nơi sinh sống của hơn một nửa dân số thế giới, được coi là đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai do biến đổi khí hậu.”
Được biết, trong các cuộc họp sáng nay, chủ đề đảm bảo an ninh nguồn nước cho phát triển bền vững cũng được nhiều nước quan tâm và là hiện trạng quan trọng của toàn cầu hiện nay. Chia sẻ với truyền thông, Ông Sanjay SETHI, Giám đốc Phoenix Global DMCC cho biết tập đoàn của ông đứng thứ hai trên thế giới về sản xuất lương thực nên ông rất quan tâm đến các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước, sản xuất nông nghiệp bền vững.
“Chưa bao giờ, mối quan hệ giữa hiện tượng biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán gia tăng và tăng trưởng dân số lại diễn ra mật thiết và được quan tâm như hiện nay. Chúng ta hoàn toàn có lý do để lo ngại rằng, thế giới sẽ sớm không còn đủ nước để sản xuất lương thực đáp ứng nhu cầu của dân số đang dần tăng lên. Thiếu nước đang đe dọa tới an ninh lương thực, sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên chúng ta đang quá lãng phí nước trong sản xuất lương thực. Chúng tôi khuyến khích mọi người hãy sản xuất lương thực một cách tiết kiệm nước nước nhất có thể để không phá vỡ hệ sinh thái, đảm bảo nguồn nước bền vững” - Ông Sanjay SETHI nhấn mạnh.
Ngày mai, sẽ diễn ra phiên họp Hội đồng GEF lần thứ 54 với 07 sự kiện song song bên lề như: "Sạch, mát, thông minh: Chiến lược hệ thống lương thực và khái niệm dây chuyền lạnh để tăng cường tính chống chịu với biến đổi khí hậu" do UNIDO chủ trì; "Tăng cường năng lực quốc gia để đáp ứng về minh bạch" do CI, FAO, UNDP, UN Environment chủ trì; "Cơ sở hạ tầng bền vững - Xây dựng đổi mới và chuyển động toàn cầu để phòng tránh mất đa dạng sinh học và thoái hòa rừng từ đầu tư cơ sở hạ tầng" do ADB chủ trì; "Kinh nghiệm sử dụng công cụ địa chất không gian để đánh giá, giám sát phục vụ các mục tiêu giảm thiểu thoái hóa đất" do FAO chủ trì; "Dự án Hỗ trợ và thực hiện NAMAs trong MRC (SPI-NAMA)" do JICA chủ trì; "Hệ thống năng lượng đô thị" do Cơ quan môi trường LHQ chủ trì; "Diễn đàn cho người dùng hỗ trợ đạt được mục tiêu giảm thiểu thoái hóa đất" do INCCD, CI chủ trì.