Đây là khảo sát về khí hậu đầu tiên của EIB thực hiện tại các quốc gia châu Phi bao gồm Angola, Cameroon, Côte d'Ivoire, Ai Cập, Jordan, Kenya, Maroc và Tunisia.
Theo kết quả khảo sát, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng tiêu cực đến sinh kế của người dân châu Phi, với 61% cho rằng thu nhập của họ bị ảnh hưởng. Những tổn thất này thường là do hạn hán nghiêm trọng, mực nước biển dâng cao, xói mòn bờ biển hoặc các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như bão lụt.
57% số người châu Phi tham gia khảo sát cho biết, họ hoặc những người mà họ biết đã thực hiện một số hành động để thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, như đầu tư vào các công nghệ tiết kiệm nước để giảm tác động của hạn hán.
Trong khi đó, hơn 1/3 (34%) số người được hỏi đánh giá biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất mà người dân ở đất nước họ đang phải đối mặt, bên cạnh những thách thức lớn khác như lạm phát hoặc khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Khi được hỏi về các nguồn năng lượng mà đất nước họ nên đầu tư, 76% người châu Phi cho rằng nên ưu tiên cho năng lượng tái tạo, vượt xa nhiên liệu hóa thạch (13%). Ông Ambroise Fayolle, Phó Chủ tịch EIB cho biết: “EIB đã hỗ trợ đầu tư năng lượng sạch ở Châu Phi, như năng lượng gió, thủy điện và các giải pháp hệ thống năng lượng mặt trời không nối lưới trong nhiều năm. EIB sẵn sàng sử dụng đầy đủ các công cụ tư vấn và tài chính để hỗ trợ các đối tác nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu, thích ứng với các tác động tiêu cực và đảm bảo quá trình chuyển đổi công bằng”.
EIB đã hoạt động ở châu Phi từ năm 1965 và đến nay đầu tư tổng cộng 59 tỷ euro (62 tỷ USD) vào 52 quốc gia châu Phi, hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng, các công ty đổi mới và các chương trình năng lượng tái tạo, trong khu vực công và công ty tư nhân. Cụ thể, EIB đã hỗ trợ cho nhiều sáng kiến và dự án, bao gồm các lĩnh vực bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu, nền kinh tế kỹ thuật số và viễn thông, nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực, nước sạch và vệ sinh, năng lượng hợp lý, cơ sở hạ tầng bền vững, phát triển công nghiệp bền vững, phát triển đô thị, giáo dục và cho vay đối với các dự án bền vững của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các tập đoàn lớn.
Mặc dù góp phần ít nhất vào biến đổi khí hậu, nhưng Châu Phi chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi vấn đề này. Lục địa này phải đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng từ các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và biến đổi khí hậu kéo dài, ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp, an ninh lương thực và nước, hệ sinh thái, sinh kế, sức khỏe, cơ sở hạ tầng và di cư.
Biến đổi khí hậu có thể làm tăng nghèo đói, bất bình đẳng và thất nghiệp thông qua việc làm tổn hại các nguồn tài nguyên quan trọng và gia tăng cạnh tranh đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Các khoản đầu tư của EIB góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu và cho phép người dân châu Phi thích nghi với tác động không thể tránh khỏi của biến đổi khí hậu đối với cuộc sống của họ. Theo EIB, châu Phi hiện cần tăng chi tiêu thêm vài trăm tỷ euro/năm cho nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu.