Bà Nguyễn Thị Thu (cầm súng bên phải) cùng cha mình đang lái đò được nhà báo Đoàn Công Tính chụp vào năm 1972 |
Đó là bà Nguyễn Thị Thu (SN 1954), ở làng Giang Hến, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, nay là Tiểu khu 5, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Ký ức một thời
Ghé thăm Bảo tàng thành cổ Quảng Trị ngày nay, không ít du khách sẽ nán lại rất lâu trước bức ảnh một cụ già chèo đò với nụ cười sảng khoái bên cạnh một thiếu nữ trẻ tay ôm chắc súng và nhiều chiến sĩ bộ đội giải phóng tươi cười, hớn hở.
Có lẽ khi xem bức ảnh ấy, ai cũng muốn hỏi: Giờ này họ ở đâu? Cuộc sống ra sao?. PV đã tìm hiểu và được biết bức ảnh do nhà báo Đoàn Công Bính chụp vào thời điểm đang diễn ra cuộc chiến 81 ngày đêm. Cụ già trong ảnh tên Nguyễn Con và đã chết vì bạo bệnh sau ngày đất nước thống nhất, còn cô thiếu nữ mang tên Nguyễn Thị Thu 45 năm sau trận chiến ác liệt, cô du kích lái đò trẻ tuổi năm nào nay đã là bà nội, bà ngoại.
Đến nhà bà Thu, chúng tôi ấn tượng với đầy những giấy khen, hình ảnh chụp cùng các chiến sĩ bộ đội giải phóng tham gia trận chiến bảo vệ thành cổ, trong đó có bức ảnh bà cùng cha chồng mình đi trên thuyền năm ấy.
Nâng niu những bức ảnh, bà Thu nhớ lại, năm bà vừa tròn 18 tuổi (1972) thì quân Mỹ chiếm đánh thành cổ. Để bảo vệ thành cổ, quân ta phải huy động lực lượng để đánh bật các đợt tấn công của quân địch. Thời điểm đó muốn đưa được bộ đội vào thành nhanh và an toàn chỉ có một con đường duy nhất là dùng đò vượt sông Thạch Hãn.
Bà Thu bồi hồi nhớ lại những lần mình đã chở bộ đội vượt sông Thạch Hãn để chiến đấu vì dân tộc |
“Vừa vào du kích được khoảng 3 tháng thì tôi nhận được nhiệm vụ làm giao liên, cùng cha chồng chèo đò chở bộ đội và vũ khí, lương thực vượt sông Thạch Hãn chi viện cho thành cổ...”- bà Thu nhớ lại.
Tuy gọi là con dâu, nhưng thời điểm đó bà Thu và con trai “thuyền trưởng” Nguyễn Con chỉ vừa làm lễ dạm hỏi. Chiến tranh ác liệt, nam nữ thanh niên xung phong vào trận tuyến. Thế là nữ du kích xung phong lên đường, tình nguyện cùng cha chồng tương lai lái đò rẽ sóng bổ sung lực lượng cho trận chiến.
Giữa “mưa bom, bão đạn” của kẻ thù, hai cha con bà Thu vẫn kiên cường, tận dụng tốt mọi thời cơ để chèo đò đưa bộ đội, vũ khí qua sông một cách an toàn nhất.“Có lần đang làm nhiệm vụ thì bị địch phục kích, các chiến sĩ giục hai cha con nhảy xuống sông bơi vào chỗ an toàn. Nhưng hai cha con vẫn quyết bám đò để hoàn thành nhiệm vụ”- bà Thu kể.
Trong khoảng thời gian đó, khúc sông Thạch Hãn đoạn từ xã Triệu Long, Triệu Giang, Triệu Thành đã trở thành tuyến đường huyết mạch đưa quân giải phóng vào chiến trường. Từng có lúc mọi người ví dòng sông này là “dòng sông chết”.
Huân chương kháng chiến cao quý được Nhà nước trao tặng cho cô du kích xưa |
Ngoài công việc giao liên, bà Thu còn đảm trách nhiệm vụ đưa bộ đội bị thương về an dưỡng ở hậu phương. Trong những lần ấy, chứng kiến bộ đội ta bị thương vong rất nhiều, bà đã cảm thấy vô cùng day dứt. “Những chiến sĩ của ta ngày đó còn rất trẻ. Tôi vẫn nhớ có một lần chở thương bệnh binh về tuyến sau, khi đò đã cập bến an toàn thì có một chiến sĩ trẻ chỉ kịp kêu lên một tiếng “mẹ ơi đau quá…” rồi trút hơi thở cuối cùng”- bà Thu rướm mắt nói.
Cuộc đời vẫn tươi đẹp
Chiến tranh kết thúc, bà trở về với cuộc sống đời thường. Năm 1976, bà Thu kết hôn với ông Nguyễn Câu (con trai cụ Nguyễn Con). Đến năm 1978, cụ Con vì tuổi cao sức yếu, bệnh tật nên qua đời.
Những năm sau cuộc chiến, bà không hề biết tấm ảnh có hình mình và cha chồng được in trên các báo. Sau này, qua một người cùng làng thì mới biết tấm hình đó được in lớn trên báo và cả sách, được treo trang trọng trong Bảo tàng thành cổ. “Gia đình biết cả việc chủ nhân bức ảnh đi tìm mình và những người trong hình nhưng hai vợ chồng “không dám” đến nhận, bởi lẽ “nhận mình là người trong ảnh để làm chi?”- bà Thu khiêm tốn nói.
Mãi đến năm 2007, khi nhà báo Đoàn Công Tính tìm gặp lại, hai người mới nhận ra nhau. Bức hình được ông Tính sang lớn rồi tặng cho gia đình.
Giờ đây, bà Thu tự hào vì quá khứ mình làm được và vui vẻ sống một cuộc sống hạnh phúc... |
Nói về cuộc sống hiện tại, bà cho hay vẫn thường bị ám ảnh bởi bom đạn và sự chết chóc. Bản thân bà cũng từng bị thương nên sức khỏe cũng đã giảm sút rất nhiều.“Nhiều đêm nằm ngủ bà ấy vẫn hay giật mình. Sức khỏe giờ cũng đã yếu nhiều nên ở nhà chỉ phụ giúp chăn nuôi lợn, gà. Cuộc sống của gia đình tôi cũng vất vả, phụ thuộc cả vào công việc cào hến may nhờ rủi chịu ở con nước trên sông Thạch Hãn”- ông Nguyễn Câu (chồng bà Thu) chia sẻ.
Vượt qua mọi đau thương, bà cùng chồng chung tay xây dựng cuộc sống. Rồi những đứa con lần lượt ra đời, vợ chồng bà phải làm việc cật lực hơn để trang trải cho cuộc sống và nuôi nấng các con nên người. Hiện tại, 4 người con của bà đã khôn lớn, lập gia đình và có công việc ổn định.
“Cuộc sống của tôi tuy còn nhiều khó khăn, nhưng vẫn không thể nào so sánh được với những hy sinh, mất mát của các chiến sỹ đã ngã xuống vì đất nước. Tôi vẫn còn sống được đến ngày hôm nay đã là một điều may mắn rồi...”, bà Thu nghẹn ngào.
Bài & ảnh:Văn Dinh – Anh Dũng