Đừng bóp nghẹt hệ sinh thái

Phương Anh | 20/09/2022 12:50

(TN&MT) - Dưới bàn tay can thiệp của con người, hầu như tất cả các hệ sinh thái trên Trái đất đều đã biến đổi theo chiều hướng bất lợi. Khôi phục và bảo vệ hệ sinh thái cho tương lai là một mệnh lệnh với mỗi cá nhân để hành tinh mãi xanh.

Tại Hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên lần thứ III" vừa được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Đà Nẵng, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt xanh (GreenViet) và Nhóm Nghiên cứu - Giảng dạy “Môi trường và tài nguyên sinh vật” thuộc Đại học Đà Nẵng (DN-EBR) tổ chức nhằm đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn cho các hệ sinh thái trọng điểm và các loài động vật hoang dã nguy cấp ở Việt Nam, các chuyên gia đã cũng cấp bức tranh đáng lo ngại về tình trạng suy giảm hệ sinh thái của nước ta.

Theo Sách Đỏ năm 2007, số lượng các loài đe dọa tuyệt chủng của Việt Nam có khoảng 900, nhưng hiện nay, ước tính tăng lên khoảng 1.200 loài. Các áp lực đe dọa chính như: mất rừng và suy thoái sinh cảnh sống, suy giảm quần thể, ô nhiễm môi trường, bệnh dịch, biến đổi khí hậu, loài ngoại lai, săn bắn, bẫy bắt... trong đó, đặc biệt có việc sử dụng tài nguyên không hợp lý, đã đe dọa đến 58,5% loài thực vật và 86,1% loài động vật.

tong-hop-hinh-anh-con-te-te-dep-nhat-1.jpg
Tê tê là loài vật bị săn lùng nhiều nhất trên thế giới

Cùng với đó, hoạt động nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản đe dọa đến 52% số loài thực vật và 39,3% loài động vật. Phát triển khu dân cư và cơ sở hạ tầng đã đe dọa đến 49,3% loài động vật. Số loài bị đe dọa cấp độ toàn cầu phân bố ở Việt Nam theo sách Đỏ IUCN (năm 2021) là 891 loài động vật và 367 loài thực vật.

Hưởng ứng thông điệp toàn cầu "Thập niên 2021-2030 là thập niên Liên Hợp Quốc về phục hồi hệ sinh thái", Việt Nam đã có các hành động cụ thể trong nỗ lực bảo tồn các loài nguy cấp, phục hồi rừng, đại dương, cũng như cam kết phát thải zero… Tuy vậy, những cam kết, những nỗ lực của các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan vẫn chưa đủ mạnh để ngăn cản tác động của biến đổi khí hậu nói chung, cũng như áp lực kinh tế với tư duy khai thác tài nguyên để làm giàu nhanh; các dự án lấp sông, lấn biển khai thác quỹ đất bừa bãi; khai thác rừng tự nhiên "núp" dưới nhiều tên gọi dự án khác nhau; phát triển rừng sản xuất đơn loài ào ạt; phát triển công nghiệp và xả thải chất ô nhiễm ra môi trường…

Hệ lụy là suy giảm các dịch vụ hệ sinh thái đang làm tổn hại đến nhiều người nghèo nhất. Đáng ngại hơn cả lại là nhân tố chính gây ra tình trạng đói nghèo, vì nó làm tăng sự lệ thuộc vào các dịch vụ hệ sinh thái. Điều này sẽ tăng thêm áp lực cho các hệ sinh thái, các nỗ lực giảm đói nghèo cũng như sự suy thoái hệ sinh thái.

ttxvn_1306sanho2.jpg
Hệ sinh thái các rạn san hô bị suy giảm nghiêm trọng

Rõ ràng, chúng ta cần là một chuẩn mực để đánh giá và định hướng nhu cầu sử dụng, điều này giúp chúng ta xác định được “điểm ngưỡng nhu cầu” - mức nhu cầu được thỏa mãn mà không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Khi tính đa dạng của tự nhiên bị phá vỡ sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng cung cấp các dịch vụ của hệ sinh thái và sự phục hồi của chúng sau những xáo trộn.

Một quốc gia có thể có GDP cao nhờ việc tàn phá các khu rừng và “vắt kiệt” tài nguyên để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, đó là sự phát triển thiếu bền vững, về lâu dài, tài nguyên và sinh kế của người dân sẽ không còn. Nếu giá trị kinh tế đầy đủ của các hệ sinh thái được xem xét trong việc đưa ra quyết định của các nhà quản lý, sự suy thoái sẽ giảm xuống rõ rệt và thậm chí còn được đẩy lùi.

Và đẩy lùi sự suy thoái của các hệ sinh thái trong khi vẫn đòi hỏi chúng đáp ứng được các nhu cầu ngày càng tăng của con người là một thách thức lớn. Những thay đổi trong chính sách có thể làm giảm đi nhiều hệ quả tiêu cực của áp lực gia tăng đối với hệ sinh thái.

Còn nếu không thay đổi mà vẫn áp đặt tư duy phát triển nóng, tiếp tục bào mòn, bóp nghẹt hệ sinh thái - chính chúng ta đang tự bào mòn đi chất lượng sống của chính mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng bóp nghẹt hệ sinh thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO