Gần 60 ha đất nông nghiệp bỏ hoang vì nước thải bệnh viện

22/12/2015 00:00

(TN&MT) - Gần 60ha đất sản xuất nông nghiệp của hàng trăm hộ dân xã Quảng Thịnh (TP Thanh Hóa) đã bỏ hoang nhiều năm nay vì ảnh hưởng từ nguồn nước thải của các...

 

 

(TN&MT) - Gần 60ha đất sản xuất nông nghiệp của hàng trăm hộ dân xã Quảng Thịnh (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đã bỏ hoang nhiều năm nay vì ảnh hưởng từ nguồn nước thải của các bệnh viện lớn. Người dân rất bức xúc và đã nhiều lần phản ánh lên các cấp chính quyền nhưng rồi tất cả cũng chỉ như muối bỏ bể”.Khu vực cánh đồng rộng lớn này nằm sau lưng các bệnh viện việc lớn của tỉnh trên tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông ( phường Đông Vệ và Quảng Thắng, TP Thanh Hóa). Hơn 60 ha đất trước kia trồng lúa thì nay chỉ còn là bãi đất hoang với bèo tây, cỏ dại và vũng tù nước đọng màu đục lờ có chỗ đen ngòm, đóng váng và đầy rác. Đã nhiều năm qua người dân xã Quảng Thịnh phải bỏ hoang vì trồng lúa năm nào cũng mất mùa.

Gần 60ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang do ảnh hưởng từ nước thải từ các bệnh viện.
Gần 60ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang do ảnh hưởng từ nước thải từ các bệnh viện.

Ông Đỗ Khắc Lâm - Trưởng thôn Trường Sơn, xã Quảng Thịnh cho biết:  Đã hơn 10 năm nay, hàng trăm người dân ở thôn không thể canh tác vì trồng lúa xong lại chết. Chúng tôi đã nhiều lần viết đơn cầu cứu gửi lên chính quyền các cấp nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Còn ông Nguyễn Văn Sơn (thôn Trường Sơn, xã Quảng Thịnh) thì thở dài nói: Do bị ô nhiễm nặng nên 3.000 m2 đất nông nghiệp của gia đình tôi đành bỏ hoang. Trước kia, cuộc sống của 6 nhân khẩu nhà tôi trông chờ vào nghề nông. Nhưng nay nguồn thu chính mất đi, chúng tôi đành tìm công việc khác kể cả làm thuê làm mướn.

Trao đổi với chúng tôi ông Vũ Mạnh Linh - Phó Bí thư Đảng ủy xã Quảng Thịnh xác nhận, tại xã có gần 60 ha đất nông nghiệp chủ yếu thuộc các thôn Trường Sơn, Tiến Thọ bị bỏ hoang.Nguyên nhân do nguồn nước thải từ các bệnh viện thải ra, ngấm sâu vào đất gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới sự sinh trưởng, phát triển của các loại cây trồng. Tình trạng này được người dân và địa phương phát hiện khoảng từ năm 2009 và đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền các cấp. Nhiều đoàn chức năng về kiểm tra, khảo sát, tìm hướng xử lý. Tuy nhiên, đến nay, các ngành chức năng cấp trên vẫn chưa có biện pháp gì.

Nước thải từ các bệnh viện tuyến tỉnh vẫn đang thải ra cánh đồng xã Quảng Thịnh.
Nước thải từ các bệnh viện tuyến tỉnh vẫn đang thải ra cánh đồng xã Quảng Thịnh.

Tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Thanh Hóa, báo cáo của Sở TN&MT Thanh Hóa chỉ rõ gần 60 ha đất sản xuất nông nghiệp của xã Quảng Thịnh (TP Thanh Hóa) bị ô nhiễm nặng do nước thải từ các bệnh viện gây ra. Đây là khu đất nằm sau các bệnh viện tỉnh như: Bệnh viện Nhi, Đa khoa, Phụ Sản, Da liễu, Mắt, và Tâm thần. Báo cáo cũng nêu nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng này do các bệnh viện nói trên đều được xây dựng từ những năm 60, 70 của thế kỷ 20. Đến nay hệ thống hạ tầng kỹ thuật thu gom và xử lý nước thải đã xuống cấp, không còn hoạt động nên việc tách nước thải chưa triệt để. Do đó, nước thải y tế từ các bệnh viện đã thải trực tiếp ra cánh đồng lúa của người dân xã Quảng Thịnh. Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan là do các bệnh viện hiện nay đang trong tình trạng quá tải.

Điển hình như tại bệnh viện Nhi Thanh Hóa, số giường bệnh được giao là 500 giường nhưng số giường kê thực lên đến 700 giường. Công tác bảo vệ môi trường tại đây chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống nước thải của bệnh viện được xây dựng từ năm 2002 đến nay đã xuống cấp nhưng không được bảo dưỡng, sửa chữa, nước thải chưa được xử lý đã thải trực tiếp ra môi trường.

Người dân nơi đây vẫn đang trông chờ các ngành chức năng sớm đưa khu vực đất nông nghiệp ô nhiễm vào quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng để không lãng phí tài nguyên đất. Và nhất là sớm khắc phục tình trạng nước tải ô nhiễm ở các bệnh viện tuyến tỉnh mới là biện pháp lâu dài.

                                                                             Bài & ảnh: Thanh Tâm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gần 60 ha đất nông nghiệp bỏ hoang vì nước thải bệnh viện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO