Đứng vững trên đôi chân của mình

Đại tá, PGS.TS Nguyễn Thanh Tú| 29/04/2022 18:52

(TN&MT) - Ngày 30 tháng 4 năm 1975 mãi mãi đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc như một mốc son chói lọi mở ra một kỷ nguyên mới: Đất nước thống nhất, non sông liền một dải, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân ta tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội như mong ước của Bác Hồ kính yêu: “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”.

Những ngày này, chúng ta càng nhớ Bác - người khai sinh ra Đất nước, người mở lối cho dân tộc ta vững bước đi lên. Quan điểm đối ngoại của Bác là ánh sáng đi tới chiến công: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”. “Chiêng” càng to, càng tốt “tiếng” vang vọng càng xa. Đồng thời, nghe “cái tiếng” người ta hiểu “cái chiêng” như thế nào. “Cái tiếng” sẽ mời gọi, gắn nối, lan tỏa... Thế nên, muốn hợp tác quốc tế thành công phải phát huy độc lập, tự chủ, phải mạnh ở “thực lực”, “trong ấm ngoài êm”. Có “thực lực” để độc lập thực sự mới có thể tạo ra thế và lực thì bạn bè mới phục ta. Bác Hồ đã nêu ra một chân lý: “Sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng, nhưng không được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”. Đó là chân lý cho tất cả, cho mọi người, cho mọi dân tộc: Phải đứng vững trên đôi chân của mình!

Không phải ngẫu nhiên lịch sử Việt Nam có ngày 30/4 vĩ đại. Chiến thắng 30/4 là sự kế thừa, tiếp nối, kết tinh, phát triển và nâng cao tinh hoa văn hóa giữ nước có trong bốn nghìn năm với những Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa... chói lọi chiến công của cha ông; Là do sự lãnh đạo tài tình của Bác Hồ và Đảng ta lấy điểm tựa truyền thống yêu nước hướng về ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã phát huy đến mức cao nhất tinh thần yêu nước nồng nàn của dân ta, kết hợp sức mạnh nội sinh với đoàn kết quốc tế...

t4.jpg

Cùng với phát huy sức mạnh nội sinh, đường lối đối ngoại sắc sảo, cương quyết và mềm dẻo mà điển hình là trên bàn đàm phán về Hiệp định Paris đã tạo đà để Việt Nam đi đến thắng lợi 30/4/1975. Ảnh: TTXVN

Thấm nhuần quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định thắng lợi của khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng ở Việt Nam trước hết và chủ yếu là dựa vào đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam, dựa vào sự nỗ lực chủ quan của quân và dân Việt Nam, dựa vào những khả năng về chính trị, tinh thần và vật chất của dân tộc Việt Nam… Không chỉ thể hiện quan điểm coi cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, đây còn là thể hiện lòng tin vào sức mạnh của nhân dân và dân tộc.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tư tưởng “tự lực cánh sinh là chính” được kế thừa từ kháng chiến chống thực dân Pháp, phát huy và trở thành phương châm chiến lược: Chỉ có thực lực mới là yếu tố quyết định thắng lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đã đề ra đường lối cách mạng và đường lối tiến hành chiến tranh cách mạng dựa vào sức mình là chính; phát động, tổ chức, khai thác mọi lực lượng của nhân dân, của đất nước để giành thắng lợi. Nhân dân Việt Nam hiểu rằng, phải tự mình đứng lên kháng chiến, giành độc lập tự do cho Tổ quốc, không thể nhờ ai làm thay. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là thắng lợi của cuộc tổng động viên tối đa tinh thần tự lực, tự cường; huy động một cách cao nhất sức người, sức của, nhân tài, vật lực của toàn dân tộc để tạo thành sức mạnh nội sinh làm nên thắng lợi. Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trước hết và chủ yếu là do sự hy sinh, phấn đấu cực kỳ anh dũng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Nhìn từ phương diện đối ngoại có thể thấy nổi bật đó là bài học về đoàn kết quốc tế dưới ánh sáng đường lối độc lập, tự chủ của tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì cuộc kháng chiến chống Mỹ của ta là chính nghĩa và chủ yếu dựa vào tinh thần tự lực cánh sinh để chống lại kẻ xâm lược nên nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân thế giới, nhất là các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Ngay từ Hội nghị Trung ương 12 (12/1965) đến Hội nghị Trung ương 13 (1/1967), Đảng chủ trương tiến hành đấu tranh trên ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao, vừa đánh vừa đàm, trong đó đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng. Năm 1967, quân dân ta đánh mạnh trên chiến trường buộc Mỹ phải xuống thang và chịu ngồi vào bàn đàm phán. Đảng đã đề ra những chủ trương đúng đắn “Dựa vào sức mình là chính, đồng thời dựa vào sự giúp đỡ của phe xã hội chủ nghĩa, ta ra sức đánh bại “chiến tranh cục bộ” của Mỹ trên chiến trường miền Nam và đánh bại chiến tranh phá hoại ở miền Bắc”.

Đó là bài học vô luận trong hoàn cảnh nào cũng phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, mềm dẻo, đúng đắn trong quan hệ với các nước lớn, vừa hợp tác vừa đấu tranh. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam có thời điểm vào đúng lúc phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có bất đồng, Việt Nam vẫn kiên trì giữ vững đường lối độc lập, tự chủ, kiên trì đoàn kết quốc tế. Chúng ta rất cần sự ủng hộ, giúp đỡ về chính trị, về vũ khí, khí tài quân sự của Liên Xô (cũ), Trung Quốc. Đảng đã tìm ra những nét tương đồng và khác biệt trong quan hệ giữa mỗi nước với Việt Nam để xác định lợi ích và chính sách của họ để rồi từ đó tìm ra một mẫu số chung là tất cả đều ủng hộ chính nghĩa. Trên nền tảng đạo lý, lẽ phải, cùng với đường lối độc lập, tự chủ, ta càng tranh thủ được sự giúp đỡ to lớn của nhiều nước anh em, nhiều tổ chức tiến bộ trên thế giới.

doan-xe-tang-quan-giai-phong.jpg

Đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn. Ảnh: tư liệu

Đó là bài học tích cực, chủ động trên mặt trận ngoại giao. Nhờ tích cực và chủ động, chúng ta nắm chắc thái độ và lập trường của các nước liên quan, nắm rõ âm mưu của Mỹ về đàm phán chỉ là “kế hoãn binh”. Để phù hợp với tình hình, Đảng phát huy cao nhất vai trò của Mặt trận Dân tộc giải phóng, phát huy cao độ vai trò mặt trận yêu nước với các đoàn thể công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, học sinh, trí thức, tôn giáo cùng các Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam... để tạo ra sức mạnh chính trị tổng hợp cũng là sức mạnh ngoại giao trong các mối quan hệ quốc tế.

Bài học về sức mạnh nội sinh và đoàn kết quốc tế, ngoại giao mềm dẻo chưa bao giờ phôi phai giá trị.

Mới đây nhất, từ phương châm phát huy sức mạnh nội sinh và đoàn kết quốc tế, ngoại giao mềm dẻo, chúng ta đã khống chế và vượt qua đại dịch Covid-19 và hồi phục mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín trên trường quốc tế.

Hiện nay, chúng ta đang thiết lập quan hệ với 189 (trong tổng số 193 quốc gia) thành viên của Liên hợp quốc, trong đó quan hệ đặc biệt với 3 nước, đối tác chiến lược với 17 nước, đối tác toàn diện với 13 nước. Nhất quán nguyên tắc “bốn không”, không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, Việt Nam giữ vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị; đa phương hóa, đa dạng hóa.

Trong xu hướng chung hướng về hòa bình nhưng trên thế giới, tiếng súng xung đột vẫn còn đe dọa sự bình yên ở một số quốc gia, một nguyên nhân dễ thấy đó là hậu quả của một đất nước bất ổn bởi không có tinh thần độc lập tự chủ tự lực tự cường; đánh mất sự tôn trọng hòa bình; vô ơn với lịch sử dân tộc; vi phạm nguyên tắc ngoại giao.

  Bởi vậy, bài học đứng vững trên đôi chân của mình, bài học tự lực tự chủ tự cường, bài học đoàn kết để tạo ra sức mạnh nội sinh gắn liền với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ trên cơ sở vì hòa bình, phát triển và thịnh vượng của Việt Nam, lúc nào cũng là thời sự!.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đứng vững trên đôi chân của mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO