Có thể khẳng định, năm 2022, ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 12,51%, đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng cao của cả nước; nâng tổng thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt 48.820 tỷ đồng, vượt 62% dự toán và tăng 6% so với cùng kỳ, cao nhất từ trước đến nay.

z4047312013940_dd14024fa868cf810a6ca99cd4832c7c.jpg

Để hiểu rõ hơn những đóng góp của ngành tài nguyên và môi trường vào sự phát triển chung của tỉnh, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết những kết quả ngành tài nguyên và môi trường Thanh Hóa đã đạt được trong năm qua?

Ông Lê Đức Giang: Thời gian vừa qua, Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm cao trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh xác định lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường là một trong những lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, nhưng đây cũng là tư liệu sản xuất đặc biệt, là nguồn lực quan trọng, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cấp huyện; tổ chức thẩm định, trình phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất, thời kỳ 2021 - 2030 cho 27 huyện, thị xã, thành phố; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tổ chức lập Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và tham mưu phê duyệt Phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai trong Quy hoạch tỉnh. Trong năm đã tham mưu, trình HĐND tỉnh chấp thuận thông qua danh mục thu hồi 4.259,7ha đất để thực hiện 1.510 dự án; chấp thuận chuyển mục đích 1.491,11ha đất lúa, 183,158 ha đất rừng sản xuất, 10,01ha đất rừng phòng hộ để thực hiện 1.214 dự án đầu tư; phê duyệt danh mục dự án đấu giá quyền sử dụng đất, kế hoạch định giá đất cụ thể trên địa bàn tỉnh năm 2022 với tổng số tiền trúng đấu giá là 6.579 tỷ đồng. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án được quan tâm chỉ đạo, đã bàn giao 2.940,84ha mặt bằng sạch cho nhà đầu tư để kịp thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án quy mô lớn, trọng điểm như: Dự án đường cao tốc Bắc Nam; dự án Đường giao thông Vạn Thiện - Bến En; các tuyến đường ven biển...

z4047311990827_cc8ad3d570b1b0f70ea0517522065a5a.jpg

Tài nguyên nước được tăng cường và đi vào nền nếp. Đã thực hiện cắm 393 mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước trên 18 đoạn sông; đo triều - mặn trên hệ thống sông Mã, sông Yên, sông Bạng; cấp 39 giấy phép và chấm dứt hiệu lực của 3 giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Trong lĩnh vực quản lý bảo vệ môi trường, đã chỉ đạo, tổ chức triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020; cấp 16 giấy phép môi trường và chỉ đạo, xây dựng Đề án di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu đô thị, khu dân cư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh; phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Danh mục các điểm ô nhiễm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật, các điểm không còn ô nhiễm môi trường và các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật tiếp tục điều tra, đánh giá chi tiết trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo kiểm tra, giám sát tại 93 cơ sở đang sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh và đã xử lý vi phạm hành chính đối với 12 đơn vị, phạt tiền 494.000.000 đồng. Công tác thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt toàn tỉnh được đôn đốc thực hiện quyết liệt và đạt 90,1% (vượt 1,1% so với chỉ tiêu được giao). Trong đó, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) được xử lý bằng công nghệ đốt là 170.203 tấn, khối lượng CTRSH được xử lý bằng biện pháp chôn lấp là 438.031 tấn, khối lượng CTRSH được tái chế là 13.593 tấn.

z4047312014090_bb6ba6c26f1016dd353512d44ee4ba1c.jpg

Đối với hoạt động khoáng sản, đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 71-KH/TU ngày 31/5/2022 thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị; tập trung chỉ đạo quyết liệt, kiểm tra, ngăn chặn và chấn chỉnh kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, nhất là hoạt động kinh doanh, lập bến bãi tập kết cát, sỏi lòng sông; lắp đặt và thường xuyên kiểm tra các trạm cân, camera tại các mỏ hoạt động khai thác khoáng sản. Tổ chức kiểm tra hoạt động khai thác đá đối với 32 đơn vị trên địa bàn tỉnh; quyết định cấp 13 giấy phép thăm dò, 10 giấy phép khai thác khoáng sản; phê duyệt trữ lượng 12 mỏ; thu hồi, đóng cửa 16 mỏ; phê duyệt phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản 7 mỏ cát; phê duyệt kế hoạch đấu giá cấp quyền khai thác 27 mỏ khoáng sản.

UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, ban hành Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; phê duyệt chủ trương thực hiện nhiệm vụ “Xác định chiều rộng, ranh giới và cắm mốc giới hành hành lang bảo vệ bờ biển”… Theo đó, tình trạng xói lở và bồi lắng vùng cửa sông và ven biển trên địa bàn tỉnh được điều tra, đánh giá; các giải pháp bảo vệ bờ biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh biến đổi khí hậu được chấp hành, thực hiện nghiêm túc, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Năm 2022, tỉnh đã tổ chức thanh tra chuyên ngành đối với 231 dự án đầu tư có sử dụng đất; xử lý việc vi phạm pháp luật về đất đai đối với các công trình đã xây dựng trên đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; các tồn tại, vướng mắc, vi phạm trong sử dụng đất được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật (Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 44 trường hợp (43 doanh nghiệp, 1 cá nhân) với tổng số tiền 3.800,88 triệu đồng).

PV: Ông đánh giá như thế nào về Luật Đất đai (sửa đổi) sắp được Quốc hội thông qua và những tác động tới phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa?

Ông Lê Đức Giang: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đề xuất nhiều chính sách mới, quan trọng để khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nói chung và của tỉnh Thanh Hóa nói riêng trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Luật Đất đai (sửa đổi) có tác động sâu rộng đến quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành có sử dụng đất, quy hoạch tỉnh. Các quy hoạch này phải tương tác để mang lại hiệu quả tốt hơn cho quản lý sử dụng đất cũng như góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Quy hoạch sử dụng đất có 3 cấp là quốc gia, tỉnh, huyện. Thông qua quy hoạch đất đai này, tiếp tục khẳng định vai trò của nhân dân, khẳng định sự tham gia của người dân, thể hiện tính dân chủ. Những vấn đề liên quan thu hồi đất, quản lý đất đai phải dựa vào quy hoạch sử dụng đất.

Cùng với đó là vấn đề định giá đất, tài chính đất, theo đó, sẽ thay đổi lại toàn bộ phương pháp định giá đất. Hiện có rất nhiều bảng giá, khung giá, giá đất cụ thể nhưng thực tế tính chính xác chưa cao. Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã bỏ khung giá đất và xác định bảng giá đất hằng năm, đặc biệt, phải đổi mới phương pháp định giá để phù hợp giá thị trường. Giá thị trường là giá đất mang tính phổ quát nhất trong điều kiện bình thường, không có biến động.

Do vậy, khi Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành, kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hoá, đặc là việc thu hút đầu tư các dự án lớn trên địa bàn tỉnh; khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện về đất đai, đầu cơ và sử dụng đất đai một cách lãng phí.

z4047312003389_cfa032de6be6019fbd544bf0293cc57e.jpg

PV: Để ngành tài nguyên và môi trường “bứt phá” trong những năm tới, tỉnh Thanh Hóa cần làm những gì, thưa ông?

Ông Lê Đức Giang: Để ngành tài nguyên và môi trường “bứt phá” trong những năm tới. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành tài nguyên và môi trường thực hiện quyết liệt, chấp hành nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đảm bảo thượng tôn pháp luật trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai nói riêng và tài nguyên môi trường nói chung.

Lựa chọn hình thức, nội dung phù hợp để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tài nguyên và môi trường đến các cấp chính quyền, các tổ chức, doanh nghiệp, người dân nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ tài nguyên và môi trường, góp phần vào phát triển bền vững.

Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của 27 huyện, thị xã, thành phố; đảm bảo không gian, chỉ tiêu sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả và chính xác nhằm phát huy tính dẫn dắt phát triển của quy hoạch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đáp ứng các mục tiêu phát triển đến năm 2030, Thanh Hóa trở thành tỉnh công nghiệp, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại.

Tập trung hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách đất đai của các đơn vị, cá nhân; tham mưu nhanh chóng, kịp thời những vấn đề phát sinh mới; trọng tâm là đề xuất cơ chế, chính sách thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo, đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường ven biển, dự án Quảng trường biển Sầm Sơn và các dự án thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn, TP. Sầm Sơn...; tổ chức thực hiện, quản lý, khai thác quỹ đất có hiệu quả.

Đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đo đạc, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; từng bước đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ gắn tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh của tỉnh.

Tham mưu hiệu quả cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong xử lý những vấn đề mang tính chiến lược của tỉnh về biến đổi khí hậu; đề xuất giải pháp tăng cường quản lý, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên nước. Chấn chỉnh kịp thời công tác cấp phép tài nguyên khoáng sản; quan tâm công tác bảo vệ môi trường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc nổi cộm về sử dụng đất, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gắn với giải quyết và xử lý dứt điểm các đơn thư khiếu nại, tố cáo; nâng cao chất lượng dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo thiên tai. Tích cực triển khai các hoạt động quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo; cải thiện môi trường lưu vực sông... Bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái đặc hữu, các khu bảo tồn thiên nhiên, cảnh quan sinh thái, di sản thiên nhiên.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Bài: Nguyễn Dũng

Thiết kế: Trần Hanh

z4047311973608_5eb2084cf97defe7a49965e53b3518db.jpg
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
[Emagazine] Thanh Hóa phát huy nguồn lực tài nguyên để phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO