Gần đất xa trời nhưng cụ bà hơn 80 tuổi vẫn phải vác đơn đi khiếu nại

12/06/2014 00:00

(TN&MT) - Với cách "đá bóng ban bật" để giải quyết công việc của các ban ngành tỉnh Điện Biên thì hy vọng của người dân có lẽ còn xa vời.

(TN&MT) - Cùng nằm trong danh sách bị thu hồi đất để phục vụ dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 12 và xây dựng điểm tái định cư tại phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ nhưng so với 22 hộ gia đình khác tại tổ 10 thì anh Võ Văn Bình cùng mẹ là Phan Thị Bẩy có phần may mắn hơn khi được UBND TP. Điện Biên Phủ linh động cấp cho mỗi mẹ con một suất đất tái định cư. Nhưng vì sao đã hơn 3 năm kể từ khi giao đất phục vụ dự án, suất đất của con thì không được cấp GCNQSDĐ, còn người mẹ tuổi già sức yếu vẫn phải đi gõ cửa các cơ quan khiếu nại việc thu tiền sử dụng đất không đúng các quy định của pháp luật (?).
  
  
  
Đất và GPXD đã được cấp nhưng người dân không dám xây vì phải nộp tiền sử dụng đất quá cao


Có đất nhưng không dám xây nhà?

 Bà Phan Thị Bẩy, 82 tuổi, trú tại tổ 10, phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ lấy chồng là ông Võ Văn Năm, nguyên cán bộ Nông trường quốc doanh Điện Biên, chiến sĩ Điện Biên thuộc sư đoàn 316. Năm 1995 vợ chồng quyết định mua đất, tài sản trên đất với diện tích gần 2000m2 tại khu ki ốt C13 nông trường (nay là tổ dân phố số 10, phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ). Đầu năm 2011, khi được thông báo sẽ bị thu hồi đất, vợ chồng bà nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương chính sách của Nhà nước về việc giao đất, giao nhà phục vụ dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 12 và xây dựng điểm tái định cư tại phường Thanh Trường.

 Sau hơn một năm, ngày 9/11/2012, ông Nguyễn Huy Dự, Chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ ban hành quyết định số 23/QĐ-UBND, giao đất làm nhà cho vợ chồng bà với diện tích là 100m2, thời hạn sử dụng lâu dài. Ngày 25/11/2012, gia đình nhận được phiếu chuyển thông tin địa chính số 286/TT-ĐC của văn phòng ĐKQSDĐ TP. Điện Biên Phủ kính gửi Chi cục thuế TP. Điện Biên Phủ để xác định nghĩa vụ tài chính phải nộp, phiếu chuyển này cũng chính là thông báo cho người sử dụng đất biết để đi nộp tiền sử dụng đất, phí và lệ phí theo quy định của pháp luật.

 Khi đến Chi cục thuế TP. Điện Biên Phủ nộp tiền sử dụng đất, bà mới ngã ngửa người ra khi cơ quan thuế yêu cầu bà phải nộp tiền sử dụng đất đối với diện tích 100m2 (suất đất tái định cư) được UBND TP. Điện Biên Phủ cấp cho. Bà không đồng ý bởi trong phương án bồi thương, hỗ trợ và tái định cư theo QĐ số 243/QĐ-UBND ngày 7/4/2011 của UBND TP. Điện Biên Phủ thì 100m2 đất có nhà ở của gia đình bà chỉ được bồi thường, hỗ trợ 70 triệu đồng (bị truy thu tiền sử dụng đất 50%). Vì vậy, bà đã làm đơn khiếu nại lên ông chủ tịch thành phố bởi bà cho rằng gia đình chỉ phải đóng tiền sử dụng đất 50% chứ không phải 100% như văn phòng ĐKQSDĐ yêu cầu.

 Cũng chính vì không rõ phải đóng bao nhiêu tiền sử dụng đất nên ngay cả khi có quyết định giao đất, có giấy phép xây dựng nhưng bà Bẩy không dám xây nhà bởi sợ sau này khi nhà xây xong rồi, số tiền phải nộp vượt quá khả năng chi trả của gia đình nên đến giờ này đất thì có nhưng bà vẫn phải đi ở nhờ nhà người khác.
  
  
  
Nhà ông Võ Văn Bình cũng bị đập đi như thế này để giải phóng mặt bằng
  


 Con trai của bà là ông Võ Văn Bình cũng thuộc diện được cấp một suất đất tái định cư tại tổ 10, phường Thanh Trường. Mặc dù ông Bình đã hoàn thành mọi nghĩa vụ tài chính với nhà nước (đóng đủ 100% tiền sử dụng đất với số tiền 452 triệu đồng) thế nhưng tới thời điểm này vẫn không được cấp GCNQSDĐ với lí do "chưa có biên bản bàn giao thực địa của phòng TNMT TP. Điện Biên Phủ".

Tắc ở thành phố hay tỉnh?

 Tiếp chúng tôi tại phòng làm việc, khi được hỏi về trường hợp của bà Bẩy, ông Nguyễn Huy Dự, Chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ bày tỏ "quan điểm cá nhân tôi cho rằng trường hợp của bà Bẩy chỉ phải nộp 50% tiền sử dụng đất vì dự án lấy 100m2 đất có nhà ở cũng chỉ truy thu tiền sử dụng đất 50% của gia đình bà ấy. Hơn nữa do gia đình bà Bẩy không có nơi ở nào khác nên thuộc đối tượng được bố trí tái định cư, điều này là phù hợp với Quyết định số 01/2010/QĐ-UBND ngày 18/01/2010 của UBND tỉnh Điện Biên."

 Ông có ý kiến gì về trường hợp ông Võ Văn Bình?. Lí do vì sao hộ gia đình nhà ông Bình đã đóng đầy đủ tiền sử dụng đất nhưng lại không được bàn giao thực địa để lấy căn cứ xin cấp GCNQSDĐ?. Ông Dự cho biết: Thứ nhất khu đất (có phần diện tích đã cấp cho hộ gia đình ông Bình) đó chưa giải toả mặt bằng do người dân không đồng ý phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nên chưa chịu bàn giao đất, thứ hai là vì UBND tỉnh Điện Biên chưa ban hành quyết định thu hồi tổng thể diện tích của khu đất này. Chính vì thế nên UBND phường Thanh Trường cũng như phòng TN&MT TP. Điện Biên Phủ không thể cắm mốc bàn giao thực địa cho người dân được. Điều đó dẫn tới việc chậm chễ trong quá trình cấp GCNQSDĐ cho người dân.
  
  
  
Nhiều hộ gia đình đã hoàn tất việc bàn giao mặt bằng nhưng suất tái định cư lại không có


 Sự thật có đúng như vậy hay không?. Theo tìm hiểu chúng tôi được biết trước đó, ngày 03/10/2013, sở TN&MT tỉnh Điện Biên có văn bản số 568/ STNMT-QLĐĐ trả lời nội dung đề nghị của UBND TP. Điện Biên Phủ xin ý kiến về trường hợp của hộ gia đình bà Bẩy. Nội dung văn bản cũng nhất trí với việc bố trí suất tái định cư cho bà Bẩy, còn việc thu tiền sử dụng đất thì phải áp dụng khoản 4, điều 23, Quyết định số 01/2010/QĐ-UBND ngày 18/01/2010 của UBND tỉnh Điện Biên. Đối với việc hỗ trợ tái định cư thì đề nghị UBND TP. Điện Biên Phủ phối hợp cùng sở Xây dựng xác định suất tái định cư tối thiểu để làm căn cứ hỗ trợ tái định cư theo quy định tại điều 19, Nghị định 69/2009/NĐ-CP ban hành ngày 13/8/2009 của Chính phủ.

 Còn sở Xây dựng thì sao?. Bằng văn bản số 960/SXD-HTKT, QLN&BĐS ngày 26/12/2013 trả lời UBND TP. Điện Biên Phủ về việc "làm thế nào để xác định được diện tích đất ở tái định cư tối thiểu tại đô thị trên địa bàn tỉnh Điện Biên" thì sở này đưa ra cách tính kích thước một lô đất quy hoạch xây dựng nhà ở phải dựa vào quy hoạch chi tiết xây dựng khu đất tái định cư đã được phê duyệt, quy mô đường phố... và đảm bảo các yêu cầu theo quy định tại mục 2.8.9 của Quy chuẩn số QCVN: 01/2008/BXD Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch Xây dựng. Văn bản này cũng được gửi UBND tỉnh Điện Biên đề nghị xem xét, quyết định.
  
  
Bà Bẩy ngồi như bất động bởi bà đã quá mệt mỏi khi phải đi lại nhiều lần đòi quyền lợi chính đáng của mình


 Như vậy có thể thấy quả bóng trách nhiệm đang được đá từ cơ quan này sang ban ngành khác của tỉnh Điện Biên. Người dân bao năm chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, kêu khắp các cửa quan nhưng không được giải quyết nên giờ không còn biết kêu ai nữa. Nhà đã mất, đất người có người không, cuộc sống cơ cực bủa vây lấy họ hơn 3 năm qua phải chăng đến từ họ hay vì sự thiếu nhất quán của các ban ngành tỉnh Điện Biên?.

 Nhìn ánh mắt người vợ cựu chiến binh chiến sĩ Điện Biên năm xưa không thể không đau lòng, ánh mắt của sự hy vọng xen lẫn đắng cay, hờn tủi. Vì sao bao nhiêu năm cống hiến cuộc đời cho đất nước, đến khi gần đất xa trời thì cả mẹ lẫn con đều không có nổi lấy một mái nhà chui ra chui vào khi trái nắng trở trời?. Bà Bẩy nói câu cuối cùng khi chia tay chúng tôi "chồng tôi mất đã hai năm, hiện nay còn một mình tôi tuổi già sức yếu sắp chết tới nơi nhưng vẫn chưa có nhà ở. Một lần nữa tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm xem xét thu tiền sử dụng đất của gia đình tôi, cụ thể là phải nộp bao nhiêu tiền để tôi còn yên tâm về cõi vĩnh hằng, chứ đi lại nhiều làm tôi mệt mỏi lắm rồi."
  
Bài và ảnh: Mạnh Hưng
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gần đất xa trời nhưng cụ bà hơn 80 tuổi vẫn phải vác đơn đi khiếu nại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO