Bên cạnh đó, ông Nguyễn Tài Anh cũng cho hay, EVN sẽ khởi công và hoàn thành phát điện thương mại các dự án điện mặt trời Phước Thái 2, Phước Thái 3; phấn đấu khởi công dự án Nhiệt điện Ô Môn IV. Cùng đó, hoàn thành các thủ tục đầu tư, thu xếp vốn phấn đấu khởi công các dự án Nhà máy thủy điện Trị An mở rộng, Thủy điện tích năng Bắc Ái năm 2024 và dự án Nhiệt điện Ô Môn III năm 2025. Theo kế hoạch, trong năm 2023, EVN sẽ phấn đấu hoàn thành 243 công trình lưới điện từ 110 - 500 kV.
Theo báo cáo của EVN, trong năm qua, một số dự án nguồn điện quan trọng bị chậm tiến độ như Nhiệt điện Ô Môn IV, Nhiệt điện Dung Quất I&III, Thủy điện Trị An mở rộng, Thủy điện tích năng Bắc Ái. Khối lượng các dự án lưới điện cũng đạt thấp so với kế hoạch, việc triển khai các thủ tục đầu tư các dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: thỏa thuận hướng tuyến, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, chuyển đổi đất rừng.
Bên cạnh đó, trong năm 2022 đã phát sinh nhiều vướng mắc mới như thủ tục trình duyệt chủ trương đầu tư theo quy định Luật Đầu tư, công tác đấu thầu mua sắm thiết bị phải thực hiện đấu thầu nội khối, giá nguyên vật liệu tăng cao trong khi đơn giá ban hành của nhà nước chưa theo kịp nên một số gói thầu phải thực hiện xử lý tình huống hoặc hủy thầu do vượt dự toán gói thầu. Việc triển khai đầu tư các dự án cấp điện nông thôn sử dụng vốn NSNN còn chậm nên tiến độ giải ngân vốn NSNN đạt thấp so mức bình quân cả nước.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng năm 2022, giá trị khối lượng đầu tư toàn Tập đoàn năm 2022 ước đạt 89.305 tỷ đồng, bằng 92,5% KH; Giá trị giải ngân đạt 88.225 tỷ đồng, bằng 91,4%KH. Về lưới điện: đã khởi công 191 công trình, hoàn thành 183 công trình 110-500kV, trong đó đưa vào các công trình quan trọng như ĐD 500kV Vũng Áng - Quảng Trạch -Dốc Sỏi, lưới điện đồng bộ NĐ Vân Phong 1; ĐD 220kV Nậm Mô - Tương Dương, … Về cấp điện nông thôn miền núi, hải đảo, xã đảo tiếp tục được chú trọng, trong đó đã đưa vào vận hành ĐD 220kV Kiên Bình - Phú Quốc, đang triển khai thủ tục đầu tư cấp điện lưới quốc gia cho huyện Côn Đảo. Tính đến cuối năm 2022, số xã có điện trên cả nước đạt 100% và số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,7%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,53%.
Để thực hiện các dự án đúng tiến độ, chất lượng, một mặt, EVN tiến tới hoàn thiện hệ thống quy chế nội bộ về đầu tư xây dựng; thu xếp đủ và kịp vốn cho đầu tư xây dựng; cải tiến công tác chuẩn bị đầu tư để hiệu quả hơn; kiểm soát chặt chẽ giai đoạn thực hiện đầu tư; nâng cao chất lượng và rút ngắn tiến độ giai đoạn kết thúc đầu tư; áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đối số và công cụ quản lý thực hiện đầu tư xây dựng… mặt khác, EVN kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét sửa đổi các nghị định liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho các DNNN như EVN huy động các nguồn vốn; Chỉ đạo các Bộ Ngành, địa phương hỗ trợ EVN và các đơn vị giải quyết các vướng mắc liên quan đến CĐMĐSR và bồi thường GPMB các dự án điện; xem xét chấp thuận cho EVN được ký hợp đồng thế chấp tài sản để vay vốn cho Dự án NMNĐ Quảng Trạch I. Đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép Dự án NMNĐ Ô Môn III thuộc danh mục ưu tiên đầu tư của Nhà nước để áp dụng cơ chế cơ quan cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng cho Dự án theo Luật Quản lý nợ công.