Tác giả trò chuyện với “gã thi sĩ Lại Phiền Hà” |
Lên đỉnh đèo xây toa-lét
Tìm gặp “gã thi sĩ” trong một lần vượt đoạn đường đèo quanh co, khúc khuỷu dài gần chục kilômét để đến với đỉnh Hải Vân – nơi được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. “Gã” vừa trong rừng về với lủng củng những gốc cây mà theo “gã” là những cây thuốc nam quý hiếm mà “gã” vừa tìm đào trong rừng về để ươm trồng trong khuôn viên nhà “gã”.
Rót chén trà mời khách, “gã thi sĩ” năm nay vừa bước sang tuổi 60 chậm rãi kể về cơ duyên gắn với đỉnh đèo Hải Vân: “Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi về làm tài xế cho Cục vận tải ô tô số 6 (chuyên vận chuyển hàng hoá giữa hai nước Việt Nam và Lào). Đến khoảng năm 1989, Cục 6 bắt đầu đi vào hạch toán kinh tế và ngưng ký kết hợp đồng vận chuyển với nước bạn Lào nên mất việc. Cuộc sống vì thế rơi vào chật vật, khốn khố. Sau nhiều đêm trằn trọc, suy nghĩ, tôi quyết định bán cái nhà đang ở (phường Hoà Khách Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng – PV) để lên đỉnh đèo Hải Vân lập nghiệp. Ngay sau đó gặp sự phản đối quyết liệt từ vợ. Bà ấy nói rằng: Một ông chọn tôi, hai ông chọn cái đỉnh đèo của ông. Thế là tôi chọn cái đỉnh đèo heo hút ấy. Bán nhà được 28 chỉ vàng, tôi đưa bà ấy một nửa, còn một nửa tôi ôm lên đỉnh Hải Vân cất cái chòi để ở”.
“Gã” nhớ lại: “Lúc mới lên, nơi đây heo hút, chẳng một bóng người, chỉ có những chuyến xe đường dài thường xuyên qua lại, ghé vào nghỉ ngơi. Cuộc sống những năm đầu buồn tẻ lắm. Nhưng đến những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ 20, đỉnh đèo Hải Vân trở thành điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Chính vì thế mà nhiều đoàn du khách đã tìm đến đây để tham quan, ngắm cảnh. Hàng ngày chứng kiến cảnh du khách đi tiểu tiện bậy bạ tại những lùm cây, góc bụi, thậm chí ngay tại những cụm di tích trên Hải Vân Quan nên tôi không thể chịu được. Thế là tôi quyết định bỏ ra số vàng còn lại mua vật liệu, thuê thợ xây dựng mấy cái toa-lét để bảo vệ môi trường nơi đỉnh đèo này”.
Đèo Hải Vân - “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” |
Quan điểm đinh ninh của “gã thi sĩ” là người ta có ăn có uống thì phải có… nhu cầu ‘giải quyết” Đỉnh Hải Vân đẹp đến nỗi Hoàng đế Lê Thánh Tông xưa phải dừng gót vi hành mà ngự lãm thì xe cộ nào ra Bắc vào Nam chẳng dừng lại cho khách xuống chơi. Có chơi, có nghỉ thì tất nhiên phải có “nhu cầu ấy”. Con đèo một màu xanh bạt ngàn mà đi bậy lên thì còn ra thể thống gì. Việc làm chẳng giống ai, thậm chí nhiều người cho lão bị điên bởi lo cho các ăn bản thân chưa xong lại nghĩ đến chuyện giữ môi trường cho cái đèo nằm chót vót trên Hải Vân.
Vừa xây xong, mấy cái toa-lét của “gã” trở thành “điểm đến” không thể thiếu của du khách và những tài xế mỗi khi qua đèo Hải Vân. Giá cho mỗi lần “vào- ra” được “gã thi sĩ” ấn định: Tây 1.000, ta 500 đồng. Thu nhập mỗi ngày nhiều lắm cũng chỉ được gần 20 nghìn đồng, chỉ đủ để “gã” mua rượu nhưng “gã” vui ra mặt và tự hoà với mọi người là người đầu tiên ở Đà Nẵng (kể cả miền Trung) xây dựng toa-lét công cộng để bảo vệ môi trường.
Nét đẹp nơi “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”
Từ ngày trở thành “ông chủ” của những cái toa-lét trên đỉnh đèo, “gã” định cư luôn ở đó và trở thành người đầu tiên lên khai phá đỉnh đèo Hải Vân để làm ăn, sinh sống. Số tiền thu từ những cái toa-lét không đủ sống, “gã” mở thêm quán bán nước giải khát để đắp đổi qua ngày và ấp ủ thực hiện một ước mơ lớn hơn.
Những ngày đầu lên đây, gã thường xuyên giúp đỡ những tài xế không may gặp nạn mỗi khi qua con đèo nổi tiếng nguy hiểm này. Không những thế, những năm 80 của thế kỷ trước, đèo Hải Vân còn là nơi trú ẩn của những tên tội phạm, lợi dụng đêm tối chặn xe để cướp bóc. Và gã lại trở thành “anh hùng bắt cướp” mỗi khi có nạn nhân chạy đến cầu cứu.
Cuộc sống cứ thế trôi qua, đến năm 2005, hầm Hải Vân chính thức đưa vào hoạt động nên con đường đèo Hải Vân dài gần 20km trở thành tuyến đường du lịch. Cũng từ đó, những đoàn khách du lịch tìm đến với đỉnh Hải Vân ngày càng nhiều. Vì thế “gã” lại phải tiếp tục đầu tư nâng cấp, xây thêm những cái toa-lét mới đáp ứng nhu cầu. “Gã” không chịu dừng lại ở đó mà tiếp tục suy nghĩ làm sao để du khách dừng chân ở “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” lâu hơn, có ấn tượng hơn với nơi này. Bởi, phía đối diện với căn nhà cấp bốn của “gã” là cụm di tích Hải Vân Quan đã xuống cấp, rệu rã, nhếch nhác nên không còn thu hút du khách. Nghĩ là làm, “gã” đi đến quyết định xây dựng một khu vườn với nhiều loại hoa, cây cảnh để cho du khách ngắm chơi.
“Nghĩ là thế nhưng tiền đâu để thực hiện. Chạy đến bạn bè, người thân thì ai cũng bảo tôi khùng, đi làm cái chuyện chẳng giống ai nên không cho vay mượn. Cuối cùng tôi quyết định bán đàn bò 18 con mà tôi đã dày công gầy dựng hàng chục năm trời để có tiền thực hiện ước mơ” – “gã” tâm sự.
Thế là ròng rã suốt 3 năm trời, “gã” một mình mò mẫm, bê từng phiến đá, cục gạch để xây nên vườn thượng uyển nằm đối diện với Hải Vân Quan và đặt tên là “khu Vườn Thanh”.
Khu Vườn Thanh |
Để minh chứng cho công sức bỏ ra, “gã” mời chúng tôi thăm quan một vòng. Khi tận mắt chứng kiến, chúng tôi thật sự cảm phục sự kiên trì, quyết tâm của “gã”. Bởi một khu đồi núi rộng gần 1 héc-ta lại cao chót vót với toàn những khối đá nặng hàng chục tấn được “gã” khuất phục để bây giờ trở thành khu vườn đầy ắp sắc màu của những loại hoa, như: bằng lăng tím, hoa sứ, hoa đồng tiền, hoa giấy và cả những cây thuốc Nam quý hiếm.
“Gã” khoe: “Mặc dù khu Vườn Thanh chưa thật sự hoàn thiện, nhưng mỗi ngày có đến hàng chục lượt khách nước ngoài ghé vào tham quan. Họ rất thích thú bởi những sắc hoa khoe thắm làm tan biến sự mệt nhọc sau chặn đường vượt dốc lên đỉnh Hải Vân. Trong tương lai tôi ấp ủ một dự định trồng vườn cây cảnh dọc theo hành lang đường bộ phía nam đèo Hải Vân để du khách có ấn tượng tốt khi đến thăm quan và tìm hiểu lịch sử di tích. Bản thân tôi khi nào sức khỏe cho phép tôi sẽ tiếp tục công việc để làm đẹp cho đời”.
Chia tay với “gã” đổ dốc Hải Vân về lại Đà Nẵng, trong tôi vang vọng những câu thơ mà “gã” đọc tặng: Tôi là thi sĩ báo không ưa/Gánh nặng hai vai những sự đời/Để thân cho gió-mưa-mây phủ/Dọn rác phân hôi miệng vẫn cười/Xin bạn đừng cười mà suy ngẫm/Cái tên tự đặt Lại Phiền Hà.
Bài & ảnh: Đoàn Hằng