Dừng tổ chức hàng loạt lễ hội trên cả nước vì dịch virus corona |
Ngày 1/2, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết cơ quan này đã có văn bản yêu cầu dừng tổ chức tất cả lễ hội trên địa bàn tỉnh để đảm bảo phòng chống dịch virus corona.
“Đầu năm là mùa lễ hội, sở và các địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng các lễ hội, phục vụ nhân dân và du khách. Nhưng diễn biến đại dịch cúm do virus corona đang bùng phát rất phức tạp, Sở Văn hóa và Thể thao đã thông báo cho ngừng tất cả các lễ hội và hoạt động văn hóa, thể thao tập trung đông người” – ông Hải cho biết thêm.
Những lễ hội đầu năm ở Huế buộc phải dừng gồm: Lễ hội Đền Huyền Trân diễn ra trong 2 ngày 1/2 và 2/2, chương trình nghệ thuật chào mừng 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào tối 3/2.
Trước diễn biến biến phức tạp của dịch virus corona, tỉnh Bình Dương cũng đã chỉ đạo hủy một số lễ hội đông người, đồng thời đề nghị cho người lao động đến từ vùng có dịch được nghỉ làm để theo dõi sức khỏe.
Trong đó có lễ kỷ niệm 5 năm hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Yamaguchi (Nhật Bản), dự kiến diễn ra ngày 7/2 (14 tháng giêng) với nhiều hoạt động, dự kiến thu hút hàng ngàn công chúng của cả hai nước. Ban tổ chức đã chính thức thông báo hủy lễ hội này dù công tác chuẩn bị đã hoàn tất.
Ngoài ra còn lễ hội rằm tháng giêng, trong đó có lễ hội Miếu Bà Thiên Hậu (Thủ Dầu Một) là lễ hội lớn của khu vực Nam Bộ, theo truyền thống có tới hàng trăm ngàn du khách khắp nơi. UBND TP Thủ Dầu Một cho biết do đây là lễ hội của cộng đồng tự tổ chức nên tới nay chưa có thông tin hoãn. Tuy nhiên, cơ quan chức năng yêu cầu, vận động ban tổ chức tuyên truyền tới người dân và du khách để giãn, giảm bớt lượng người tập trung để tránh lây lan dịch bệnh.
Đối với các nhà máy tập trung đông công nhân, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã có văn bản gửi các cấp công đoàn yêu cầu tăng cường tuyên truyền cho người lao động về các giải pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bà Trương Thị Bích Hạnh - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết đã yêu cầu các cấp công đoàn đề xuất với chủ doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động nước ngoài và cả lao động Việt Nam nếu đến từ các vùng có dịch thì được nghỉ việc để theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày (theo khuyến cáo của WHO).
Ngoài những lễ hội trên, hàng loạt lễ hội như: Lễ hội Yên Tử, Lễ hội chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), Hội Lim (Bắc Ninh), Lễ hội chùa Tam Chúc (Hà Nam), Lễ hội Xuân Xứ Lạng, Lễ đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt khu di tích Chi Lăng (Lạng Sơn), Lễ hội đền Trần (Thái Bình), Lễ hội chọi trâu Phù Ninh, Lễ hội Phết Hiền quan (Phú Thọ)... lần lượt có thông báo hoãn tổ chức.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, do Bộ không cấp phép tổ chức lễ hội và các lễ hội đều đã được phân cấp cho các địa phương quản lý cho nên không thể dừng tất cả lễ hội trên cả nước. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề nghị các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế của mình để đề ra những quyết định kịp thời. Trong trường hợp cần thiết, nếu buộc phải dừng tổ chức lễ hội thì vẫn phải dừng để hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.