Đường nối cao tốc Hải Phòng - Hạ Long: Bồi thường đất nông nghiệp thành đất bãi triều

16/04/2014 00:00

(TN&MT) - UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định thu hồi đất nông nghiệp của các hộ dân đang canh tác xây dựng phân khu đa chức năng thuộc KĐT du lịch sinh thái văn...

(TN&MT) - UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định thu hồi đất nông nghiệp của các hộ dân đang canh tác xây dựng một số phân khu đa chức năng thuộc khu đô thị du lịch sinh thái văn hóa Hạ Long, nhưng khi đền bù thì chỉ bằng giá đất bãi bồi, rẻ hơn nhiều so với giá trị đất nông nghiệp đang canh tác đã khiến dân bất bình và khiếu kiện tới các cơ quan chức năng song chưa được giải quyết thỏa đáng.
   
  Được biết, năm 1995 hộ ông Nguyễn Văn Trung, tổ 2, khu Quỳnh Trung, phường Đại Yên, TP. Hạ Long (Quảng Ninh) đã nộp đơn xin khai hoang, phục hóa và được HTX Đại Minh, UBND xã Đại Yên (nay là phường Đại Yên) xác nhận giao cho 3 ha để nuôi trồng thủy sản. Năm 2003, P. Đại Yên thực hiện đo đạc bản đồ địa chính, với diện tích 34.242,7m2. Gia đình ông Trung đã cải tạo một phần bãi phù sa để trồng lúa nước, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản, nhưng tới năm 2006 do đê ngăn nước mặn của Đại Yên bị vỡ, không thể trồng lúa do nước nhiễm mặn cao. Ông đã tiến hành thuê máy xúc đào 4 ao lớn, đến năm 2010 thì bê tông toàn bộ diện tích ao trên để nuôi tôm thẻ chân trắng. Sau đó ông còn đầu tư xây dựng thêm 5 bể nuôi tôm giống, một nhà kho, phòng thí nghiệm, tường bao, hệ thống điện 3 pha, cột điện, đường bê tông dẫn từ đường lớn vào đầm, chòi canh… với tổng kinh phí trên 1,9 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến công sức cải tạo đất của cả gia đình ông trong nhiều năm qua, cũng như đầu tư trồng các loại cây lâu năm như: Dừa, vải, táo, nhãn… trị  giá hàng chục triệu đồng.
   
  Ngày 21/4/2010, UBND tỉnh Quảng Ninh có Thông báo số 17/TB-UBND tới 37 hộ dân có diện tích đất nông nghiệp về việc GPMB dự án: Tạo quỹ đất sạch xây dựng một số phân khu đa chức năng thuộc khu đô thị du lịch sinh thái văn hóa Hạ Long, hiện tại Trung tâm phát triển quỹ đất – Sở Tài nguyên và Môi trường đã và đang triển khai công tác GPMB. Và tới ngày 1/3/2013 UBND TP. Hạ Long ra Thông báo thu hồi đất số 208/TB-UBND, trong đó hộ ông Trung thuộc diện thu hồi đất nông nghiệp vĩnh viễn 4.861,4 m2. Ông Trung cho biết,  Trung tâm phát triển quỹ đất Thành phố chưa kiểm đếm thiệt hại về đất nhưng lại kiểm đếm thiệt hại về vật kiến trúc nằm trên đất để bồi thường.
   
  Đến ngày 25/1/2014, UBND TP. Hạ Long ra tiếp Quyết định số 197/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho 8 hộ dân và đơn vị phường Đại Yên để thực hiện dự án: Tuyến đường nối TP. Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Trong đó, diện tích thu  hồi vĩnh viễn nhà ông Trung 20.011,9m2, được bồi thường 6.000/m2 (tương đương 120.071.400 đồng), hỗ trợ 285.280.000 đồng (hỗ trợ đất bãi triều ven biển 20%). Và tổng mức bồi thường, hỗ trợ là 1 tỷ 329 triệu đồng.
   
    
Hệ thống ao nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Trung được đầu tư kiên cố,
hiện đại đã bị “biến tướng” thành đất bãi triều để đền bù, hỗ trợ.
   
  Tại khoản 2, Điều 17, Quyết định số 499/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh có nêu: Hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp trong địa giới hành chính phường, trong khu dân cư thuộc thị trấn, khu dân cư nông thôn; thửa đất nông nghiệp tiếp giáp với ranh giới phường, ranh giới khu dân cư có đủ điều kiện được bồi thường thì ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp cùng mục đích sử dụng còn được hỗ trợ theo quy định: Đối với đất rừng sản xuất là rừng trồng, đất bãi triều được hỗ trợ bằng 20% giá trị đất ở trung bình; đối với đất nông nghiệp còn lại hỗ trợ bằng 35% giá trị đất ở trung bình.
   
  Cũng theo phương án đền bù, hạn mức đất ở mà gia đình ông Trung được tính là 160m2 x 5 lần (tương đương 800m2) và xác định loại đất thu hồi là đất bãi triều, mức hỗ trợ 20% giá đất ở. Thực tế, theo Quyết định số 499/2010/QĐ-UBND thì gia đình ông Trung phải được hưởng mức hỗ trợ đối với đất nông nghiệp là 35%, bởi gia đình ông đã đắp ao, bê tông hóa bờ ao, đầu tư công nghệ nuôi trồng thủy sản theo hình thức công nghiệp, chứ không phải đất bãi triều tận thu và không bị tác động lớn của nước thủy triều lên xuống và UBND TP. Hạ Long cũng cần xem xét lại hạn mức đất ở cho người dân để tránh thiệt thòi!. Ngoài ra, trong quá trình kiểm kê tài sản, Hội đồng kiểm kê đã “bỏ sót” nhiều máy móc, thiết bị mà gia đình ông Trung đã đầu tư để nuôi tôm công nghiệp. Ông Trung cho biết thêm: Dự án thu hồi gần như hết đất của gia đình, nên các máy móc đó coi như sẽ đắp chiếu đợi bán sắt vụn, nên gia đình đề nghị được đền bù.
   
  Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Nhã, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP. Hạ Long cho biết: “Trung tâm đang làm báo cáo gửi lên Hội đồng thành phố để xem xét đơn khiếu nại của gia đình ông Nguyễn Văn Trung, bởi nếu “y án” bồi thường theo Quyết định số 197/QĐ-UBND của Thành phố Hạ Long, ngày 25/1/2014 thì thiệt thòi cho người dân”. Trên thực tế, đây là khu vực nuôi trồng thủy sản gần khu dân cư, gần Quốc lộ 18, lại được người dân cải tạo, nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp từ lâu. Do đó, Hội đồng đền bù thành phố Hạ Long cần phải xem xét lại phương án đền bù, bồi thường, hỗ trợ cho người nông dân một cách thỏa đáng.
   
Lê Xuân
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đường nối cao tốc Hải Phòng - Hạ Long: Bồi thường đất nông nghiệp thành đất bãi triều
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO