Gần 10 năm “chật vật”, tuyến metro Bến Thành - Tham Lương giờ ra sao?

Theo Báo Giao Thông | 03/11/2019 13:51

Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội về Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP HCM, Bến Thành - Tham Lương.

Keyword đầu tiên có dấu
Tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương

2 lần lùi thời gian hoàn thành, dự kiến 2026 mới có thể đưa vào khai thác

“Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP HCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương được UBND TP HCM phê duyệt từ tháng 10/2010, hiện nay đang thực hiện các thủ tục để điều chỉnh theo ý kiến chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền” - đây là một trong những thông tin đáng ý nhất trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về tuyến tàu điện ngầm này.

Cũng theo Chính phủ, tiến độ hoàn thành dự án sau khi được điều chỉnh lùi từ năm 2018 sang năm 2020 đã phải một lần nữa “lỡ hẹn” khi mốc thời gian hoàn thành dự án tiếp tục được đẩy lùi về năm 2026.

Căn cứ vào tình hình thực tế của dự án, do thực hiện điều chỉnh thiết kế cơ sở; tính toán, cập nhật lại tổng mức đầu tư nên thời gian hoàn thành Dự án cũng phải điều chỉnh tương ứng. Dự kiến điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến năm 2026, trong đó, các công việc khảo sát, thiết kế nền tảng và tổ chức đấu thầu được thực hiện từ năm 2011 đến năm 2020. 5 năm sau đó, từ 2021- 2026 là khoảng thời gian dành cho thi công trước khi kiểm tra, vận hành chạy thử và bàn giao khai thác vào cuối năm 2026", báo cáo của Chính phủ cho biết.

Được biết, về công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, hiện TP HCM đã cơ bản hoàn thành các thủ tục và bắt đầu triển khai việc chi trả bồi thường, tiếp nhận mặt bằng trên địa bàn 6 quận bị ảnh hưởng bởi dự án. Đến nay, khoảng 18% số hộ dân bị ảnh hưởng đã nhận bồi thường và khoảng 9% số hộ dân đã bàn giao mặt bằng. Dự kiến, đến tháng 6/2020, sẽ hoàn thành công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư và giao mặt bằng cho dự án.

Về thiết kế và tổ chức đấu thầu các gói thầu chính, việc tuyển chọn các tư vấn chính để triển khai công tác quản lý dự án, thiết kế làm rõ thiết kế cơ sở và lập hồ sơ mời thầu các gói thầu chính đã hoàn thành. Trên cơ sở thiết kế cơ sở điều chỉnh, chủ đầu tư đã lập và thẩm định hồ sơ điều chỉnh dự án theo quy định. Gói thầu xây lắp đầu tiên (tòa nhà trung tâm vận hành của tuyến tàu điện ngầm số 2 sau này) đã triển khai thi công và cơ bản hoàn thành.

Theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về cho phép triển khai công tác lựa chọn nhà thầu song song với quá trình điều chỉnh dự án, chủ đầu tư đã hoàn thiện và phát hành hồ sơ mời thầu các gói thầu CP5 - Cơ điện hệ thống (thiết kế và sản xuất đầu máy toa xe, hệ thống thông tin tín hiệu…), gói thầu CP3a và CP3b - Thiết kế và thi công hầm và các nhà ga ngầm. Các gói thầu khác sẽ tiếp tục được phát hành hồ sơ mời thầu sau khi dự án điều chỉnh được phê duyệt bao gồm: Gói thầu CP2 - Hạ tầng cơ sở depot Tham Lương; Gói thầu CP4 - Cầu cạn, nhà ga trên cao, kết cấu chuyển tiếp và đường dẫn vào depot; Gói thầu CP5 - Cơ và điện hệ thống; Gói thầu CP6 - Công trình đường ray; Gói thầu CP7 - Cơ và điện phi hệ thống.

Tổng mức đầu tư liên tục thay đổi

Đáng chú ý, Chính phủ cho biết, tổng mức đầu tư của dự án đã được UBND TP HCM phê duyệt năm 2010 là 1.374,5 triệu USD (tương đương 26.116 tỷ VNĐ), từ nguồn vốn vay ADB (540 triệu USD), KfW (313 triệu USD), EIB (195 triệu USD) và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước (6.204 tỷ VNĐ, tương đương 326,5 triệu USD).

Đến năm 2018, tổng mức đầu tư Chính phủ trình Quốc hội tăng lên thành 2.134 triệu USD (tương đương 47.891,28 tỷ VNĐ).

“Hiện nay, trên cơ sở tiếp thu ý kiến thẩm định của các bộ ngành, các nhà tài trợ, Tổ chuyên gia thẩm định - do Thủ tướng Chính phủ thành lập, tham khảo ý kiến của Kiểm toán Nhà nước đối với dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và kết quả thẩm tra độc lập của Liên danh MMS-UTC, kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định điều chỉnh dự án, ý kiến của Bộ Xây dựng về áp dụng định mức, đơn giá và về thiết kế cơ sở điều chỉnh của dự án, tổng mức đầu tư đang được UBND TP HCM xem xét điều chỉnh là 2.090,62 triệu USD (tương đương 47.890,91 tỷ đồng)” - Chính phủ thông tin.

 

Giải quyết nhu cầu đi lại của người dân về phía Tây Bắc TP HCM

Dự án tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú của TP HCM, tuyến metro số 2 có đoạn tuyến đi ngầm dài khoảng 9,2 km; đoạn tuyến đi trên cao, chuyển tiếp và đường dẫn depot dài khoảng 2 km. Công trình này còn bao gồm 9 ga ngầm, 1 ga trên cao và 1 depot…

Mục tiêu của dự án là bổ sung phương thức vận chuyển khối lượng lớn nhằm giải quyết nhu cầu đi lại của người dân từ trung tâm thành phố về phía Tây Bắc và ngược lại, làm cơ sở phát triển các tuyến đường sắt đô thị khác sau này.

Sự hình thành của tuyến tàu điện ngầm số 2, như trình bày của Chính phủ, sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và cải thiện môi trường đô thị dọc tuyến.

Đặc biệt, dự án sẽ kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và tương lai là tuyến số 5, số 3b, số 4 và số 6 tạo thành một hệ thống đường sắt đô thị thuận lợi trung chuyển hành khách dọc theo trục Đông - Tây vào trung tâm TP.

Tuyến metro số 2 sau khi hoàn thành đầu tư cả giai đoạn 2 (Bến Thành - Thủ Thiêm, Tham Lương - Bến xe Tây Ninh) và giai đoạn 3 (Bến xe Tây Ninh - Tây Bắc Củ Chi) còn góp phần chỉnh trang đô thị dọc tuyến, thúc đẩy phát triển nhanh 2 khu đô thị mới của thành phố là Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gần 10 năm “chật vật”, tuyến metro Bến Thành - Tham Lương giờ ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO