Rừng nhiệt đới Amazon của Brazil bị chặt phá gần đường quốc lộ Transamazonica thuộc Apui, bang Amazonas, Brazil. Ảnh: Reuters |
Nếu các công ty thuộc Liên minh châu Âu (EU) không tuân thủ, mỗi công ty có thể bị phạt tới 4% doanh thu.
Dự thảo luật đặt ra các quy tắc thẩm định bắt buộc đối với các nhà nhập khẩu đậu nành, thịt bò, dầu cọ, gỗ, ca cao và cà phê vào EU và một số sản phẩm có nguồn gốc bao gồm da, sô cô la và đồ nội thất.
Nhiều công ty châu Âu hoạt động ở các quốc gia có nhiều vi phạm về môi trường, nhưng hiện không có bất cứ điều luật nào trên toàn EU về thẩm định hàng nhập khẩu nhằm ngăn chặn nạn phá rừng.
Khí thải từ lĩnh vực đất đai, hầu hết là do phá rừng, là nguyên nhân chính thứ hai gây ra biến đổi khí hậu, sau việc đốt nhiên liệu hóa thạch, do đó, các nhà lãnh đạo thế giới đã nhất trí tại Hội nghị thượng đỉnh COP26 vừa qua về việc chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030.
"Để thành công trong cuộc chiến toàn cầu chống lại các cuộc khủng hoảng khí hậu và đa dạng sinh học, chúng ta phải có trách nhiệm hành động ở trong nước cũng như nước ngoài", Giám đốc chính sách khí hậu của EU, ông Frans Timmermans cho biết. Theo ông, quy định về phá rừng của EU đáp ứng lời kêu gọi của công dân nhằm giảm thiểu tác động của châu Âu vào nạn phá rừng.
Nếu luật được các chính phủ EU và nghị viện châu Âu thông qua, các công ty hoạt động trong 27 quốc gia thuộc EU sẽ phải chứng minh các mặt hàng được liệt kê ở trên được sản xuất theo luật của nước sản xuất. Họ cũng sẽ phải chứng minh các mặt hàng này không được sản xuất trên bất kỳ vùng đất nào có được từ việc phá rừng hoặc vùng đất bị suy thoái sau ngày 31/12/2020, ngay cả khi hoạt động sản xuất ở đó là hợp pháp theo luật của nước sản xuất.
Ủy viên Môi trường EU, Virginijus Sinkevičius đánh giá, các quy định về chống nạn phá rừng mà EU đề xuất là nỗ lực lập pháp tham vọng nhất để giải quyết nạn phá rừng trên toàn cầu từ trước đến nay.
Đồng quan điểm, Giám đốc tổ chức môi trường châu Âu Mighty Earth, Nico Muzi cho biết: “Dự thảo luật chống phá rừng của EU thể hiện một bước tiến lớn trong cuộc chiến bảo vệ các khu rừng đang bị đe dọa trên thế giới”.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc, từ năm 1990 đến năm 2020, thế giới đã mất 420 triệu ha rừng.