Đưa nước ngọt về cho người dân đảo Cát Bà

08/03/2019 18:01

(TN&MT) - Cục Quản lý tài nguyên nước vừa phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hải Phòng tổ chức buổi lễ bàn giao 03 giếng khoan phục vụ khai thác, cấp nước sinh hoạt tại đảo Cát Bà, thành phố Hải Phòng. Đây là nội dung nằm trong khuôn khổ thực hiện dự án “Điều tra, đánh giá chi tiết  tài nguyên nước phục vụ xây dựng công trình cấp nước cho các đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam”, dự án có ý nghĩa quan trọng nhằm đảm bảo cấp nước phục vụ dân sinh-kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng tại các đảo quan trọng, có tầm chiến lược thuộc lãnh thổ Việt Nam. Nhân dịp này, phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường phỏng vấn ông Đỗ Văn Lanh - Giám đốc Trung tâm Thông tin - Kinh tế tài nguyên nước (Cục Quản lý Tài nguyên nước).

PV: Thưa ông, việc bàn giao và đưa 03 giếng khoan tại đảo Cát Bà vào hoạt động có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc đảm bảo nguồn nước cho người dân trên đảo Cát Bà. Xin ông cho biết đôi nét về dự án này?
 

IMG 0072
Giếng khoan trên đảo Cát Bà đã hoàn thành và bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng để tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho nhân dân

Ông Đỗ Văn Lanh: Dự án “Điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước phục vụ xây dựng công trình cấp nước cho các Đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam” đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Quyết định số 2908/QĐ-BTNMT ngày 16/12/2016. Dự án này là một trong những dự án thành phần thuộc “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” đã được phê duyệt thực hiện tại Quyết định số 47/2006/QĐ-TTg, ngày 01 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 47).

Dự án được thực hiện nhằm mục tiêu đánh giá chi tiết về số lượng, chất lượng nước dưới đất, nước mặt, nước mưa đối với các đảo đã được Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020, làm cơ sở cho việc xây dựng công trình cấp nước cho các Đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, việc thực hiện dự án cũng làm cơ sở để tạo lập các thông tin, dữ liệu và đề xuất phương án khai thác, sử dụng nước trên các đảo.

IMG 0019

Theo đó, dự án được thực hiện tại 14 đảo với diện tích khoảng 440km2, gồm các đảo: Quan Lạn, Hòn Đất, Thượng Mai - Hạ Mai, Phượng Hoàng, Thắng Lợi (Thẻ Vàng), Đảo Trần, Cái Chiên, tỉnh Quảng Ninh; Cát Bà, thành phố Hải Phòng; Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam; Nhơn Châu (Cù Lao Xanh), tỉnh Bình Định; Hòn Thơm (Quần đảo An Thới), Hòn Đốc (Hòn Tre Lớn II- quần đảo Hà Tiên), Hòn Sơn (Hòn Rái), Nam Du, tỉnh Kiên Giang. Dự án được thực hiện từ năm 2017 và dự kiến hoàn thành trong năm 2020.

Thời gian qua, các đơn vị sự nghiệp của Cục Quản lý tài nguyên nước đã phối hợp với Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia triển khai thực hiện các hạng mục như điều tra, đánh giá tài nguyên nước; điều tra, đánh giá trạng khai thác sử dụng tài nguyên nước; khảo sát địa vật lý; khảo sát, đo đạc tài nguyên nước: khai đào và thí nghiệm hố đào; khoan khảo sát thăm dò NDĐ; bơm hút nước thí nghiệm; lấy và phân tích mẫu nước; quan trắc địa chất thủy văn; trắc địa;…

Trên cơ sở này, các đơn vị thực hiện dự án tiến hành phân tích, đánh giá tài nguyên nước, đề xuất danh mục các giếng khoan thăm dò có lưu lượng, chất lượng nước đáp ứng yêu cầu khai thác để tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.

PV: Được biết, Dự án hoàn thành sẽ đánh giá được số lượng, chất lượng về tài nguyên nước, cung cấp các cơ sở khoa học về nước dưới đất, nước mặt, giúp các cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên nước phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH, giữ vững an ninh quốc phòng trên các đảo. Điều này sẽ hữu ích như thế nào đối với công tác quản lý tài nguyên nước?

Ông Đỗ Văn Lanh: Như chúng ta đã biết, Việt Nam là nước có bờ biển dài, trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước thì vai trò kinh tế biển đảo có vị trí đặc biệt quan trọng. Trong tiến trình lịch sử phát triển của đất nước, Nhà nước ta luôn quan quan tâm đến phát triển kinh tế biển đảo nói riêng và đất nước nói chung. Đặc biệt hơn là gắn kết mục tiêu phát triển KT-XH với mục tiêu bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước.
 

IMG 0010
Giếng khoan trên đảo Cát Bà đã hoàn thành và bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng để tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho nhân dân

Theo đó, trong định hướng phát triển đến năm 2020 của Chính phủ về biển đảo có nêu “Về cấp, thoát nước: Tiếp tục nâng cấp, xây dựng hồ chứa cho các đảo lớn, đông dân hoặc có vị trí quan trọng như Cô Tô, Vĩnh Thực, Vân Đồn, Cái Chiên, Cái Hải, Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Hòn Mê, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Nhơn Châu, Phú Quý, Côn Đảo, Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Tre, Phú Quốc.... Đẩy mạnh điều tra trữ lượng nước dưới đất của một số đảo lớn để có kế hoạch khai thác, đồng thời nghiên cứu các biện pháp trữ nước mưa kết hợp khai thác nước dưới đất ở các đảo, nhất là tại các đảo nhỏ”.

Để hỗ trợ cho phát triển kinh tế thì các đầu tư tìm kiếm, xử lý bảo đảm nguồn nước ngọt cho các đảo cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu được đặt ra. Theo kết quả điều tra, thống kê cho thấy hầu hết các đảo đều thiếu nước ngọt. Công tác điều tra tài nguyên nước trên đảo hiện còn nhiều hạn chế, mới có hơn 20 đảo và quần đảo được điều tra sơ bộ TNN, có số ít được điều tra chi tiết TNN dưới đất.

Trên thực tế, trong giai đoạn I của Đề án 47 về “Điều tra, đánh giá quy hoạch sử dụng đất, nước mặt tại các thủy vực ven biển, tiềm năng nước dưới đất vùng ven biển và các hải đảo” đã tiến hành điều tra được một số ít đảo ở phía Bắc (3 đảo) và hiện còn nhiều đảo chưa điều tra, nghiên cứu chi tiết TNN. Ngoài ra, trong năm 2013, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt dự án thành phần 7 “Điều tra đánh giá tài nguyên nước một số đảo và cụm đảo lớn, quan trọng” thuộc dự án “Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường một số hải đảo, cụm đảo lớn, quan trọng phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền lãnh hải” với mục tiêu cụ thể, đánh giá được chi tiết đặc điểm phân bố, trữ lượng, chất lượng tài nguyên nước, làm cơ sở cho việc lập quy hoạch khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững và bảo vệ tài nguyên nước ở một số đảo và cụm đảo Việt Nam; Tạo lập các thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước dưới đất làm cơ sở xây dựng một số công trình cấp nước phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam với phạm vi thực hiện gồm 4 đảo, cụm đảo (Vĩnh Thực; Vân Đồn; Bạch Long Vĩ và Hòn Khoai). Tuy nhiên, nhu cầu cấp nước phục vụ phát triển dân sinh-kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng tại các đảo quan trọng, có tầm chiến lược thuộc lãnh thổ Việt Nam ngày càng tăng cao. Vì vậy, việc thực hiện tiếp giai đoạn II của Đề án 47 với Dự án: “Điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên nước phục vụ xây dựng công trình cấp nước cho các đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam” trên 14 đảo được lựa chọn của dự án là rất cần thiết nhằm đánh giá được số lượng, chất lượng về tài nguyên nước, cung cấp các cơ sở khoa học về nước dưới đất, nước mặt, giúp các cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên nước phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH, giữ vững an ninh quốc phòng trên các đảo.  

PV: Thưa ông, tiếp theo việc bàn giao 03 giếng khoan phục vụ khai thác, cấp nước sinh hoạt tại đảo Cát Bà, thành phố Hải Phòng, trong năm 2019, các đơn vị thực hiện Dự án sẽ tiếp tục triển khai bàn giao ở những tỉnh, thành phố nào?

Ông Đỗ Văn Lanh: Theo kế hoạch, các giếng khoan sau khi được thăm dò, nghiên cứu, quan trắc địa chất thủy văn trong vòng 12 tháng để đánh giá mức độ đáp ứng về mặt trữ lượng, chất lượng đối với nhu cầu khai thác, sử dụng của nhân dân trên đảo sẽ được bàn giao cho địa phương quản lý, khai thác, sử dụng.

Trong năm 2018, Cục Quản lý tài nguyên nước đã tiến hành bàn giao 02 giếng khoan tại Đảo Cù Lao Xanh thuộc tỉnh Bình Định với lưu lượng khai thác lần lượt là 30 m3/ngày và 33m3/ngày; bàn giao 03 giếng khoan tại đảo Cát Bà, thành phố Hải Phòng với lưu lượng khai thác lần lượt là 39 m3/ngày, 120 m3/ngày và 166 m3/ngày. Kết quả này là thành quả lớn về mặt điều tra cơ bản tài nguyên nước dưới đất, góp phần tạo lập được bộ cơ sở tài liệu về tài nguyên nước dưới đất để phục vụ xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, các lĩnh vực kinh tế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. Mặt khác, các lỗ khoan nghiên cứu địa chất thủy văn sau khi hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu được bàn giao cho các địa phương để quản lý và đầu tư xây dựng hệ thống khai thác, xử lý để cấp nước sinh hoạt cho nhân dân. Đặc biệt, đối với một số đảo có khó khăn về nguồn nước trong khi nhu cầu nước cho dân sinh và phát triển du lịch ngày càng gia tăng mạnh mẽ như đảo Cát Bà, nhất là vào mùa khô từ tháng 4 đến hết tháng 8 hằng năm, vì vậy nếu tính theo tiêu chuẩn cấp nước đô thị là 100 lít/người/ngày thì với các lỗ khoan thuộc dự án có thể cấp nước được cho khoảng 3221 người dân. Kết quả Dự án cũng làm cơ sở cho việc đầu tư, cấp phép các công trình thăm dò - khai thác đảm bảo sự ổn định và chống suy thoái cạn kiệt tài nguyên nước hiện tại và tương lai; định hướng xây dựng các công trình giữ nước, bổ cập cho nước ngầm, nhất là lưu giữ nước vào mùa mưa.

Trên cơ sở các kết quả triển khai dự án nêu trên, theo kế hoạch trong năm 2019, dự kiến sẽ có thêm một số cụm giếng khoan sẽ được bàn giao trên các đảo: Thắng Lợi, Cái Chiên, và một số đảo khác sau khi đánh giá mức độ đáp ứng về mặt trữ lượng, chất lượng của các giếng khoan.

 

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa nước ngọt về cho người dân đảo Cát Bà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO