Tại Hội nghị này, Bộ TN&MT đã tuyên truyền một số văn bản pháp luật về tài nguyên nước và đưa ra lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan về Dự thảo Nghị định quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhằm hoàn thiện trước khi trình Chính phủ xem xét.
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển, nước có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong đời sống. Song, hiện nay tài nguyên nước đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt, ô nhiễm và suy thoái đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, nhằm đưa ra giải pháp để hạn chế những bất cập, đồng thời thực hiện các nội dung chương trình công tác năm 2016 của Chính phủ, Dự thảo Nghị định Quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và 02 Thông tư nêu trên đến thời điểm hiện tại đã được Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ TN&MT) hoàn thành.
Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước giới thiệu về Nghị định quy định phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước |
Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy cho biết, dự thảo Nghị định được xây dựng nhằm mục tiêu triển khai hiệu quả các quy định về việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, cũng như bảo đảm khuyến khích tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, vừa bảo vệ được nguồn nước khai thác, vừa bảo đảm được an sinh xã hội và bổ sung cho một số hoạt động bảo vệ nguồn nước.
Dự thảo Nghị định gồm 3 Chương, 17 Điều và 2 Phụ lục; được áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, tổ chức khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong việc tính, thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 65 của Luật Tài nguyên nước, trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước bao gồm các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và có giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước (chủ giấy phép): (i) Khai thác, sử dụng nước cho thủy điện, trừ công trình thủy điện phục vụ chính sách xã hội, an ninh và quốc phòng; (ii) Khai thác nước mặt, nước dưới đất, nước biển để phục vụ hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp, gồm cả nước làm mát; (iii) Khai thác nước dưới đất với quy mô từ 100 m3/ngày đêm trở lên để nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, tưới cà phê, cao su, điều, chè, hồ tiêu và cây công nghiệp dài ngày khác.
Đặc biệt, Chương II của dự thảo Nghị định quy định cụ thể về mức thu; công thức tính tiền; sản lượng khai thác; giá; thẩm quyền phê duyệt; hồ sơ; trình tự tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt; thời hạn ra thông báo và nộp tiền; chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Đồng thời, đối với trách nhiệm trong tổ chức thực hiện, dự thảo Nghị định quy định rõ trách nhiệm của Bộ TN&MT, Bộ Tài chính; các Bộ, cơ quan liên quan; UBND cấp tỉnh; cũng như các cơ quan trực tiếp thực hiện (bao gồm: Cục Quản lý tài nguyên nước; Sở TN&MT và Cục thuế địa phương nơi chủ giấy phép đăng ký kinh doanh); trách nhiệm của tổ chức nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.
Đại diện Sở TN&MT Thanh Hóa chia sẻ, phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là một trong những nội dung mới của ngành tài nguyên nước. Trước đây, trong lĩnh vực khoáng sản nội dung này đã được đưa vào thực hiện song do giá trị khoáng sản thì lớn và ngược lại giá trị tài nguyên nước lại thấp do đó quá trình triển khai sẽ gặp không ít những trở ngại khó khăn.
Đại diện Sở TN&MT Tuyên Quang cũng cho rằng, các Nghị định, Thông tư cần phải xem xét một cách toàn diện, tránh sự chồng chéo trùng lặp với các Nghị định cũng như Luật khác. Để các địa phương thuận lợi trong quá trình triển khai khi các văn bản được ban hành, Bộ cần quy định, hướng dẫn một cách cụ thể và rõ ràng về các nội dung được thể hiện trong dự thảo Nghị định, Thông tư.
Hội nghị cũng dành thời gian tuyên truyền, phổ biến Thông tư 24/2016/TT-BTNMT về Quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt. Đa số các đại biểu cũng bày tỏ sự nhất trí đối với các nội dung được hướng dẫn tại Thông tư 24/2016/TT-BTNMT và các dự thảo Nghị định, Thông tư nêu trên. Tuy nhiên, để có cơ sở triển khai các quy định tại dự thảo Nghị định Quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước một số đại biểu cũng đề nghị làm rõ một số nội dung liên quan đến phương thức thu, nộp tiền cấp quyền (nộp đều hàng năm hay nộp 01 lần?); làm rõ hướng dẫn liên quan đến công thức tính tiền cấp quyền khai thác nước, trong đó có hệ số điều chỉnh (K) liên quan đến vùng khan hiếm nước, vùng hạn chế khai thác nước thì sẽ được điều chỉnh theo tiêu chí nào (?). Một số ý kiến các đại biểu cũng đề nghị nên xem xét điều chỉnh lại hệ số chất lượng nguồn nước (K1) cho phù hợp với thực tế hơn.
Góp ý kiến đối với Dự thảo “Thông tư Quy định về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông”, một số đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể nội dung báo cáo đánh giá tác động đến dòng chảy của dự án của dự án khai thác cát sỏi, khoáng sản trên sông; làm rõ quy định hạn chế xói lở bờ đối diện, tác động xấu đến các công trình ven sông ở hạ lưu tại khoản 1, Điều 8. Đồng thời, một số đại biểu cũng đề nghị hướng dẫn cụ thể hơn về cơ quan tiếp nhận, chấp thuận hồ sơ đề nghị, đặc biệt là Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh đối với các dự án khai thác cát, sỏi và khoáng sản trên sông; dự án nạo vét, cải tạo, mở mới, nâng cấp luồng lạch tuyến giao thông thủy; dự án có hoạt động kè bờ, chỉnh trị sông; cải tạo cảnh quan, phát triển các vùng đất ven sông;…
Đối với dự thảo Thông tư quy định về giám sát tài nguyên nước, một số đại biểu đề nghị xem xét bổ sung thêm 01 Điều vào Chương 1 về các trường hợp được cấp giấy phép tài nguyên nước đều phải thực hiện giám sát tài nguyên nước. Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đề nghị xem xét tính khả thi về hình thức giám sát trực tuyến đối với hoạt động khai thác, sử dụng nước mặt tại công trình hồ chứa thủy điện hoặc hồ chứa thủy lợi kết hợp thủy điện; xem xét quy định rút ngắn thời gian kết nối, cung cấp thông tin, dữ liệu vế hệ thống giám sát tài nguyên nước đối với quy định tại khoản 2, Điều 16.
Thanh Tâm