Cờ Liên minh châu Âu bay bên ngoài trụ sở Ủy ban châu Âu ở Brussels, Bỉ vào ngày 21/8/2020. Ảnh: Reuters |
Nhóm các nước trên được gọi là Nhóm Ottawa sẽ trình bày các đề xuất lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào giữa tháng 12/2020 với hy vọng 164 thành viên sẽ đăng ký sớm triển khai các biện pháp vào năm 2021.
Một nhà chức trách của Ủy ban Châu Âu cho biết: “Nếu chúng ta áp dụng biện pháp vào đầu mùa xuân năm sau, chẳng hạn vào tháng 3, đó vẫn là thời điểm có liên quan đến việc quản lý đại dịch”.
Theo các quan chức EU, nhóm các quốc gia trên, không bao gồm Mỹ và Trung Quốc, mong muốn các thành viên WTO cam kết gỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu đối với vật tư y tế.
Bất kỳ hạn chế nào như vậy nên hướng đến mục tiêu rõ ràng và không làm ảnh hưởng đến sáng kiến vaccine toàn cầu mang tên COVAX nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công bằng với các mặt hàng liên quan đến COVID-19 trong cuộc khủng hoảng.
Theo nhóm trên, các thành viên WTO nên thực hiện các bước để giảm bớt dòng chảy thương mại, chẳng hạn như hợp lý hóa hải quan và không quá áp đặt đối với hàng hóa liên quan đến đại dịch trong khủng hoảng.
Họ cũng kêu gọi sự minh bạch hơn và tin tưởng rằng WTO, Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Hải quan Thế giới có thể hợp tác chặt chẽ hơn để sẵn sàng đối mặt với các đại dịch trong tương lai.
Các thành viên khác của Nhóm Ottawa là Australia, Brazil, Chile, Nhật Bản, Kenya, Hàn Quốc, Mexico, New Zealand, Na Uy, Singapore và Thụy Sĩ. Sáng kiến của nhóm này không phải là sáng kiến duy nhất liên quan đến đại dịch.
Ấn Độ, Nam Phi và các nước đang phát triển khác muốn từ bỏ các quy định sở hữu trí tuệ để cải thiện khả năng tiếp cận với các loại thuốc có giá cả phải chăng. EU, Mỹ và các quốc gia giàu có khác phản đối điều này và cho rằng các công ty dược phẩm cần có động lực tài chính để phát triển vaccine và liệu pháp và cần linh hoạt theo các quy định thương mại hiện hành.