Đây là lần đầu tiên, Việt Nam đảm nhiệm chủ trì tổ chức sự kiện quốc tế quy mô lớn nhất về lĩnh vực môi trường và phát triển bền vững. Thành phố biển Đà Nẵng đón chào sự tham gia chính thức của 167 đoàn đại diện các quốc gia, tổ chức quốc tế trên thế giới; 1.700 đại biểu tham dự, trong đó 1.258 đại biểu quốc tế. Khách mời cấp cao đặc biệt của Kỳ họp có hiện diện của 3 Tổng thống, 01 Phó Thủ tướng, 02 nguyên Tổng thống; 65 Bộ trưởng phụ trách về môi trường của các quốc gia thành viên GEF; 43 Lãnh đạo hàng đầu các tổ chức quốc tế hoạt động về môi trường và phát triển; 02 đại biểu là Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới - WB, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á - ADB,...); Đặc sứ của Liên Hợp quốc về đại dương; 118 đại diện các tổ chức xã hội dân sự về môi trường và phát triển; hằng trăm phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí quốc tế và trong nước; đại diện nhiều công ty đa quốc gia và đại diện các Bộ ngành, địa phương của Việt Nam.
Như vậy, đây là sự kiện số lượng đoàn và đại biểu nhiều hơn so với các cuộc họp quốc tế quan trọng mà Việt Nam đã đăng cai chủ trì tổ chức trước đây như Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) vào năm 2015 với 160 đoàn và Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 vào năm 2017 với 21 đoàn.
Kỳ họp Đại hội được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự, phát biểu khai mạc trọng thể. Trong bài phát biểu, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh những thách thức to lớn do suy thoái, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu gây ra đối với toàn nhân loại và khẳng định vai trò quan trọng của GEF trong việc giải quyết những thách thức này trong hơn hai thập kỷ qua. Thủ tướng Chính phủ đã nêu thông điệp và kêu gọi sự chung tay của cộng đồng quốc tế để xây dựng một “Hành tinh có sức chống chịu tốt, bền vững và tràn đầy sức sống”. Đồng thời, tiếp tục nhấn mạnh cam kết của Chính phủ Việt Nam “Kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng tới phát triển bền vững”.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đề xuất các trông đợi về kết quả của Kỳ họp Đại Hội đồng GEF bao gồm nhận diện thách thức đối với môi trường toàn cầu hiện nay để xây dựng những chính sách giải quyết tổng thể, hiệu quả những thách thức này; đánh giá cơ chế hỗ trợ và hợp tác hiện nay để phân bổ nguồn lực hỗ trợ các quốc gia thành viên GEF có hiệu quả hơn; đề xuất những sáng kiến, giải pháp, dự án tổng hợp mang tính toàn cầu, liên vùng và lĩnh vực để giải quyết gốc rễ của những vấn đề môi trường toàn cầu hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã được bầu là Chủ tịch và điều hành các phiên khai mạc và bế mạc của Đại Hội đồng đạt kết quả cao. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức các sự kiện bên lề chính thức của Kỳ họp như Hội nghị về Rác thải nhựa đại dương do Bộ trưởng Trần Hồng Hà và bà Naoko Ishii, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành GEF đồng chủ trì với sự tham dự của ông Erik Solheim, Giám đốc điều hành UN Environment; Hội nghị về Bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch bền vững do Bộ trưởng Trần Hồng Hà và ông Axel Van Trotsenburg, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới đồng chủ trì; Hội nghị về Thành tựu và định hướng hợp tác Việt Nam - GEF do Bộ trưởng Trần Hồng Hà và bà Naoko Ishii, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành GEF đồng chủ trì với sự tham dự của ông Axel Van Trotsenburg - Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, bà Akiko Fuji - Phó Giám đốc quốc gia UNDP Việt Nam; ông Văn Ngọc Thịnh - Giám đốc quốc gia WWF Việt Nam; ông Norio Saito - Phó Giám đốc quốc gia ADB Viet Nam, ông Jake Brunner - Trưởng đại diện IUCN Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã phối hợp với thành phố Đà Năng tổ chức mít-tinh khởi động chiến dịch “Chung tay bảo vệ đại dương hưởng ứng Đại hội đồng GEF-6” với sự tham gia của Phó Tổng Thư ký Liên Hợp quốc kiêm Giám đốc điều hành Chương trình Định cư con người của Liên Hợp Quốc (UN Habitat), Giám đốc tài chính môi trường toàn cầu của UNDP, 300 tình nguyện viên của thành phố Đà Nẵng; 200 tình nguyện viên của Đoàn khối cơ quan Trung ương. Mục đích chính của chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức, chung tay bảo vệ môi trường biển thông qua các hoạt động thu gom và phân loại rác tại bãi biển Đà Nẵng. Tại một số địa phương ven biển nước ta cũng tổ chức các hoạt động làm sạch môi trường biển.
Đứng trước tình trạng và các thách thức to lớn của rác thải nhựa đối với đại dương, sáng kiến của Việt Nam về thiết lập cơ chế toàn cầu/mối quan hệ đối tác khu vực các biển Đông Á về giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương hướng tới mục tiêu các đại dương xanh và sạch, không còn rác thải nhựa đã được nhiều tổ chức, đối tác quốc tế quan tâm và ủng hộ.
Qua Kỳ họp này một lần nữa khẳng định vai trò và năng lực của nước ta trong tổ chức các sự kiện quy mô lớn và quốc tế. Đồng thời, thể hiện là một quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, cam kết chung tay cùng các quốc gia trên toàn thế giới và các tổ chức quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu.
GEF được thành lập từ năm 1992 trên cơ sở kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất lần thứ nhất (Hội nghị Rio) cùng với sự ra đời của các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs). Với 183 quốc gia thành viên, GEF là cơ chế tài chính hỗ trợ cho các nước đang phát triển và các nền kinh tế chuyển đổi để giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu trong các lĩnh vực: đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, hóa chất và chất thải, các vùng nước quốc tế, suy thoái đất, quản lý rừng bền vững, các cách tiếp cận tổng hợp, và một số các hoạt động hỗ trợ khác.
Đại Hội đồng GEF gồm đại diện của các quốc gia thành viên là cấp điều hành cao nhất của GEF. Đại Hội đồng họp 4 năm một lần vào cuối các chu kỳ hoạt động của GEF nhằm tổng kết đánh giá các hoạt động của mỗi chu kỳ, đề xuất các điều chỉnh ưu tiên và cơ chế hoạt động cho chu kỳ mới.
Trải qua 26 năm và 6 chu kỳ hoạt động, Kỳ họp lần thứ 6 của Đại Hội đồng GEF tại Đà Nẵng là sự kiện để tổng kết Chu kỳ 6, khởi động Chu kỳ 7 của GEF với nhiều cơ hội và thách thức về môi trường và phát triển bền vững trong thời đại cách mạng 4.0.