Gần 40% diện tích rừng Amazon không được bảo vệ
(TN&MT) - Các nhà khoa học cho rằng việc bảo vệ rừng Amazon là rất quan trọng để chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu, nhưng dữ liệu mới đây cho thấy những khu vực rừng rộng lớn quan trọng nhất đối với khí hậu trên thế giới vẫn không được bảo vệ.
Theo phân tích của tổ chức phi lợi nhuận Amazon Conservation (Mỹ), gần 40% diện tích rừng mưa Amazon quan trọng nhất đối với việc hạn chế biến đổi khí hậu vẫn chưa được chính phủ cấp quyền bảo vệ đặc biệt dưới dạng khu bảo tồn thiên nhiên hoặc bản địa.
Dữ liệu cho thấy các khu vực này nằm ở phía Tây Nam xa xôi của Amazon ở Peru và phía Đông Bắc ở Brazil, Guiana thuộc Pháp và Suriname. Ông Matt Finer, người đứng đầu Dự án Giám sát Rừng Amazon vùng Andes (MAAP) của Amazon Conservation cho biết, những khu vực đó của Amazon có những cây lớn nhất, rậm rạp nhất và tán cây che phủ liên tục nhất.
Điều đó có nghĩa là những khu vực này chứa nhiều carbon nhất, giải phóng vào khí quyển dưới dạng khí nhà kính làm khí hậu nóng lên nếu rừng bị phá hủy hoặc khai thác gỗ. Theo ông Finer, điều đó cho thấy lộ trình tổng thể về một số khu vực có lượng carbon cao nhất cần được bảo vệ và chỉ ra những khu vực nguyên sơ nhất của Amazon vẫn còn tồn tại.
Dữ liệu xác định vị trí và tình trạng bảo vệ của những khu vực này lần đầu tiên được chia sẻ độc quyền với Reuters. Amazon Conservation đã phân tích dữ liệu mới từ công ty hình ảnh vệ tinh Planet sử dụng tia laser để có được hình ảnh ba chiều của khu rừng và kết hợp nó với các mô hình học máy.
Phân tích của MAAP cho thấy, 61% diện tích đỉnh carbon ở Amazon được bảo vệ như các khu bảo tồn bản địa hoặc các vùng đất được bảo vệ khác, nhưng phần còn lại thường không được xác định chính thức.
Tại Brazil, Suriname và Guiana thuộc Pháp, mức độ bảo vệ thấp hơn với chỉ 51% diện tích đỉnh carbon được bảo vệ. Peru bảo vệ tỷ lệ cao hơn các khu vực quan trọng của mình, nhưng một số khu vực không được bảo vệ dành riêng cho mục đích khai thác gỗ.
MAAP đã công bố một phân tích vào tháng trước cho thấy Amazon chứa 71,5 tỷ tấn carbon, gần gấp đôi lượng khí thải carbon dioxide toàn cầu trong năm 2022. Phân tích đó cho thấy Amazon chỉ hấp thụ nhiều carbon hơn một chút so với lượng carbon thải ra trong thập kỷ trước năm 2022, một tín hiệu tích cực cho khí hậu thế giới. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề gây tranh cãi gay gắt, khi các nghiên cứu khác cho thấy Amazon đã đảo ngược để trở thành nguồn phát thải.