Chàng trai đất biển say sóng trở thành lính hải quân
Chúng tôi tìm về xã Hải Ninh (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) gặp Cựu chiến binh, Trung tá Vũ Trung Tính. Người đã gắn liền với tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển cùng những con tàu huyền thoại không số. Để hiểu hơn về những người con góp phần công sức, xương máu thầm lặng làm nên chiến thắng lẫy lừng ấy của cả dân tộc. Với mái tóc màu bạc phơ như cước, ánh mắt sáng ngời, bắp tay nồng ấm, nước da trắng hồng, nụ cười chan hòa với cái tuổi ngoài 70 khiến ai mới gặp lần đầu đều không thể cảm nhận được ông vốn là người con sinh ra và lớn lên từ đất biển. Mở đầu câu chuyện với chúng tôi ông rơm rớm nước mắt, "mới thế mà đã 55 năm trôi qua, nghĩ về đồng đội, những người đã dũng cảm hy sinh cả cuộc đời cho những chuyến hàng an toàn, lòng tôi như nghẹn lại".
CCB Vũ Trung Tính trong ngày kỷ niệm thành lập Quân chủng Hải quân |
Sinh ra và lớn lên tại vùng biển xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), đời cha ông đều sống nhờ biển, vậy mà thuở nhỏ, ông Tính lại không hề được ra khơi bởi ông hay bị say sóng. Bố ông thường than: “Không biết thằng Tính có bám được nghề cha truyền, con nối không”. Nghe vậy, cậu bé Tính ngày ngày tập bơi thật giỏi với mong ước đơn giản là không để say sóng nữa. Năm 17 tuổi cậu vô địch bơi lội cấp huyện và được cử tham gia giải bơi lội cấp tỉnh trên sông Mã. Năm 1960, ông Tính thi trúng tuyển vào Trường Trung cấp Hàng hải, những tưởng sau khi học xong sẽ trở về quê hương cùng bạn bè ra khơi bám biển mưu sinh cuộc sống. Nhưng cuộc đời ông đã rẽ sang một hướng khác là gắn liền với binh nghiệp.
Tháng 2/1964 Quân chủng Hải quân tuyển lính mới, ông nhập ngũ tham gia huấn luyện tân binh tại Trung đoàn 170 đóng ở Quảng Ninh. Nhờ thành tích bắn 3 phát súng đạt 29/30 điểm, ông đã được điều về Lữ đoàn 125 làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Sau khi về đơn vị mới, ông cùng các đồng đội được đơn vị "thử lửa" đưa ra khu vực Long Châu cách Bạch Long Vĩ khoảng 46 hải lý, cách đất liền 20 hải lý để tập. Dù ngày nhỏ cứ hễ lên tàu là ông say sóng, nhưng với sức trẻ và lòng yêu nước, ông đã xuất sắc vượt qua các cuộc “thử sóng” và được điều về phụ trách hàng hải số 1 trên tàu 42 với công việc làm kế hoạch đi biển, tác nghiệp hải đồ, xử lý la bàn, máy đo thiên văn, lái tàu, chọn đường đi sao cho ngắn mà không bị địch phát hiện để cập bến Cà Mau với thời gian ngắn nhất. Từ tháng 6/1964 đến năm 1970, ông Tính đã cùng đồng đội vượt biển khơi vận chuyển 18 chuyến hàng vào Cà Mau an toàn.
Chuyến tàu mở đường sau sự kiện Vũng Rô
Trong 18 chuyến tàu không số vận chuyển vũ khí, trang thiết bị quân trang chi viện cho chiến trường Miền Nam đều để lại trong lòng người lính biển quê Thanh những kỷ niệm khác nhau. Nhưng ấn tượng và sâu sắc nhất đối với ông là chuyến tàu mở đường sau sự kiện Vũng Rô (Phú Yên).
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng quà ông Tính và các đồng đội nhân ngày thành lập Quân chủng Hải quân |
Đầu năm 1965, tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển của ta bị lộ. Địch tìm đủ mọi cách để bắt tàu “Việt cộng” thâm nhập chi viện vào Miền Nam. Hải quân ngụy có nhiệm vụ trông coi vòng trong, với khoảng cách 12 hải lý tính từ đất liền ra. Bên ngoài là Hạm đội 7 kiểm soát, trên đầu là máy bay Navi tuần tiễu, dọc theo bờ biển địch bố trí các trạm ra đa đối hải. Trước sự rà soát chặt của địch, nhiều chuyến hàng trên đoàn tàu không số đã không thể cập bến, lực lượng hy sinh hao tổn. Từ tháng 2 đến tháng 8/1965, không có một chuyến hàng nào được thành công.
Trước thực trạng trên, Lữ đoàn 125 đã rà soát lại lực lượng, thành lập đội quân “tinh nhuệ” mới trên tàu 42. Với nhiệm vụ đoàn tàu không số là phải vươn xa vào những khu vực mà đường bộ chưa với tới được, công tác chuẩn bị cho tàu 42 sau sự kiện Vũng Rô phải mất 3 tháng. Từ thuyền trưởng, thợ máy, thuyền viên đều quyết tâm rất cao. Theo đó trong trường hợp nếu bị địch phục kích khi đang trên đường hoạt động thì người này có thể đảm nhiệm vị trí của người khác nếu xảy ra hy sinh. Quyết không để đạn dược, vũ khí rơi vào tay địch, sẵn sàng hy sinh để giữ bí mật cho con đường trong giai đoạn mới.
Ông Tính tiếp tục được đảm nhận vai trò hàng hải số 1. Đêm 15/10/1965, tàu 42 xuất kích rời cầu Đá Bạc, trên sông Đá Bạc (Thủy Nguyên Hải, Hải Phòng), được cải dạng thành tàu đánh cá của ngư dân vùng biển Đông Nam Á, sơn màu ngọc bích rất đẹp. Vì phải đi xa bờ và hoàn toàn phải dùng hàng hải thiên văn, tức phải ngắm sao, mặt trời, mặt trăng để định hình đường đi. Nhưng khi tàu 42 mới đến vùng biển giáp danh giữa Philippin và Malayxia, thì bị địch phát hiện. Ngay lập tức con tàu rơi vào tình thế bị phục kích, trên trời là máy bay trinh sát Navi do thám, dưới biển là Khu trục hạm đội bám sát hông tàu suốt 4 ngày đêm. Có lúc máy bay địch rà sát mặt biển soi mói, nhưng với sự bình tĩnh của các đồng đội cùng với cách cải trang hoàn hảo nên địch đã không xác định được đó là tàu của “Việt cộng” chở hàng chi viện cho miền Nam.
Theo kế hoạch tàu 42 đi trong thời gian hơn 2 tháng, chạy qua đường hàng hải của Philipin, Malayxia, vịnh Thái Lan rồi mới vào cửa Bồ Đề (Cà Mau). Nhưng vì địch vây ráp quá chặt nên tàu không thể cập bến đúng như kế hoạch ban đầu và phải chạy vào cửa Rạch Kiến Vàng (Cà Mau) trong thời gian chỉ có mười ngày. Chuyến tàu này cập bến thành công đã kịp thời cung cấp được 60 tấn hàng hoá, đạn dược cho chiến trường miền Nam và 4 quả thuỷ lôi. Chuyến đi khai phá thành công tuyến đường mới và vượt mức thời gian, tàu 42 đã được Quốc hội, Chính phủ tuyên dương phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.
Những ký ức sâu đậm về đồng đội
“Trong hành trình đường mòn Hồ Chí Minh trên biển và huyền thoại đoàn tàu không số, tỉnh Thanh Hóa có 15 chiến sỹ đã dũng cảm hy sinh, những lúc nhớ lại đồng đội ông thường đem di vật ra ngắm. Hiện còn 200 cựu binh thường gặp lại nhau để ôn lại kỷ niệm xưa”, ông Tính bùi ngùi nói.
Trong ký ức của ông Tính đặc biệt ấn tượng về người "anh cả" Bông Văn Dĩa, người đầu tiên được Trung ương giao nhiệm vụ tổ chức mở tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển để chi viện cho miền Nam. Ngày 14/9/1962, anh Dĩa trực tiếp chỉ huy chở chuyến hàng đầu tiên mang theo 28 tấn vũ khí từ miền Bắc và cập bến Vàm Lũng, Cà Mau. Năm 1964, sau khi chở hang vào Cà Mau chờ nước lên để quay ra Bắc, hai chúng tôi gặp nhau, anh cả Dĩa nói phục tài "ngắm sao trời dò đường đi" nên tặng tôi một con dái cá. Con vật được anh huấn luyện thành một chiến binh đi "săn" cá, có hôm nó săn được 4-5 kg, nếu không săn được cá nó không về. Trước khi nhận món quà "vô giá" từ đàn anh, ông Tính nói luôn nguyện vọng sẽ đem nó về tặng vườn Bách thú Hà Nội như một tình cảm thiêng liêng của miền Nam ruột thịt gửi ra Bắc. Nhưng khi tàu 42 trở ra Bắc thì gặp bão, 3 ngày không ăn khiến con rái cá kiệt sức chết mất. Đến giờ tôi vẫn ân hận vì chưa hoàn thành lời hứa với anh Dĩa - ông Tính bùi ngùi nhớ lại.
Sau 18 lần vào Nam ra Bắc cùng đoàn tàu không số lênh đênh trên biển cả, ông Tính đều hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc đưa tàu cập bến an toàn. Sau này, nhận nhiệm vụ khác, đi học tại Liên Xô (cũ), về tham gia chiến dịch rà phá thủy lôi, đi làm chuyên gia ở Campuchia, rồi về nước được giao nhiệm vụ phụ trách khối Hải quân của Cục Quân lực - Bộ Quốc phòng ông Tính đều hoàn thành nhiệm vụ được giao. Giờ về nghỉ hưu "người ngắm sao trời dò đường đi" năm xưa sống tại quê nhà vẫn tiếp tục cống hiến công sức của mình cho công tác xã hội của địa phương. Những kỷ niệm đẹp về tình nghĩa đồng đội đã từng vào sinh ra tử vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của ông.
Bài và ảnh: Nguyễn Dũng - Anh Sơn