Tham dự buổi gặp mặt có Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân, nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT Mai Ái Trực, nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính Bùi Xuân Sơn, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Ruộng đất Tôn Gia Huyên cùng các đồng chí nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, nguyên lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục Quản lý ruộng đất, Tổng cục Địa chính qua các thời kỳ; Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, Tổng cục Quản lý đất đai.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân phát biểu tại buổi gặp mặt |
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến cho biết, trong không khí lịch sử hào hùng của Cách mạng tháng Tám, ngày 03/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 41, mở đầu cho hoạt động quản lý đất đai của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và bắt đầu đánh dấu cho quá trình xây dựng, trưởng thành của ngành Quản lý đất đai Việt Nam.
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến phát biểu tại buổi gặp mặt |
Ngay sau khi được thành lập, trong từng thời kỳ lịch sử, Ngành đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành, thực hiện những chủ trương, chính sách giải quyết đúng đắn các quan hệ đất đai, đảm bảo thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng, phù hợp mục tiêu phát triển của đất nước, đáp ứng lợi ích của Nhân dân. Từ chủ trương giao khoán ruộng đất đến chính sách giao đất ổn định lâu dài đã tạo thành động lực to lớn trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, phát triển xã hội nông thôn, đưa nước ta từ một nước thiếu lương thực vươn lên thành một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu trên thế giới.
Những chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đổi mới, nhất là công nhận quyền của người sử dụng đất là hàng hóa, tài sản đặc biệt, hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất, định giá đất,... đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để hình thành, phát triển thị trường bất động sản; tài nguyên đất đai trở thành nguồn lực được phân bổ hợp lý, sử dụng hiệu quả đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu... phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...
Thứ trưởng Lê Minh Ngân, Tổng cục trưởng Lê Thanh Khuyến cùng lãnh đạo Tổng cục chụp ảnh lưu niệm với các nguyên lãnh đạo Bộ TN&MT, Tổng cục Quản lý đất đai |
Thành tựu của Ngành là kết quả của quá trình xây dựng, vun đắp, phát triển với nỗ lực, tâm huyết, trí tuệ của các thế hệ cán bộ công chức, viên chức và người lao động làm công tác quản lý đất đai, sự lãnh đạo toàn diện, sâu sát của Đảng, Nhà nước; là thành công của tinh thần đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, quyết tâm từ Trung ương đến địa phương, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của các Ban, Bộ, ngành và đối tác quốc tế.
“Nhân dịp này cho phép tôi bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc đối với sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo Bộ, nguyên lãnh đạo Bộ, các đồng chí nguyên lãnh đạo Tổng cục qua các thời kỳ, các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Ngành; những thành quả mà Ngành đã đạt được là sự nỗ lực phấn đấu, sự hy sinh gian khổ của rất nhiều thế hệ cán bộ, người lao động đã từng nhiều năm đồng cam cộng khổ trên mỗi bước đường xây dựng và phát triển của ngành, chúng ta tôn vinh, ghi nhớ công lao, đóng góp, công hiến to lớn của các thế hệ cha, anh”- Tổng cục trưởng Lê Thanh Khuyến chia sẻ.
Nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT Mai Ái Trực phát biểu tại buổi gặp mặt |
Tổng cục trưởng Lê Thanh Khuyến cho rằng, quản lý đất đai vẫn luôn là vấn đề hệ trọng của quốc gia, dân tộc, mang tính tổng hợp cả về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đặc biệt quan tâm; giải quyết đúng đắn chính sách đất đai sẽ góp phần ổn định chính trị, xã hội, đồng thời tạo nguồn lực to lớn, góp phần quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Do đó, nhiệm vụ của Ngành Quản lý đất đai trong những năm tiếp theo còn rất nặng nề, toàn Ngành cần phải phát phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo để thể nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước các chủ trương chính sách và tổ chức thực hiện nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên đất đai, phát huy tối đa nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế, xã hội trong điều kiện hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công tác xây dựng Ngành ngày càng chính quy, hiện đại đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên phát biểu tại buổi gặp mặt |
Tiếp nối truyền thống của các thế hệ cha anh, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn Ngành sẽ tiếp tục không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, trau dồi kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ phấn đấu đưa công tác quản lý đất đai ngày càng hiệu quả, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng và Nhân dân.
Tại buổi gặp mặt, nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT Mai Ái Trực, nguyên Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính Bùi Xuân Sơn, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Ruộng đất Tôn Gia Huyên đã có những chia sẻ với Ngành quản lý đất về những kết quả trong 75 năm qua. Đồng thời, mong muốn trong thời gian tới Ngành sẽ phát huy truyền thống, kết quả đã đạt được tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó.
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính Bùi Xuân Sơn phát biểu tại buổi gặp mặt |
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân khẳng định: Trải qua những chặng đường lịch sử (3/10/1945- 3/10/2020), Ngành Quản lý đất đai đã từng bước lớn mạnh và trưởng thành vững chắc, có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ trưởng cho rằng, quản lý đất đai là vấn đề hệ trọng, mang tính tổng hợp cả về kinh tế và chính trị - xã hội, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta rất quan tâm. Giải quyết đúng đắn chính sách đất đai sẽ tạo thêm động lực, góp phần quan trọng để đạt được những thành tựu to lớn của sự nghiệp cách mạng nước ta.
Để đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa trong thời gian tới, toàn thể cán bộ nhân viên ngành Quản lý đất đai phải đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ cơ bản sau: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật đất đai phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN tạo môi trường pháp lý thuận lợi để Nhà nước “nắm chắc, quản chặt” quỹ đất đai thông qua việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19 của Ban chấp hành Trung ương, tổng kết thi hành Luật đất đai; tăng cường chỉ đạo, tổ chức triển khai và kiểm tra việc thi hành pháp luật về đất đai; đánh giá tác động của các chính sách, pháp luật đất đai đối với phát triển kinh tế, xã hội; nghiên cứu xây dựng Bộ Luật Đất đai.
Toàn cảnh buổi gặp mặt |
Xây dựng chiến lược sử dụng đất quốc gia có tầm nhìn dài hạn đến 2045 đáp ứng với yêu cầu an ninh lương thực, phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh đảm bảo nguồn lực đất đai được sử dụng một cách có hiệu quả bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên và môi trường sinh thái.
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống dữ liệu đất đai, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về đất đai trên tất cả các lĩnh vực; xây dựng hệ thống thông tin đất đai thành một bộ phận của hệ thống dữ liệu quốc gia; xây dựng hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai theo hướng hiện đại, chuyển dần các hoạt động đăng ký, giao dịch trong lĩnh vực đất đai sang giao dịch điện tử; tổ chức việc quản lý, khai thác, vận hành hệ thống thông tin đất đai; cập nhật, chỉnh lý kịp thời các dữ liệu địa chính, điều tra cơ bản về đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất, thống kê, kiểm kê đất đai và các dữ liệu khác thuộc cơ sở dữ liệu đất đai.
Tập trung điều tra cơ bản, đánh giá tiềm năng và chất lượng đất đai toàn quốc, trong đó chú trọng việc điều tra các vùng đặc thù về thoái hóa, xâm nhập mặn, ngập úng, khô hạn, hoang mạc hóa, xói mòn, rửa trôi, ô nhiễm đất phục vụ quản lý, sử dụng đất bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; đổi mới phương pháp thực hiện và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong công tác thống kê, kiểm kê đất đai định kỳ và theo chuyên đề nhằm cung cấp số liệu chính xác phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai và phát triển kinh tế xã hội.
Hoàn thiện công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung và phương pháp theo công nghệ tiên tiến trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lồng ghép với các yếu tố môi trường và biến đổi khí hậu;
Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát biến động tài nguyên đất đai và việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; ưu tiên giám sát việc quản lý, sử dụng đất chuyên trồng lúa, đất rừng góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đảm bảo môi trường sinh thái trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn ra ngày một phức tạp.
Hoàn thiện hệ thống cơ chế tài chính về đất đai với các yêu cầu cụ thể như hệ thống định giá đất trở thành công cụ tài chính điều tiết các quan hệ đất đai và quản lý thị trường bất động sản; xây dựng hệ thống phát triển quỹ đất bảo đảm phát triển và quản lý quỹ đất một cách chặt chẽ, hợp lý, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội.
Kiện toàn, nâng cao năng lực bộ máy tổ chức cho Ngành đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo chức năng thống nhất quản lý Nhà nước về đất đai trên phạm vi cả nước, có sự phân công, phân cấp rõ ràng, hoạt động có hiệu quả, đủ năng lực thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước và các dịch vụ công về đất đai. Phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ ngang tầm trình độ tiên tiến của các nước trong khu vực.
Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ trong lĩnh vực đất đai nhằm cung cấp những luận cứ khoa học để hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật đất đai; ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng và thử nghiệm các giải pháp khoa học - công nghệ trong quản lý và sử dụng đất đai bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường năng lực hoạt động của các tổ chức nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ trong lĩnh vực quản lý đất đai.
Thứ trưởng tin tưởng, với truyền thống tốt đẹp trong suốt 75 năm qua ngành Quản lý đất đai sẽ tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết đổi mới sáng tạo vượt qua khó khăn, thử thách hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao góp phần vào công cuộc phát triển bền vững của đất nước.
Dưới đây là một số hình ảnh PV Báo TN&MT ghi lại tại buổi lễ:
|
|