Sau nhiều năm khảo sát và chuẩn bị, tuyến du lịch sông Đồng Nai vừa chính thức khai trương giai đoạn 1 vào ngày 1-9. Đây là tuyến du lịch được đông đảo du khách mong đợi từ lâu.
Theo đơn vị chủ đầu tư - Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hoàng Gia Bảo (TP.Biên Hòa), tuyến du lịch đường sông Đồng Nai có chiều dài khoảng 30km với nhiều di tích lịch sử, văn hóa 2 bên bờ sông... như: chùa Ông, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, đình Tân Lân, Văn miếu Trấn Biên, làng bưởi Tân Triều, làng gốm Tân Vạn...
* Trải nghiệm mới
Tuyến du lịch đường sông Đồng Nai bắt đầu từ cù lao Ba Xê thuộc phường Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) đến bến đò xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu). Dọc tuyến có 4 điểm dừng chân để du khách có thể ngắm vẻ đẹp trên sông, 2 bên bờ và thưởng thức các đặc sản, ẩm thực địa phương.
Giai đoạn 1 tuyến du lịch thực hiện từ cù lao Ba Xê đến bến tàu, trạm dừng chân ở Bửu Long. Trong đó, điểm nhấn là bến tàu trạm dừng chân tại Công viên Nguyễn Văn Trị gần chợ Biên Hòa (TP.Biên Hòa) rộng gần 2.500m2 gồm: bến tàu, phòng vé, nhà chờ có thể tiếp nhận khoảng 200 khách. Giai đoạn 2 triển khai từ bến tàu, trạm dừng chân ở Bửu Long đến bến đò Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu) dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2019.
Hiện nay có 7 ca nô du lịch phục vụ tuyến, mỗi chiếc chở tối đa 25 khách, hoạt động tất cả các ngày trong tuần.
Giá vé dao động từ 128-425 ngàn đồng/người tùy vào số lượng khách đăng ký. Lộ trình tuyến đi như sau: Bến tàu tại Công viên Nguyễn Văn Trị - chùa Ông (TP.Biên Hòa) - chùa Phước Long (quận 9, TP.Hồ Chí Minh) - chạy vòng quanh cù lao Ba Xê - làng bè Hiệp Hòa rồi trở về điểm xuất phát.
Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho biết việc khai trương tuyến du lịch đường sông sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phát huy các lợi thế và tiềm năng du lịch trên sông Đồng Nai. Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển du lịch đường sông gắn với tuyến phố đi bộ Nguyễn Văn Trị để tạo điểm nhấn cho việc phát triển du lịch của thành phố.
*Tăng cường Kết nối
Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng đề nghị chủ đầu tư và các ngành liên quan của thành phố cần bảo đảm an toàn cho du khách tham quan, ngăn chặn tình trạng chèo kéo du khách, nâng giá dịch vụ; kiểm soát an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm; có phương án cảnh báo nguy hiểm, cứu nạn, cứu hộ tại các điểm du lịch; gắn phát triển du lịch với bảo vệ môi trường...
Bên cạnh đó, lãnh đạo TP.Biên Hòa cũng lưu ý tuyến du lịch này cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, sớm kết nối tuyến với huyện Vĩnh Cửu trong năm 2019, hướng tới liên kết tuyến du lịch với các tỉnh, thành lân cận: Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh và tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh, hưởng lợi từ du lịch đường sông.
Ông Trần Đăng Ninh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên đầu tư phát triển Bửu Long nhận định tuyến du lịch đường sông này có nhiều tiềm năng phát triển. Khu du lịch Bửu Long sẵn sàng trở thành một trong những trạm dừng chân đón du khách của tuyến du lịch để tham quan các cảnh đẹp ở Bửu Long, Văn miếu Trấn Biên, chùa Bửu Phong... góp phần đa dạng loại hình dịch vụ, tăng cường tính liên kết giữa các điểm trên suốt hành trình tuyến. Ngoài ra, tuyến du lịch đường sông Đồng Nai cũng nên hướng tới kết hợp với du lịch sinh thái rừng, tìm hiểu văn hóa - lịch sử ở khu vực chiến khu Đ...
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp, tuyến du lịch đường sông Đồng Nai đi vào hoạt động sẽ góp phần phát triển liên kết du lịch vùng. TP.Hồ Chí Minh cũng đề xuất, khi tuyến du lịch đường sông của Đồng Nai đi vào khai thác sẽ hợp tác nối dài tuyến, đưa du khách theo đường sông từ TP.Hồ Chí Minh đến các điểm du lịch ở Đồng Nai.