Gác rừng giữa mùa khô

01/04/2015 00:00

(TN&MT) - Tháng Ba nắng như thiêu đốt cỏ cây, các cánh rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (gọi tắt là KBT) được báo động cấp 5, cấp cực kỳ nguy...

 

(TN&MT) - Tháng Ba nắng như thiêu đốt cỏ cây, các cánh rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (gọi tắt là KBT) được báo động cấp 5, cấp cực kỳ nguy hiểm. Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Phó Giám đốc KBT kiêm Hạt trưởng Hạt kiểm lâm KBT đăm chiêu nét mặt khi bản đồ tác chiến phòng chống cháy rừng (PCCR) được biểu thị trên 100.000ha của KBT với tình yêu cháy bỏng: “Đây là cấp đánh giá tình yêu, trách nhiệm của lực lượng bảo vệ rừng khi mùa khô đến”.

Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Phó giám đốc, Hạt trưởng kiểm lâm KBT đang chỉ cho chúng tôi thấy những khu vực rừng ở mức cực kì nguy hiểm trên bản đồ.
Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Phó giám đốc, Hạt trưởng kiểm lâm KBT đang chỉ cho chúng tôi thấy những khu vực rừng ở mức cực kì nguy hiểm trên bản đồ.

Tết dài

 

Cuối tháng 2/2015, dân cư sinh sống tại các cánh rừng KBT tạm gác việc rẫy vườn, chộn rộn đón Xuân mới. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm KBT lại được lệnh phải đảm bảo quân số túc trực 24/24 tại các cánh rừng để bảo vệ lâm sản, thú, chim và phòng chống cháy rừng. Mùa xuân trôi qua thật căng thẳng với tất cả cán bộ nhân viên làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, khi biểu thị bản đồ phòng chống cháy rưng (PCCR) của KBT được báo động cấp 4, cấp 5 và biểu thị đó sẽ kéo dài qua tháng 3, tháng 4, khi mùa Xuân kết thúc.

 

Theo kế hoạch, tất cả các lực lượng kiểm lâm tại 17 trạm, kiểm lâm lưu động phải bảo đảm quân số 50% trực ngày tết. Tuy nhiên, dưới sức ép của rừng mùa khô, tình yêu và trách nhiệm, các anh em được lệnh của lãnh đạo KBT phải sẵn sàng gác lại kỳ nghỉ tết, phép đến mùa mưa (trừ trường hợp đột xuất và cấp thiết) để bảo vệ cho những cánh rừng mãi xanh, dưới cái nắng giòn tan lớp thực bì. Vì vậy, quân số bảo vệ rừng luôn ở mức trên 70% tại các đơn vị và rừng an toàn qua những ngày Xuân nắng gắt.

Ông Thành (trước) và ông Văn tham gia công tác PCCR mùa khô
Ông Thành (trước) và ông Văn tham gia công tác PCCR mùa khô

Tháng 2 qua nhanh trong sự hồi hộp, vui mừng. Tháng 3 lại chậm chạp đếm từng ngày với nỗi lo của người bảo vệ rừng: “Thời gian thi công các đường băng cản lửa PCCR trùng với thời gian thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp nên việc thuê nhân công lao động gặp khó khăn. Mùa khô người dân thường xuyên ra vào rừng để thu hoạch sản phẩm nông nghiệp nên việc kiểm soát người ra vào rừng phức tạp hơn. Cho nên, lực lượng bảo vệ rừng phải đảm bảo quân số làm nhiệm vụ và kết hợp với 4 phương châm tại chỗ: chỉ huy, lực lượng, phương tiện và hậu cần” - ông Nguyễn Hoàng Hảo cho hay.

 

Nói rồi ông Hảo điều xe cùng chúng tôi đi thăm những cánh rừng, những chòi canh, điểm gác lúc nào cũng có lực lượng “quân, dân” túc trực với can nước, bình xịt, điện thoại… kè kè bên mình sẵn sàng nghe ngóng, trong đầu luôn đề phòng ứng phó với các tình huống xảy ra theo các phương án giả định đã được KBT tập huấn. Ông Hảo vừa ngồi trên xe vừa cho biết, mùa khô nào cũng vậy, KBT đều thành lập và tổ chức hoạt động 1 ban chỉ huy PCCR; 3 tiểu ban PCCR; 17 tổ PCCR ở 17 trạm kiểm lâm; 1 ban chỉ đạo thi công PCCR. Đây là lực lượng nòng cốt và chịu trách nhiệm triển khai thực hiện công tác PCCR của KBT. Chức năng, nhiệm vụ  của từng bộ phận được quy định cụ thể trong các Quyết định thành lập và quy chế hoạt động của Ban chỉ huy PCCR mùa khô năm 2014-2015.

Hành trang mùa khô của kiểm lâm khi lên đường tuần tra PCCR
Hành trang mùa khô của kiểm lâm khi lên đường tuần tra PCCR

Tình yêu rừng

 

Chiếc xe tuần rừng đỗ xịch trước sân Trạm kiểm lâm Cây Gùi (ấp 4, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Trạm trưởng Nguyễn Văn Chiến và kiểm lâm viên Tiến vội ra đón tiếp. Sau câu chào khách, hai anh trần tình lý do trạm vắng lực lượng không phải anh em được nghỉ phép, nghỉ tuần mà đang trực chiến tại các chốt, điểm xung yếu của trạm. Ngoài 9 anh em kiểm lâm theo biên chế của trạm, đơn vị còn được bổ sung thêm những kiểm lâm bán chuyên nghiệp, là người dân tại địa bàn theo hợp đồng trả lương hẳn hoi.

 

Chục năm nay, hai ông: Nguyễn Văn Thành và Trương Văn (người dân ấp 4, xã Mã Đà) liên tục được Trạm kiểm lâm Suối Trau ký hợp đồng bảo vệ rừng mùa khô và giao khoán nhiệm vụ làm các đường băng cản lửa, dọn thực bì. Vốn là người gắn với các cánh rừng Mã Đà thời kỳ “phá rừng làm rẫy, khai thác lâm sản” khi thủy điện Trị An đang thi công, ông Thành, ông Văn luôn có nhiều kinh nghiệm để đối phó với “giặt lửa”. Ông Văn nói: “Chỉ cần nhìn từ xa thấy khói trắng nhẹ thì biết đó là khói do người ta nấu ăn, đốt dọn vườn. Còn nhìn thấy khói cuộn màu đen, tàn bay lả tả là chắc chắn cháy rừng, cháy lớn ở đó phải báo động lực lượng dập lửa”.

Trong khi đó, ông Thành thì thấm nhuần tình yêu rừng qua vai trò người tổ trưởng nhân dân cho hay, rừng giờ là của chung của mọi người nên trách nhiệm phải chia nhau bảo vệ. Hằng ngày, đi rẫy, đi rừng nhìn những cánh rừng xanh tốt, muôn thú xuất hiện trước mặt, người dân thì bỏ thói quen “ăn thịt rừng, làm nhà bằng cây rừng”, ông Thành rất vui, tự hào là người dân sinh sống trong rừng thời đại mới. Chính vì vậy, dù đồng tiền hỗ trợ của trạm đối với người dân hợp đồng PCCR mùa khô khiêm tốn, ông Thành vẫn bám điểm gác đúng giờ, tuần tra liên tục và nhắc nhở bà con luôn cẩn thận lửa, củi khi vào rừng, kịp thời thông tin về những tác động xấu lên rừng cho cán bộ kiểm lâm và ông.

 

Xe lại chạy về hướng chòi canh khoảnh 2, tiểu khu 102, Trạm kiểm lâm Rang Rang (ấp 5, xã Mã Đà). Cái chòi canh cao 45 mét bằng sắt và có “cặp mắt thần” của cha con ông Mai Lành, Mai Văn Tài (người dân được đơn vị hợp đồng gác rừng mùa khô) thay phiên nhau gác. Anh Tài cho biết, hôm nay anh có nhiệm vụ thay cha đứng chòi canh gác rừng từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Nhiệm vụ của anh là đứng liên tục nửa giờ đồng hồ trên chòi canh, quan sát tứ bề xung quanh xem rừng có động tĩnh gì hay không. Sau đó, sẽ leo xuống lấy xe máy chạy về hướng những điểm xung yếu, nghi vấn để kịp thời báo cáo.

Còn kiểm lâm viên Trương Minh Ngọc (người được phân công cùng cha con ông Lành bám gác) thì đặt cái bình xịt, can nước từ bìa rừng đi ra nói trong hơi thở dốc vì nắng, vì mệt: “Từ sau Tết đến nay, mình luôn bám nhiệm vụ 24/24 theo sự phân công của thủ trưởng. Tuy tất cả anh em kiểm lâm phải tạm dừng đợt nghỉ phép, nghỉ tết vì nhiệm vụ PCCR mùa khô nhưng bù lại vẫn có ngày nghỉ tuần và thù lao làm thêm giờ, nên ai cũng vui và chờ những cơn mưa rừng trút xuống để được bên gia đình. Làm gì thì làm chứ điện thoại reo từ 12 giờ trưa đến 18 giờ chiều anh em ai cũng lo, cũng hồi hộp, vì không biết đó là tin tốt hay tin xấu”.

 

Bữa cơm rừng đạm bạc mùa nắng tại các trạm kiểm lâm, các bàn ăn luôn trống, cơm canh đạm bạc, ăn vội và không có rượu bia mời khách. Tuy vậy, câu chuyện bảo vệ rừng, PCCR mùa khô không kém phần rôm rả khi chủ và khách tranh luận “vật chất và ý thức cái nào có trước”, khi nói về kết quả của người làm công tác kiểm lâm với truyên truyền về rừng. Mặc cho điều gì có trước, có sau, miễn rừng KBT vẫn không bắt lửa, xanh tươi và những người kiểm lâm KBT an tâm khi nghỉ tuần, trực chiến và khoác hành trang về thăm nhà ngày phép.

     

Hơn 100.300ha rừng của KBT thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai luôn thách thức lực lượng kiểm lâm KBT mùa khô hạn năm 2015. Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Phó giám đốc KBT, kiêm Hạt trưởng hạt kiểm lâm KBT cho biết, KBT luôn đề ra các tình huống giả định trong phương án PCCR để có kế hoạch ứng phó, dập đám cháy. Tuy nhiên, bao năm nay, tình huống giả định đó chưa từng xảy ra. Dù vậy, lực lượng kiểm lâm, lãnh đạo KBT vẫn luôn đề cao cảnh giác và tất cả đều ưu tiên số một cho công tác PCCR mùa khô.

                                                                           

Bài & ảnh: Thục Vy

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gác rừng giữa mùa khô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO